Chiều nay 17/2, thông tin từ Công ty Cổ phần Mía đường Sóc Trăng cho biết, vụ sản xuất 2021-2022, phía công ty ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng gần 2.000 ha mía.
Toàn bộ diện tích này, Sosuco đã đầu tư giống, phân bón, chi phí nhân công... với tổng số tiền trên 15 tỷ đồng.
Theo hợp đồng, người dân cam kết bán toàn bộ sản lượng mía trên diện tích công ty đã đầu tư, còn công ty cam kết thu mua hết sản lượng này.
Tuy nhiên, đến nay, khi Sosuco đang chuẩn bị vào vụ sản xuất 2021-2022 (chuẩn bị mua mía ép) thì xuất hiện một số thương lái tổ chức thu mua mía trong vùng sản xuất mía trên. Sau khi thu mua, lượng mía được đưa đi Tây Ninh bán cho các nhà máy đường khác. Hiện sản lượng mía thu mua đưa đi khỏi vùng nguyên liệu ở Sóc Trăng trung bình 500 – 600 tấn/ngày.
Theo Sosuco, các thương lái còn tổ chức lập điểm thu mua, lắp đặt cẩu mía tại huyện Long Phú ngay giữa vùng nguyên liệu của công ty.
Ông Trần Ngọc Hiếu - Tổng Giám đốc Sosuco cho biết: "Sosuco có nguy cơ phải dừng sản xuất sớm do thiếu mía và mất vốn đầu tư vì không thu hồi được từ việc thu mua mía của người dân".
"Việc các thương lái mua mía trong vùng mà công ty đầu tư rồi đưa đi bán cho các nhà máy đường khác gây nhiễu loạn vùng nguyên liệu và ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của công ty nói riêng, thị trường mía đường trong nước nói chung" - ông Hiếu nói thêm.
Theo phóng viên Dân Việt tìm hiểu, trước tình trạng vùng mía bao tiêu bị thương lái mua bán đi nơi khác, Sosuco đã gửi đơn đến lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng, Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng và một số đơn vị khác để nhờ hỗ trợ bảo vệ vùng mía nguyên liệu mà công ty đã đầu tư trong thời gian qua.
Đồng thời, có giải pháp ngăn chặn việc tranh mua mía trong vùng nguyên liệu của Sosuco, để không xảy ra tình trạng phá vỡ hợp đồng bao tiêu mía như hiện nay.
Sosuco cũng nhờ phía Công an tỉnh Sóc Trăng phối hợp với các cơ quan liên quan, kiểm tra ngăn chặn việc vận chuyển mía mua tranh trong vùng nguyên liệu của công ty đưa ra ngoài tỉnh, gây thiệt hại cho sản xuất của công ty và thất thu thuế cho địa phương.
Tổng Giám đốc Sosuco cho hay, đơn vị đã có kiến nghị lãnh đạo các huyện có diện tích trồng mía ở Sóc Trăng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết về quyền lợi, trách nhiệm của phương thức sản xuất mía theo hợp đồng và nghiêm túc thực hiện hợp đồng đã ký kết với công ty.
Ngoài phía tỉnh Sóc Trăng, Sosuco còn gửi đơn đến Hiệp hội Mía đường Việt Nam, nhờ Hiệp hội kiến nghị đến ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng có giải pháp bảo vệ hoạt động sản xuất chế biến của doanh nghiệp có hợp đồng đầu tư và bao tiêu mía cho bà con nông dân, góp phần phát triển chuỗi liên kết sản xuất mía đường.
Song song đó, Sosuco đề nghị Hiệp hội Mía đường Việt Nam kiến nghị đến Bộ Công Thương về thực trạng tranh mua mía nguyên liệu tại vùng mía của công ty đưa đi Tây Ninh vì sẽ tạo bất lợi cho các chính sách phòng vệ của Việt Nam, đặc biệt là việc điều tra chống lẩn tránh mà Bộ đang thực hiện.
Giá mua mía vụ 2021-2022 được Sosuco công bố là 1.100.000 đồng/tấn mía sạch 10 CCS (giá mua tại ruộng bốc lên phương tiện vận chuyển của bên mua, chi phí vận chuyển mía về nhà máy đường Sóc Trăng do công ty chịu).
Ngoài ra, các hộ thực hiện đúng cam kết của hợp đồng đầu tư thu mua mía thì phía công ty hỗ trợ thêm từ 30.000 - 50.000 đồng/tấn mía sạch.