Theo ông Buckby, quyết định tiến hành chiến dịch quân sự vào Ukraine của Nga chắc chắn là kết quả của việc phương Tây từ chối cung cấp cho Tổng thống Nga Vladimir Putin sự đảm bảo rằng nước láng giềng Ukraine sẽ không bao giờ được phép gia nhập NATO.
Mặc dù ông Putin chứng tỏ rằng ông sẵn sàng hành động quân sự để ngăn các nước láng giềng gia nhập NATO, tuy nhiên, Phần Lan và Thụy Điển đã bác bỏ những lời cảnh báo này.
NATO là một liên minh quân sự liên chính phủ được thành lập vào năm 1949 sau Chiến tranh Thế giới thứ 2 khi Ngoại trưởng Mỹ George Marshall đề xuất Chương trình Khôi phục Châu Âu, một sáng kiến được thiết kế để tăng cường hợp tác kinh tế, quốc phòng giữa Mỹ và châu Âu. Liên Xô từ chối tham gia vào kế hoạch và chặn các quốc gia láng giềng ở Đông Âu nhận hỗ trợ kinh tế từ Mỹ.
NATO kể từ thời điểm được thành lập rõ ràng là một hiệp định quốc phòng tạo ra một lực lượng quân sự thống nhất, quy mô lớn có thể chống lại Liên Xô. Các nước thành viên NATO đã thống nhất rằng, một cuộc tấn công chống lại một quốc gia NATO sẽ là một cuộc tấn công chống lại tất cả họ.
Ngày nay, nếu được gia nhập NATO, Ukraine sẽ được bảo vệ bởi các lực lượng quân sự khổng lồ của phương Tây trong trường hợp bị Nga xâm lược.
Tuy nhiên, Nga từ lâu đã tìm kiếm sự đảm bảo từ phương Tây rằng Ukraine sẽ không được phép gia nhập NATO, nhưng không bao giờ nhận được sự đảm bảo đó.
Chính vì thế, Tổng thống Putin đã phát động cuộc tấn công vào Ukraine ngày 24/2, sau nhiều tháng tập kết hàng chục nghìn binh sĩ ở biên giới nước này để gây áp lực.
Ngoài Ukraine, Nga mới đây cũng phát đi cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển rằng, các nước này sẽ lĩnh hậu quả nghiêm trọng nếu có ý định gia nhập NATO.
Một tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Nga cuối tuần trước đã bày tỏ lo ngại về nỗ lực của Mỹ và một số đồng minh nhằm vận động Thụy Điển, Phần Lan trở thành những thành viên mới nhất của NATO.
Các quan chức Nga cảnh báo rằng, 2 nước này sẽ phải hứng chịu những hành động đáp trả "nghiêm trọng về quân sự và chính trị" nếu họ gia nhập NATO.
Đáp lại, Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson tuyên bố trong một cuộc họp báo rằng đất nước của bà sẽ không bị áp lực phải đưa ra bất kỳ quyết định nào về việc gia nhập NATO hay không.
“Tôi muốn nói cực kỳ rõ ràng. Chính Thụy Điển sẽ tự quyết định một cách độc lập về đường lối chính sách an ninh của chúng tôi”, bà Andersson nói.
Về phần Phần Lan, Đại sứ nước này tại Mỹ Mikko Hautala cho biết quan hệ đối tác với NATO là "rất quan trọng".
"Quan hệ đối tác với liên minh là rất quan trọng đối với chúng tôi. Trong khi duy trì một nền quốc phòng vững chắc, chúng tôi vẫn có cơ hội đăng ký trở thành thành viên. Đó là quyền chủ quyền của mỗi quốc gia để đưa ra quyết định về chính sách an ninh của mình", ông Hautala nói.
Phần Lan có đường biên giới dài nhất với Nga so với bất kỳ quốc gia nào thuộc Liên minh Châu Âu, dài 1.335 km. Theo ông Buckby, chiến dịch quân sự của Nga vào Ukraine có thể đã ngăn Ukraine gia nhập NATO trong tương lai gần, nhưng có thể không hiệu quả với Thụy Điển và Phần Lan.