Trong tuần này, BA.2 - hay còn gọi là "Omicron phiên bản tàng hình" - được ghi nhận là chiếm phần lớn các trường hợp nhiễm mới ở 10 quốc gia bao gồm Đan Mạch, Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Brunei Darussalam, Guam, Montenegro, Nepal, Pakistan và Philippines. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng có sự khác biệt lớn giữa từng khu vực, khu vực Đông Nam Á ghi nhận tỷ lệ nhiễm BA.2 cao nhất trong số các biến thể Omicron (44,7%) và khu vực châu Mỹ báo cáo tỷ lệ mắc thấp nhất (1%).
Đây có vẻ là tin tốt cho nước Mỹ, trong bối cảnh đất nước đang dần gỡ bỏ các hạn chế Covid-19. Mức độ phổ biến của BA.2 tại nước này đã tăng gấp ba lần từ 1,2% lên 3,6% (khoảng thời gian từ 29/1 - 5/2/2022), nhưng như vậy vẫn là một tỷ lệ rất nhỏ trong số các trường hợp nhiễm mới.
Ngược lại, tỷ lệ mắc chủng Omicron mới ở Nam Phi đã tăng từ 27% lên 86% (từ ngày 4/2 - 11/2). Ở Vương quốc Anh, con số đã tăng gấp sáu lần từ ngày 17-31/1 (2,2% lên 12%).
Một báo cáo vào cuối tháng 1/2022 từ Viện Huyết thanh Statens, hoạt động dưới sự bảo trợ của Bộ Y tế Hà Lan, cho thấy rằng "đến giữa tháng 2/2022, BA.2 có thể sẽ chiếm gần 100% tất cả các trường hợp nhiễm Omicron". Báo cáo cũng cho thấy rằng "BA.2 lây lan mạnh hơn 30% so với BA.1 (Omicron ban đầu)".
WHO mới đây cũng đã công bố một biểu đồ phác thảo những điều họ biết về BA.2, điều quan trọng là khác biệt thực sự của BA.2 so với các biến thể khác, nằm ở khả năng lây truyền.
Lý do cho sự khác biệt về tỷ lệ lây lan giữa các quốc gia hiện vẫn chưa rõ ràng. "Sự khác biệt về mức độ lây nhiễm BA.2 ở từng quốc gia có thể liên quan đến sự khác biệt về tỷ lệ tiêm chủng vaccine, các biện pháp hạn chế, mật độ dân số,...", báo cáo của WHO gợi ý.
Đan Mạch gần đây đã dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế Covid-19, nhưng công dân của họ được tiêm chủng ở mức rất cao (hơn 80%), theo Đại học Johns Hopkins. Để so sánh, 65% công dân Mỹ được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, Nam Phi, nơi Omicron lần đầu tiên được xác định và là nơi BA.2 hiện đang chiếm ưu thế, chỉ có 29% dân số được tiêm chủng đầy đủ.