Dân Việt

500 doanh nghiệp tham gia bán một loài thủy sản, Việt Nam thu ngay 3,9 tỷ USD

Chúc Ly - Ngọc Quyên 11/03/2022 19:26 GMT+7
Năm 2021, sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 930.000 tấn. Tuy nhiên, tỷ lệ nuôi tôm công nghệ cao chỉ chiếm khoảng 10%.

Theo Tổng cục Thủy sản, năm 2021, ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thời tiết khí hậu bất thường, đặc biệt ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, sản lượng tôm nuôi các loại đạt 970.000 tấn, tăng 4,3% so với năm 2020, trong đó sản lượng tôm nước lợ đạt 930.000 tấn.

Giá trị xuất khẩu tôm năm 2021 đạt hơn 3,9 tỷ USD (tăng 4% so với cùng kỳ), có hơn 500 doanh nghiệp đã tham gia xuất khẩu tôm tới 103 thị trường.

Theo ông Vương Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, vượt qua khó khăn của dịch bệnh Covid-19, tình hình sản xuất và nuôi trồng thủy sản của tỉnh trong năm qua đạt được kết quả khá nổi bật.

Sản lượng tăng nhưng nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt khoảng 10% - Ảnh 2.

Hội nghị phát triển ngành tôm năm 2022 được tổ chức ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CTV.

Cũng theo ông Nam, đến nay, diện tích nuôi tôm theo hình thức thâm canh và bán thâm canh tăng lên, chiếm 93,7%; trong đó, nuôi tôm công nghệ cao chiếm 9%. 

Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh năm qua là gần 1,3 tỷ USD; riêng tôm nước lợ đạt trên 1 tỷ USD.

"Ngành nuôi tôm nước lợ cũng 20, 30 năm nay; chính vì vậy, nuôi ao đất, nuôi truyền thống bây giờ ô nhiễm rất nặng nề. Tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp, người dân và nhất là các tổ chức tín dụng đầu tư để chuyển đổi từ ao đất sang ao bạt, để quản lý được môi trường, hạn chế rủi ro", ông Nam nhấn mạnh.

Sản lượng tăng nhưng nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt khoảng 10% - Ảnh 3.

Mô hình nuôi tôm công nghệ cao lót bạt ở tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: CTV.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngoài khó khăn của đại dịch Covid-19, thì hạ tầng nông nghiệp nói chung và hạ tầng nông thôn nói riêng còn lạc hậu, yếu kém. Ngoài ra còn có vấn đề ô nhiễm môi trường, thú y và con giống.

Sản lượng tăng nhưng nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt khoảng 10% - Ảnh 4.

Nông dân tỉnh Bạc Liêu kiểm tra tôm nuôi công nghệ cao. Ảnh: CTV.

"Nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt khoảng 10%, chủ yếu vẫn là nuôi ao đất. Và để giải quyết từ nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh thì chắc chắn rất nhiều khó khăn, thách thức", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định.

Theo kế hoạch sản xuất tôm năm 2022, diện tích nuôi tôm đạt 750.000ha; trong đó, tôm sú 625.000ha, tôm thẻ 125.000ha; sản lượng tôm các loại 980.000 tấn. Kim ngạch xuất khẩu trên 4 tỷ USD (tăng 2,56% so với năm 2021).

Sản lượng tăng nhưng nuôi tôm công nghệ cao chỉ đạt khoảng 10% - Ảnh 5.

Việc kết hợp điện mặt trời vào mô hình nuôi tôm siêu thâm canh cho ra lợi ích kép. Ảnh: CL.

Để đạt được kết quả này, các đại biểu cũng đưa ra các giải pháp, nhiệm vụ như tập trung tổ chức liên kết giữa các địa phương nuôi tôm; xây dựng kịch bản sản xuất tôm nước lợ trong điều kiện Covid-19, đảm bảo không bị động trước biến động của dịch bệnh.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng nhìn nhận, cần tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế; ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững…