Người trồng mía tự “ru ta ngậm ngùi” vì nhà máy đường bội tín với nông dân

Nguyên Vỹ Thứ sáu, ngày 21/01/2022 19:05 PM (GMT+7)
Một vấn đề rất nhức nhối, tồn tại từ rất lâu trong nội bộ ngành mía đường là người trồng mía ngày càng mất lòng tin vào nhà máy đường. Vấn đề này không được giải quyết sớm thì ngành mía đường còn gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận 0

Người trồng mía mất lòng tin vào nhà máy

Ông Hồ Thành Biên, nông dân trồng mía ở tỉnh Tây Ninh cho biết, hiện nay, khó khăn lớn nhất là người trồng mía không biết chính xác trữ đường (CCS) thực sự trong cây mía của mình là bao nhiêu.

Bởi vì, khi ông Biên đem cây mía của mình đến nhờ các đơn vị chuyên môn phân tích CCS thì thấy mức chênh lệch rất lớn với mức CCS ở nơi bán. Mức chênh lệch lên tới mức 1,8-4,6 CCS/tấn mía.

Theo ông Biên, 1 tấn mía thu được mà mức chênh lệch 4-5 CCS thì coi như nông dân mất trắng.

Nông dân trồng mía ở Tây Ninh. Ảnh: Chí Ngô

Nông dân trồng mía ở Tây Ninh. Ảnh: Chí Ngô

Cây mía trồng ở "thủ phủ" mía đường Tây Ninh mà chỉ cho 7 CCS là không thể chấp nhận nổi. Vì thực tế, nhiều vùng trồng mía ở Tây Ninh có thể đạt từ 11-13 CCS.

"Thế nhưng người trồng mía không biết kêu than ở đâu. Nông dân nhận kết quả phân tích CCS, đem về rồi để đó mà tự ngậm ngùi", ông Biên chia sẻ.

Cũng theo ông Biên, vấn đề phân chia lợi nhuận giữa người trồng mía và nhà máy đường chưa sòng phẳng.

Người trồng mía chỉ nhận lại mức lợi nhuận 11%, một con số hết sức khiêm tốn. Còn lại 89% rơi vào tay ai? Ông Biên cho rằng chính là nhà máy đường hưởng.

Đây là điều bất hợp lý. Bỡi vì trong quá trình trồng ra cây mía, nông dân chịu rất nhiều áp lực.

Thế nhưng nông dân không được quyền và cũng không kiểm soát giá vật tư đầu vào. Đến đầu ra cây mía, từ CCS đến giá thu mua mía nguyên liệu, nông dân cũng không được quyền gì cả. 

Với các nhà máy đường, ông Biên đánh giá, việc áp thuế phòng vệ hiện nay đã giúp các nhà máy đường hưởng lợi rất nhiều. Thế nhưng các nhà máy đường lại không chia sẻ lợi nhuận với người trồng mía.

Nhà nước thường nói, trong chuỗi sản xuất mía đường thì nông dân là người đóng vai trò then chốt.

Ông Biên cho rằng, câu nói này chỉ đúng một phần. Vì người nông dân vất vả làm ra nguyên liệu nhưng phần họ nhận lại rất bèo bọt. Nông dân luôn ở thế yếu so với các nhà máy đường.

Ông Biên cũng kể, hiện vẫn còn một số nhà máy đường mua giá mía chưa đến 1 triệu đồng/tấn. Đây là giá thu mua hết sức khó hiểu.

Quốc hội đã ban hành luật giá nhưng rất ít nhà máy đường thực hiện việc hiệp thương về giá với nông dân.

Người trồng mía hầu như không biết được giá trị thực sản phẩm họ làm ra là bao nhiêu. Bởi vì hầu hết các nhà máy đường không cho họ biết điều đó. Lợi nhuận sau sản phẩm đường cũng không thấy nhà máy đường công bố.

Nếu các nhà máy đường cứ tham lam, lấy lợi nhuận làm đầu thì ngành mía đường không có hướng phát triển. 

"Đây là bức tranh tối của nông dân trồng mía, của ngành mía đường mà các nhà máy đường, các ngành chức năng cần nhìn lại", ông Biên nói.

Theo đó, ông Biên đề nghị, Chính phủ nên có Luật mía đường, tối thiểu cũng là Nghị quyết về cách thu mua và phân chia lợi nhuận phải minh bạch giữa các nhà máy đường với nông dân, theo tỉ lệ thỏa thuận.

Một đội bóng nhiều cầu thủ giỏi nhưng cứ đá là thua

TS. Cao Anh Đương – Viện trưởng Viện nghiên cứu mía đường đánh giá, xét từng mắt xích trong chuỗi thì ngành mía đường Việt Nam không hề kém cạnh Thái Lan.

Thu hoach mía ở Tây Ninh. Ảnh: TNO

Thu hoach mía ở Tây Ninh. Ảnh: TNO

Nông dân Việt Nam trồng mía giỏi không thua nông dân Thái. Trong nước cũng có những nhà máy đường có công nghệ chế biến tốt, năng suất cao như Nasu Nghệ An, Thành Thành Công. Hệ thống phân phối sản phẩm đường trong nước cũng phổ biến rộng khắp.

Thế nhưng khi ghép các mắt xích này với nhau lại không tạo ra một chuỗi vững mạnh. Theo TS. Đương, nguyên nhân chính nằm ở cơ chế chính sách cho phát triển mía đường.

TS. Đương ví von, chính sách này giống như huấn luyện viên của một đội bóng. Một đội bóng nhiều cầu thủ giỏi nhưng tập hợp đội hình lại toàn đá thua. "Đội bóng nhiều cầu thủ giỏi cần phải có 1 huấn luyện viên giỏi để dẫn dắt", TS. Đương nói.

Về chuyện lòng tin của nông dân với nhà máy đường, đây vấn đề cốt lõi để giải quyết năng lực cạnh tranh nội bộ ngành mía đường.

"Đáng nói là vấn đề này đã tồn tại từ rất lâu. Nếu không sớm được tháo gỡ, giải quyết thì ngành mía đường rất khó tồn tại bền vững và cạnh tranh với các nước", TS. Đương chia sẻ.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem