Dân Việt

Vùng đất cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc già mọc râu nặng 6-7 ký, tới mùa cá về dày đặc sông

Vùng đất Cà Mau xưa nức tiếng xứ Nam Kỳ về nguồn lợi cá đồng. Ngày trước (chủ yếu từ trước năm 1975), đất rộng, người thưa, cá đồng ở Cà Mau nhiều vô số kể.

Tỉnh Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập lợ (rừng tràm U Minh Hạ) và phần lớn đất đai là vùng sâu trũng, được ngọt hóa nên rất thích hợp cho các loài cá đồng sinh sôi, nẩy nở. 

Từ thời đi khẩn hoang mở đất, cá đồng đã gắn chặt với đời sống của cư dân vùng sông nước Cà Mau.

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 1.

Môi trường nước ngọt rất thích hợp cho các loài cá đồng sinh sôi, nẩy nở và phát triển. Ảnh: Diễm Phương.

Tỉnh Cà Mau có hệ sinh thái rừng ngập lợ (rừng tràm U Minh Hạ) và phần lớn đất đai là vùng sâu trũng, được ngọt hóa nên rất thích hợp cho các loài cá đồng sinh sôi, nẩy nở.

“Ở đâu có cá, có nước”, “cá thở như nước cơm sôi”, là những câu nói cửa miệng của nhiều người đã thể hiện rõ sự giàu có, trù phú về nguồn lợi cá đồng ở Cà Mau.

Cá đồng ở Cà Mau gồm: cá lóc, cá dầy, cá trê, cá rô, cá bổi, cá sặc, cá thác lác…Nhiều nơi, cá sống lưu niên, hết năm này đến năm khác nên rất nhiều và to. 

Có những con cá lóc có râu, nặng đến 7 - 8 kg. Mùa khô, khi nước trên đồng, trên rừng đã rút cạn, cá đồng dồn về dày đặc các con lung trời sanh, các ao đìa tự nhiên để trốn nắng, chờ mưa. 

Khi tìm gặp những ổ cá này, cư dân Cà Mau chỉ việc huy động lực lượng đến gánh về.

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 3.

Chụp đìa bắt cá đồng ở Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Ông Tô Vạn Năng, nguyên Chủ tịch Hội nuôi cá đồng xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (Cà Mau) kể lại rằng: “Thời hoàng kim của cá đồng Thanh Tùng, khi mùa gió chướng trở ngọn, cá đồng về, với bề ngang khoảng 3 thước dày đặc cả khúc sông. 

"Đến khi nông dân Thanh Tùng đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm, cá đồng không còn chỗ chạy, chết trắng trên sông, đến nỗi chó chạy qua không ướt chân”, Ông Tô Vạn Năng, nguyên Chủ tịch Hội nuôi cá đồng xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi (Cà Mau)

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 5.

Sản lượng cá đồng ở Cà Mau luôn dẫn đầu cả nước. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Cá đồng ở Cà Mau nhiều đến nỗi vào ban đêm, cá nổi lên ngớp đều khắp mặt nước, chỉ cần một tiếng động nhỏ cũng đủ làm cho “cá rộ” (cá giật mình, quẫy đuôi) mà cứ tưởng như có người quậy nước. 

Mùa khô, cạnh nhà đào cái ao hay con mương thì chỉ cần một vài trận mưa đầu mùa đã thấy có cá rồi. Hiện tượng này, có người gọi “cá từ trên trời rơi xuống”. 

Thực ra, sau những tháng ngày nắng hạn, ao đìa khô cạn và chỉ cần trời đổ một vài cơn mưa đầu mùa, kênh mương xâm xấp nước thì lũ cá lóc, cá rô, cá trê, cá bổi… với thân mình đầy trứng đua nhau đi tìm chỗ đẻ. Hiện tượng này, dân gian thường gọi là “cá lên”.

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 6.

Thu hoạch cá đồng ở Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Cứ thế, mùa “cá lên” người dân miệt Cà Mau cứ ngồi cạnh họng đìa (nơi cá ra vào), chờ cá bò lên hoặc đi trên những cánh đồng xâm xấp nước mà cứ bắt cá bỏ vào giỏ. Chỗ sâu trũng thì chờ cho đến đêm tối dùng đèn để soi. 

Gặp cá, người soi dùng nom để nom, dùng chỉa 3 mũi để chỉa hoặc dùng dao để chặt rồi bắt cá cho vào giỏ. Không chỉ có cá mà còn có cả lươn, rắn, rùa…Bắt cho đến khi nào quảy về không nổi thì mới chịu thôi. 

Đến mùa gió chướng về, nước “gọt” (nước rút), cá ở lại với rừng, với đồng. Biết được quy luật này, vào mùa khô, hộ dân nào cũng vần công đào vài khẩu đìa, mỗi khẩu đìa 3 – 4 giang để mùa khô đến cá gom về cho dễ thu hoạch.

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 7.

Cư dân miệt U Minh đặt trúm, đặt lọp để bắt lươn, khai thác cá đồng. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Việc thu hoạch cá đồng cũng khá đơn giản. Ngày trước, máy móc chưa nhiều nên việc thu hoạch cá đồng phải dùng gàu vai (có nơi gọi gàu sòng) để tác nước. 

Để tát khô một khẩu đìa phải mất mấy ngày, mấy đêm. Về sau, có máy móc, phương tiện hiện đại nông dân miệt Cà Mau dùng máy để tác đìa, dùng lưới để chụp nên việc thu hoạch cá đồng cũng đỡ vất vả hơn.

Cá đồng thu hoạch được, chủ đìa phần lớn chỉ bắt cá cân (cá đủ cân, chủ yếu là cá lóc từ nửa ký trở lên) để bán cho thương lái. Còn lại gọi là cá dạt (cá nhỏ, chưa đủ cân) thả lại nuôi làm giống. 

Còn những loại cá khác chỉ bắt những loại như cá trê vàng, cá dầy lớn, cá rô mề, cá thác còm, cá bổi phệt…để bán, để ăn, để làm mắm, làm khô. 

Tuy nhiên, chủ đìa nào cũng phải chọn vài cặp cá lóc to nhất, cắt đuôi làm dấu rồi thả lại để dẫn đàn. Như đã quen nơi sinh sống cũ nên vào mùa khô năm sau (nếu còn sống, không bị bắt) thì những cặp cá dẫn đàn này cùng với đàn cá mới kéo nhau về đìa cũ sinh sống. 

Và như thế, đìa nào có cá dẫn đàn thì thường trúng hơn những đìa khác. Ngoài việc thu hoạch cá đồng bằng cách tát đìa, chụp đìa, nông dân Cà Mau còn làm hầm, xây nò, vó, giăng lưới, giăng câu, đặt lờ, đặt lọp, nơm, nhấp, thượt… để bắt cá.

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 9.

Làng nghề làm khô cá bổi, huyện Trần Văn Thời. Ảnh: Huỳnh Lâm.

Vào mùa khô, người nuôi cá thường phải đốt đồng để dọn “bãi đẻ” cho cá. Vì khi mùa mưa đến, cá đồng, nhất là cá bổi, cá rô, cá trê, cá lóc…thường tìm đến những khu đất vừa mới đốt, nước trong, ít phèn để đẻ trứng. 

Mặt khác, người nuôi cá phải sên vét kênh mương để mùa mưa xuống cá có nơi trú ẩn, sinh sống. Đối với những vùng nuôi cá đồng truyền thống, giữa các hộ dân, thường thống nhất quy ước chung cũng như nghiêm cấm việc săn bắt cá bố mẹ và cá lòng ròng (cá lóc con vừa mới nở) để làm giống cho những mùa sau.

Vùng đất Cà Mau cá đồng từng "thở như nước cơm sôi", cá lóc mọc râu nặng 6-7 ký, cá về dày đặc sông - Ảnh 10.

Nò – một hình thức khai thác cá đồng của nông dân Cà Mau. Ảnh: Thanh Dũng.

Thông thường, sau 2 mùa thu hoạch, các ao đìa phải được cải tạo, sên vét bùn đất bồi lắng. Vào mùa nước nổi (khoảng tháng 8 – tháng 9 âm lịch) hàng năm, người nuôi cá thường trồng rau muống trên mặt ao đìa để cho mát nước, êm đìa; cắm chà để dụ cá, dùng máy bơm để rút nước đáy đìa. 

Vì sau khi mưa xuống, phèn chua, nước lợ thường lắng đọng dưới đáy ao đìa, chất lượng nguồn nước không tốt, làm cho cá khó về sinh sống, trú ẩn.

Ngày trước, cá đồng ở Cà Mau nhiều nên ít ai quan tâm đến việc nuôi thả cá giống. Cá thả lang, đi đâu, còn mất thì mặc kệ. 

Về sau (nhất là kể từ sau ngày giải phóng), với tốc độ tăng dân số nhanh, một số nơi đưa nước mặn vào đất trồng lúa để nuôi tôm nên diện tích, nguồn lợi cá đồng dần dần bị cạn kiệt. 

Nông dân nhiều nơi càng chú trọng hơn việc đào ao, bao vuông, thả cá giống trên ruộng lúa để nuôi. 

Những năm gần đây, nhiều hộ dân còn ứng dụng khoa học kỹ thuật cho cá đẻ nhân tạo, nuôi cá đồng theo mô hình công nghiệp để tăng năng suất, sản lượng cá và thu nhập kinh tế cho gia đình.