Mở cửa lại trường học: Cần thiết để không phải "đánh đổi"!

Lan Hương Thứ tư, ngày 09/02/2022 10:02 AM (GMT+7)
Vậy là phải chờ đến 21/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 khu vực nội thành Hà Nội mới được đi học trực tiếp. Khi đó, chỉ còn trẻ mầm non tiếp tục ở nhà. Việc đi học đã trở thành khát khao với học sinh và cả phụ huynh, nhưng quyết định trở lại trường dường như vẫn còn rón rén.
Bình luận 0

Trước đó, học sinh ở một số vùng có cấp độ dịch 1, 2 ở Hà Nội đã đi học trực tiếp được vài tuần với một số khối lớp nhất định. Nhiều trường cho học sinh nghỉ cách quãng đợt giáp Tết khi dịch bùng phát mạnh tại Hà Nội.

Nhưng đến thời điểm hiện tại, dù trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 vẫn đang dẫn đầu cả nước, chính quyền và ngành giáo dục Thủ đô vẫn quyết tâm để trẻ được đến trường.

Cách đây chưa lâu, báo Dân Việt có bài viết "Học sinh Hà Nội đi học lại: Vội gì một vài tuần...". Bài viết khi đó đã đề cập đến sự phản ứng, lo ngại đồng loạt của cả phụ huynh, chuyên gia và nhà trường trước quyết định vội vã rồi lại điều chỉnh vội vã của thành phố cho học sinh quay lại trường. 

Thực tế là do các trường quá bị động, nhiều tình huống dở khóc dở cười đã xảy ra. Trong đó phải kể đến là tình trạng học sinh vừa đến trường một vài buổi thì có thể phải nghỉ suốt do lớp có học sinh hay cô giáo dạy bị F0, F1. Hay học sinh đến trường nhưng có thể phải học trực tuyến do cô giáo có tiết dạy đang đi cách ly. Thậm chí lớp học phải chia đôi để đảm bảo giãn cách và thầy cô cứ phải chạy đi chạy lại sang 2 lớp dạy đồng thời cùng một môn học, một giờ học…!

Ở trường thì học vậy, còn phụ huynh cũng đứng ngồi không yên. Khoảng thời gian đó, số ca mắc ở Hà Nội liên tục lập đỉnh, cũng chưa biết đã chạm ngưỡng hay chưa, ngành y tế thì căng mình chống dịch. Trong khi đó, đối tượng học sinh nằm trong diện xem xét đi học hầu hết đều mới tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 được vài ngày, chưa đủ thời gian và liều lượng phòng bệnh hiệu quả.

Nhưng đến thời điểm hiện tại thì khác! Nhờ "phủ sóng" vaccine thần tốc cho trẻ cũng như tiêm mũi nhắc lại cho trưởng thành, tình hình dịch bệnh của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung đều khả quan hơn nhiều. Đa số, các ca mắc Covid-19 đều ở thể nhẹ, những trường hợp nặng giảm đi gấp nhiều lần, chủ yếu là những bệnh nhân có bệnh lý nền, cao tuổi và chưa tiêm vaccine. Bên cạnh đó, ngành y tế đã có kinh nghiệm trong việc chống dịch và điều trị cùng với sự hiểu biết của người dân cũng tốt hơn.

Mở cửa lại trường học: Cần thiết để không phải "đánh đổi"! - Ảnh 3.

Cô Trịnh Hồng Vân, Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Xuân Trung lì xì cho học sinh. Ảnh: Tào Nga

Thực tế, 2 năm đối mặt với đại dịch, ngành giáo dục của các nước, trong đó có Việt Nam đã chịu ảnh hưởng nặng nề, và đối tượng bị thiệt hại nhiều nhất chính là học sinh.

Theo con số công bố của Chính phủ, dịch Covid-19 khiến kế hoạch năm học, chương trình và nội dung giáo dục phải thay đổi theo hướng chỉ còn phần cốt lõi. Gần 20 triệu trẻ em, học sinh, sinh viên phải tạm dừng đến trường, chuyển sang học trực tuyến, học qua truyền hình trong nhiều tháng liên tiếp. Trên 70.000 sinh viên không thể ra trường đã ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, đào tạo; ảnh hưởng tới tư tưởng, tâm lý của đội ngũ nhà giáo, trẻ em, học sinh, sinh viên. 

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Rana Flowers, Đại diện Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tại Việt Nam cũng đã nhận định: "Sự gián đoạn với nền giáo dục mà đại dịch Covid-19 đã gây ra có thể được liệt vào danh sách các cuộc khủng hoảng về giáo dục khủng khiếp nhất trong lịch sử.

Bằng chứng cho thấy trẻ em đối mặt với nguy cơ mắc Covid-19 nặng thấp hơn, thế nhưng cái giá khiến các em mất đi việc học hành, sự lo lắng và cô lập mà các em phải chịu đựng, những thách thức về tinh thần mà các em phải đối mặt - đó là những mối đe doạ lớn hơn". Do đó, UNICEF đã khuyến khích Chính phủ Việt Nam mở cửa trường học càng sớm càng tốt.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Giáo dục và đào tạo, 100% các cơ sở giáo dục đại học đã có kế hoạch đi học trực tiếp từ 14/2; 63/63 tỉnh, thành cho học sinh THPT đi học trực tiếp vào ngày 7/2; 57/63 tỉnh, thành cho học sinh THCS đi học trực tiếp vào ngày 8/2, các tỉnh còn lại sẽ cho học sinh đến trường trong tháng 2.

Với khối mầm non và Tiểu học, hiện có 53/63 tỉnh, thành bắt đầu cho khối học này đến trường, rải rác từ ngày 7/2 đến 14/2.

Có thể thấy, việc trở lại trường của học sinh, sinh viên gần như sẽ được phủ kín ở tất cả các khối cấp học trên cả nước trong tháng 2 này. Đó cũng là sự tất yếu khi mà tình tình dịch bệnh đã phần nào được kiểm soát cùng với sự nhìn nhận đúng đắn cấp thiết việc trẻ cần được đến trường. Vì vậy, chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ về việc sớm mở cửa trở lại trường học ngay sau Tết Nguyên đán đã nhận được sự đồng thuận của người dân. 

Chỉ có điều, nhìn lại, nếu Thủ tướng không quyết liệt về vấn đề đi học, thì các bộ ngành liên quan có dám quyết? Có cần chờ thêm thời gian cho trẻ nhỏ nữa hay không khi mà các hoạt động dịch vụ, du lịch, đi lại hầu như đã được mở hoàn toàn? Những ngày Tết, các khu du lịch chen chân, các nhà hàng kín chỗ. Trẻ con không cho đến trường, nhưng vẫn được đi chơi, điều đó có bất hợp lý hay không?

Trẻ lớn được đi học lại nhưng không được bán trú, bố mẹ lại nháo nhào đón con giữa buổi. Nhà có hai đứa, đứa lớn được đi học, đứa nhỏ lại vẫn ở nhà, bố mẹ cũng phải chia sẻ thời gian chăm sóc con, dường như các quyết định đến giờ này đều dang dở. Phương châm của nhiều quốc gia trong dịch Covid-19, trường học là nơi cuối cùng phải đóng cửa, nơi đầu tiên mở cửa trở lại, có lẽ cũng là bài học cần tham khảo.

Tất nhiên, trong bối cảnh vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới mỗi ngày, sẽ khó tránh khỏi tâm lý lo lắng của một bộ phận phụ huynh có con em quay trở lại trường học. Bên cạnh nhiệm vụ của các ngành chức năng để đảm bảo trường học an toàn thì điều quan trọng không kém chính là sự nhìn nhận đúng về tình hình dịch bệnh hiện nay cùng với những nguy cơ có thể phải "đánh đổi" nếu để trẻ quá lâu không được đến trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem