Công an TP.HCM vừa hoàn tất kết luận điều tra (KLĐT), đề nghị truy tố 13 bị can nguyên là cán bộ, lãnh đạo Công an phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Các bị can này bị đề nghị truy tố về tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" khi nhận tiền để thả người có hành vi phạm tội.
Theo KLĐT, và từ lời khai của các bị can nguyên là cán bộ công an phường, từ năm 2018 đến tháng 4/2020, ban chỉ huy phường đã có chủ trương thành lập 2 tổ công tác để đi tuần tra trên địa bàn phường. Nếu phát hiện có người có dấu hiệu liên quan đến mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy thì bắt về phường, lập hồ sơ.
Sau đó, tổ công tác phân công nhau các việc, lấy lời khai, canh giữ, trò chuyện hỏi han về gia cảnh, cho phép những người bị giữ gọi điện thoại cho người nhà mang tiền đến nộp để được thả về. Trong 2 năm, Công an phường Phú Thọ Hòa đã giữ 51 trường hợp, rồi lại thả về không xử lý hành vi vi phạm pháp luật theo quy định.
Trong số 13 cán bộ công an phường bị bắt giam, điều tra có 3 người là lãnh đạo công an phường thuộc ban chỉ huy gồm Phạm Thanh Tuấn (trưởng công an phường), Phan Văn Hòa và Lê Văn Quý (phó trưởng công an phường).
Theo lời khai của các bị can nguyên là cảnh sát khu vực cùng đơn tố cáo thì việc lập tổ công tác là chủ trương của ban chỉ huy công an phường. Tuy nhiên, ông Quý và Hòa lại phủ nhận mình liên quan đến vụ việc.
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, đây là vụ án khá bất ngờ với nhiều người bởi theo nội dung kết luận điều tra, hành vi vi phạm của các bị can là rất lộ liễu, coi thường pháp luật làm mất uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật, thậm chí tiếp tay dung túng cho tội phạm, bỏ lọt tội phạm nguy hiểm.
Bởi vậy, ngoài tội danh đã bị khởi tố là tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, cơ quan tiến hành tố tụng có thể sẽ xem xét các dấu hiệu vi phạm pháp luật khác như đưa hối lộ, nhận hối lộ... để xử lý công bằng, khách quan, đúng pháp luật.
Theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng, bị can bị cáo không có nghĩa vụ phải đưa ra chứng cứ để chống lại mình.
Bị can cũng không buộc phải nhận mình phạm tội. Bởi vậy, việc các bị can không thừa nhận hành vi phạm tội đó là quyền của các bị can, cơ quan điều tra và VKS căn cứ vào các quy định của pháp luật để thu thập các chứng cứ chứng minh tội phạm, nếu chứng minh được thì đề nghị Tòa án xét xử kết tội đối với các bị can, bị cáo.
Trường hợp bị can, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đây là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự. Nếu bị can bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng các tài liệu chứng cứ khác đủ căn cứ kết tội thì tòa án vẫn kết tội bị cáo và không cho hưởng tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.
Tiến sĩ Cường phân tích, theo quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự năm 2015, tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ gây hậu quả là thiệt hại đến tài sản của tổ chức, cá nhân còn hành vi thỏa thuận nhận tiền để bỏ qua sai phạm là hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ.
Như vậy, có thể thấy theo quy định của pháp luật hiện hành, tội danh này xử lý đối với người lợi dụng chức vụ quyền hạn, vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân mà thực hiện sai công vụ dẫn đến gây thiệt hại đến tài sản của nhà nước, của tổ chức, cá nhân.
Hành vi không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, không nhằm mục đích để có được tiền từ các tổ chức, cá nhân. Tội danh có mức hình phạt cao nhất là 15 năm tù, thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Còn nếu trường hợp lợi dụng chức vụ quyền hạn để nhận tiền của tổ chức, cá nhân nhằm thực hiện công việc theo yêu cầu của người đưa tiền, đây là hành vi nhận hối lộ.
Trong khi đó, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, hai tội danh này cũng có yêu tố vụ lợi, tuy nhiên với tội nhận hối lộ là được hưởng lợi từ hoạt động công vụ trái pháp luật. Còn với tội lợi dụng chức vụ quyền hạn là làm trái pháp luật gây thiệt hại chứ bản thân họ không được hưởng lợi. Bởi vậy cơ quan tố tụng sẽ cân nhắc khi áp dụng hai tội danh này trong vụ án này.
Trường hợp bị can thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật, có hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, có hành vi thỏa mãn dấu hiệu cấu thành của tội nhận hối lộ sẽ xử lý hình sự đối với cả hai tội danh theo nguyên tắc mỗi hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý một lần.
Trong trường hợp xử lý bị can về tội nhận hối lộ, cũng sẽ xử lý người đưa tiền để đề nghị thực hiện công việc theo yêu cầu về tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật hình sự năm 2015 với chế tài cao nhất của tội danh này là phạt 20 năm tù.
Bạn đọc đang đọc bài viết "13 cán bộ, lãnh đạo Công an phường Phú Thọ Hòa nhận tiền để thả người vi phạm đối mặt mức án nào?" đăng tại mục Bạn đọc Báo Điện tử Dân Việt. Liên hệ đường dây nóng 0857.835.666.