Tối đêm 10/2, vừa hết những ngày Tết cổ truyền Nhâm Dần 2022, cũng là thời điểm Cơ quan điều tra – Bộ Công an, tiến hành khởi tố vụ án, bắt tạm giam 5 cán bộ từng là những người lãnh đạo cao nhất của chính quyền tỉnh Bình Thuận: Ông Nguyễn Ngọc Hai – cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, ông Lương Văn Hải – cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận, ông Ngô Hiếu Toàn – phó Giám đốc Sở Tài chính, ông Hồ Lâm – cựu Giám đốc Sở TNMT và ông Lê Nguyễn Thanh Danh – cựu phó Giám đốc Sở TNMT tỉnh Bình Thuận.
Đối với tôi, điều ám ảnh nhất, không phải là tội danh sai phạm của các quan chức trên (vì các ông đều giống nhau, cùng dính dáng đến sai phạm trong quản lý đất đai), mà hình ảnh những chiếc còng số 8 lấp ló trên tay ông Hai, ông Hải, ông Toàn… giữa màn đêm tranh tối, tranh sáng của ngày 10/2.
Những chiếc còng số 8 được giấu nửa kín, nửa hở sau chiếc áo quấn quanh 2 cổ tay hoặc lấp ló dưới những xấp giấy trắng… Cái nửa kín, nửa hở ấy vẫn không giấu được những chiếc còng số 8 ô nhục, khiến danh dự, uy tín của những quan chức quyền lực một thời sụp đổ từ đây.
Tương tự, các quan chức - Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh - quyền lực, đỉnh cao một thời của tỉnh Bình Dương và tỉnh Khánh Hòa, cách đây vài tháng, họ cũng buộc phải tra tay vào còng số 8, với tội danh "vi phạm trong quản lý đất đai, gây thiệt hại cho tài sản của nhà nước".
Một số người cũng bị còng, bị công an dẫn giải ra xe biển số 80 trong tình cảnh tay quấn áo, quấn khăn hoặc cầm xấp giấy; lấp ló dưới áo, dưới khăn, dưới giấy là những chiếc còng số 8… Thậm chí, một Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bất ngờ "đổ bệnh" vô bệnh viện nằm, vẫn không thoát pháp luật sờ gáy.
Một lãnh đạo đứng đầu tỉnh bị khởi tố đã là nghiêm trọng. Nhưng gần đây, có địa phương, gần như cả dàn lãnh đạo tỉnh phải tra tay vào còng đã không còn là cá biệt nữa. Nó cho thấy, người có chức quyền không phải bất khả xâm phạm, như trước đây nhiều người vẫn suy nghĩ thế. Hôm nay, anh nắm chức nắm quyền, nhưng ngày mai, chiếc còng số 8 hoàn toàn sẽ lấp ló, thít chặt cổ tay anh, nếu anh lợi dụng chức quyền để làm sai, vi phạm luật pháp.
Chức quyền là thể hiện quyền lực nhà nước được nhân dân, nhà nước giao phó cho cá nhân thực hiện công vụ phục vụ ngược lại người dân, phục vụ nhà nước. Thế nhưng, đau lòng thay, thời gian qua đã xảy ra quá nhiều vụ sai phạm liên quan tới quản lý đất đai, quản lý công sản…
Có không ít cán bộ lãnh đạo địa phương đã lạm dụng chức quyền, lợi dụng quyền lực do nhà nước và nhân dân giao phó, để trục lợi, vụ lợi cho cá nhân. Hoặc vì động cơ nào đó, cố tình làm sai, gây thiệt hại tài sản của nhà nước, tài sản của nhân dân.
Ngoài vụ án vi phạm về quản lý đất đai tại dự án Công ty Tân Việt Phát dẫn tới ông Nguyễn Ngọc Hai, ông Lương Văn Hải… bị khởi tố, tỉnh Bình Thuận còn tồn tại 8 dự án khác có dấu hiệu sai phạm đang trong tầm ngắm điều tra của Cơ quan điều tra - Bộ Công an.
Chức quyền không dễ mấy người có được. Và, nhân dân, bộ máy nhà nước không phải giao phó chức quyền cho bất kỳ ai. Nhân dân và nhà nước giao chức quyền là sự tín nhiệm, tin tưởng tuyệt đối.
Chức quyền là danh dự, là uy tín cả đời người mới tạo dựng được. Nhưng người có chức quyền không biết giữ gìn thì chính những chiếc còng số 8 kia (dù có được giấu giếm nửa kín, nửa hở) làm cho sụp đổ trong phút giây.
Không phải ngẫu nhiên mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng phát biểu: "Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".