Lực lượng cứu hộ Okhtyrka tìm kiếm các binh sĩ Ukraine trong đống đổ nát. Nguồn: Newsweek
Theo đại diện của quân đội Ukraine tuyên bố vào sáng 1/3, Kiev sẽ nhận được 70 máy bay chiến đấu từ các quốc gia EU. Trong số đó có 16 máy bay MiG-29 và 14 máy bay Su-25 Bulgaria cung cấp, Ba Lan sẽ gửi 28 máy bay chiến đấu MiG-29 và Slovakia có thể chuyển giao 12 máy bay MiG-29.
Theo kế hoạch do Giám đốc chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell công bố hôm 28/2, ba quốc gia này được cho là sẽ đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp máy bay chiến đấu nhằm củng cố khả năng phòng thủ của Ukraine trong bối cảnh các máy bay chiến đấu của Kiev đang dần bị máy bay và tên lửa Nga hạ gục.
Bất kỳ máy bay nào được chuyển giao cho Ukraine cũng đều phải là máy bay do Nga sản xuất để các phi công Ukraine có thể lái dễ dàng mà không cần phải đào tạo thêm, gây tốn kém thời gian và chi phí.
Ba Lan, Bulgaria và Slovakia được cho là những thành viên duy nhất của khối có máy bay Nga trong tình trạng sẵn sàng bay.
Mặc dù vậy, có vẻ như ông Borrell đã quá vội vàng khi đưa ra lời hứa hẹn.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Slovakia nói với Newsweek vào sáng 1/3 rằng: "Slovakia sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu cho Ukraine".
Người phát ngôn cho biết thêm, cho đến nay, Slovakia đã cung cấp "viện trợ nhân đạo và vật chất" trị giá hơn 19 triệu USD: "Chúng tôi đã cung cấp vật tư y tế và quân sự - bao gồm đạn 120mm, dầu diesel và nhiên liệu hàng không, hệ thống phòng không, tên lửa chống tăng..."
Bulgaria cũng bác bỏ kế hoạch này. Hôm 28/2, Thủ tướng Kiril Petkov cho biết đất nước của ông hiện còn không có đủ máy bay chiến đấu để bảo vệ không phận riêng của mình. "Chúng tôi hiện có rất ít máy bay và không thể chuyển giao chúng cho quốc gia khác", Petrov nói, theo Euractiv. "Một tin giả khác mà tôi nghe được hôm nay là chúng tôi sẽ gửi quân đến Ukraine. Cả hai thông tin này đều không chính xác".
Bộ Quốc phòng Bulgaria nói với Newsweek trong một tuyên bố: "Bộ Quốc phòng chưa hề thảo luận về vấn đề này".
Bộ Quốc phòng Ba Lan từ chối xác nhận hoặc phủ nhận các báo cáo rằng họ sẽ cung cấp máy bay phản lực cho Ukraine. Người phát ngôn chia sẻ với Newsweek: "Vì lý do an ninh, chúng tôi không thể thông báo chi tiết về khoản viện trợ quốc phòng được cung cấp cho Ukraine".
Ba Lan cũng đã từ chối yêu cầu của Ukraine về máy bay chiến đấu vào sáng 1/3.
Tổng thống Ba Lan Andrej Duda cho biết sau cuộc họp báo với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg: "Chúng tôi sẽ không gửi bất kỳ máy bay phản lực nào đến Ukraine vì điều đó sẽ can thiệp quân sự vào cuộc xung đột Ukraine. Chúng tôi không tham gia cuộc xung đột đó. NATO không phải là một phần của xung đột".
Theo Newsweek, các quốc gia NATO đang cảnh giác về việc bị lôi kéo vào cuộc xung đột ở Ukraine vì lo ngại nó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu hạt nhân với Moscow.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh đặt các lực lượng hạt nhân của nước này vào tình trạng báo động cao và Điện Kremlin nói rằng các quốc gia NATO sẽ phải chịu trách nhiệm nếu vũ khí họ cung cấp cho Ukraine gây ảnh hưởng đến quân đội Nga.
Máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng của Ukraine vẫn bay bất chấp các cuộc không kích của Nga nhằm vào các sân bay khi bắt đầu chiến dịch quân sự vào tuần trước. Việc Nga không thể ngăn cản lực lượng không quân Ukraine được một số chuyên gia quân sự coi là thất bại nghiêm trọng, nhưng những người khác lại đặt câu hỏi về chiến thuật thật sự của Nga là gì.
Chính phủ Ukraine tuyên bố đã phá hủy 29 máy bay, 29 trực thăng, 3 máy bay không người lái và 7 hệ thống phòng không của Nga kể từ khi chiến dịch bắt đầu. Tuy vậy, những số liệu này chưa được xác minh một cách độc lập và đầy đủ.