Tự "đại phẫu" mình đi, ngành Y

Nguyễn Hoà Thứ hai, ngày 20/12/2021 16:19 PM (GMT+7)
Bỏ mặc thành quả của hàng vạn cán bộ y tế đã căng mình, sát cánh cùng nhân dân cả nước để phòng, chống đại dịch Covid-19, những "con sâu" là cán bộ y tế thoái hóa đã đánh đổi, đã vì tiền mà "bán rẻ" nhân cách, đạo đức và lòng tự trọng của nghề, như trường hợp giám đốc CDC Hải Dương.
Bình luận 0

Việc Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố một loạt bị can liên quan vụ nâng khống giá kit xét nghiệm Covid-19, trong đó có Giám đốc CDC Hải Dương đã khiến dư luận thêm một lần dậy sóng.

Câu chuyện giá kit xét nghiệm cao đã được râm ran từ trước đó khá lâu, tuy nhiên chỉ khi sự việc bị Cơ quan điều tra phanh phui, dư luận mới "ngã ngửa" bởi họ đã cả gan "ăn tiền" đến như thế.

Trước đó, nhiều Đại biểu Quốc hội đã từng phản ánh, chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế về vai trò ngành Y tế liên quan kit xét nghiệm. Trước chất vấn kit xét nghiệm mỗi nơi một giá, Bộ Y tế khẳng định không quy định giá, địa phương tự thực hiện, tuy nhiên các đại biểu thấy cần làm rõ trách nhiệm.

Đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - an ninh của Quốc hội từng đặt vấn đề, xảy ra tình trạng giá kit xét nghiệm chênh lệch, cần phải có vai trò điều hành, định hướng cho địa phương để tránh xảy ra tình trạng mỗi nơi một giá. 

Cũng liên quan việc chậm ban hành giá xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận do quá bận với công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9/2021, khi Bộ Y tế chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, các đơn vị nhận lỗi do "mải mê quá" nên không thực hiện được.

Đó là những diễn biến trước khi Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt và 5 đồng phạm bị khởi tố vì "thổi" giá kit xét nghiệm Covid-19.

Trước khi ông Tuyến bị khởi tố, dư luận đã có thông tin việc ông này bị tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. Nhiều người cũng đoán già, đoán non về sự liên quan của vị Giám đốc CDC Hải Dương, nhưng chẳng mấy ai có thể đoán được ông Tuyến đã nhận % hoa hồng đến hàng chục tỷ trong thương vụ.

Cơ quan điều tra đã làm rõ, để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000/kit; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo Bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố trong quá trình cung cấp sản phẩm.

Với CDC Hải Dương, đơn vị này ký 5 hợp đồng mua kit xét nghiệm với Công ty Việt Á, tổng giá trị 151 tỷ đồng. Giám đốc CDC Phạm Duy Tuyến được chi % gần 30 tỷ sau khi ký các hợp đồng.

Tự "đại phẫu" mình đi, ngành Y - Ảnh 2.

Giám đốc CDC Hải Dương Phạm Duy Tuyến có thấy xấu hổ khi đối mặt với hàng trăm giảng viên, sinh viên của Hải Dương tràn đầy quyết tâm lên đường vào nam chống dichj?

Sự thông đồng, móc ngoặc giữa doanh nghiệp kinh doanh thiết bị y tế và cán bộ y tế thoái hóa, biến chất đến đây đã được Cơ quan điều tra "chỉ mặt, đặt tên" chứ không chỉ là thông tin dư luận nữa.

Nói như các chuyên gia pháp lý, việc lợi dụng tình hình dịch bệnh để trục lợi là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, nhưng ở câu chuyện này, ngoài trách nhiệm hình sự các đối tượng đương nhiên phải chịu trách nhiệm thì những "kẻ sâu mọt" này đã "bán rẻ" nghề nghiệp, "bán rẻ" lương tri, y đức của mình bằng "vài đồng bạc".

Trong khi hàng vạn cán bộ, chiến sỹ y tế cùng Chính phủ, cùng nhân dân cả nước căng mình chống dịch và đã có cả mất mát, hy sinh thì những "con sâu" này lại đang tâm cấu kết, móc ngoặc với nhau làm điều "bậy bạ" khiến người dân phẫn nộ.

Kền kền là loài chim ăn xác chết, nhắc đến chúng đã cảm thấy rất ghê sợ, tuy nhiên đối với Phạm Duy Tuyến nói riêng, những con "sâu mọt" trong ngành Y nói chung, "kền kền cũng không đáng". 

Đây không phải là trường hợp đầu tiên, trước ông này, tháng 12/2020, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội đã xử phạt Nguyễn Nhật Cảm – Giám đốc CDC Hà Nội 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Ông Cảm cũng được xác định vì động cơ vụ lợi mà thỏa thuận gian lận, nâng giá mua bán thiết bị xét nghiệm.

Thời điểm vụ án xảy ra, cả nước đang căng mình chống dịch, thông tin các đối tượng thông đồng nâng giá máy xét nghiệm như một cái tát vào công sức chống dịch của cộng đồng. Mặc dù kháng cáo nhưng sau đó ông Cảm cũng bị tuyên y án.

Còn với ông Nguyễn Quốc Anh - cựu giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, ông từng nói "chẳng ai được lợi gì ở đây", bệnh viện là nạn nhân khi xảy ra vụ lùm xùm trong liên kết sử dụng robot phẫu thuật cho người bệnh.

Nhưng đó là lời lúc ông ta chưa bị khởi tố. Còn sau khi vướng lao lý, cả một loạt bê bối liên quan đến vị cựu Giám đốc được Cơ quan điều tra phơi bày. 

Ông Quốc Anh bị khởi tố với cáo buộc vi phạm quy định khi liên kết sử dụng robot Rosa trong phẫu thuật, gây thiệt hại 10,5 tỷ đồng.

Còn về việc ông Quốc Anh nói không ai được lợi gì, giám đốc doanh nghiệp cung cấp robot cho Bệnh viện Bạch Mai khai đã tặng ông Quốc Anh 400 triệu đồng, 10.000 USD; nhiều người khác cũng được vị giám đốc doanh nghiệp khai tặng quà.

Nhà chức trách cho biết các bị can nhận thức được sai lầm nên đã tự nguyện nộp lại số tiền trên.

Chưa hết, ở một diễn biến khác, tại một số bệnh viện lớn ở Trung ương, mặc dù việc kê thực phẩm chức năng vào đơn thuốc cho người bệnh đã bị cấm, tuy nhiên vẫn còn những bác sỹ làm điều này.

Giá của những loại thực phẩm chức năng không hề rẻ, có đơn thì tiền thuốc 1, tiền thực phẩm chức năng phải 3, 4. 

Chẳng những thế mới có chuyện có người bệnh từ xa tới Hà Nội thăm khám, sau khi được kê đơn thì ra hiệu thuốc mua nhưng chẳng đủ tiền, phải gọi điện vay mượn khắp nơi trong khi chính họ không biết, hóa đơn vài triệu đồng đó chỉ có vài trăm nghìn là thuốc.

Phải khẳng định không hề chối bỏ, phủ nhận công sức của các cán bộ, lãnh đạo, nhân viên ngành Y tế vì những nỗ lực không ngừng nghỉ của họ, nhưng với những "con sâu" ngày càng to thế kia, ngành Y đã tự "đại phẫu" được chưa?


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem