Ngôi miếu là biểu trưng của lòng yêu nước cũng như lịch sử khai hoang, khẩn đất ở Nam bộ nói chung và vùng đất Mỹ Lộc nói riêng.
Ngôi miếu được xây dựng khang trang trong khuôn viên khá rộng. Trên sân có thờ Thần Nông. Hai cội bồ đề lớn làm không gian thêm đẹp và trang nghiêm.
Bên trong chánh điện là bàn thờ hai nữ tướng với tượng thờ tướng bà cưỡi voi trắng. Miếu Hai Bà Trưng có tiền thân là miếu Bà Ngũ Hành được lập từ khi nào không ai nhớ rõ, sau nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, ngôi miếu xuống cấp nghiêm trọng.
Đến năm 1947, ông Đoàn Ngọc Tỷ là người có lòng yêu nước, am hiểu lịch sử dân tộc đã hiến đất xây lại miếu Bà Ngũ Hành và đề nghị thỉnh vọng Hai Bà Trưng về thờ phụng để duy trì ngọn lửa đấu tranh trong nhân dân. Từ đó đến nay, miếu Bà Ngũ Hành đổi tên thành miếu Hai Bà Trưng.
Người dân trong vùng không ai không biết miếu Hai Bà Trưng. Hàng năm, cứ đến lệ cúng vào ngày 05, 06/02 Âm lịch thì không ai bảo ai, đều mang lễ vật đến dâng cúng 2 vị nữ tướng anh hùng dân tộc. 3 năm trở lại đây, do tình hình dịch bệnh nên lễ cúng chỉ diễn ra trong nội bộ Ban Quản trị, không có đông đúc khách thập phương đến viếng như nhiều năm trước.
Ông Đoàn Ngọc Thuận - người trông coi miếu Hai Bà Trưng cũng là hậu duệ của ông Đoàn Ngọc Tỷ, kể: “Mỗi lệ cúng như vậy ở đây đón khoảng ngoài 700 khách viếng, hành hương. Ngoài cúng đức bà cầu quốc thái dân an thì bà con còn xem múa bóng rỗi, ăn bữa cơm lấy lộc đầu năm. Mấy năm nay, dịch bệnh quá nên phải chịu”.
Ông Thuận có dáng người nhỏ nhưng nhanh nhẹn, giọng nói hào sảng, vui vẻ, là người chịu trách nhiệm chính trong việc chăm sóc miếu Hai Bà Trưng hơn 30 năm nay, từ khi ngôi miếu chỉ là cái am nhỏ trên khoảng đất cao giữa vùng đồng trống. Mỗi ngày, ông đều đến miếu thắp hương, chăm sóc từng khóm hoa, tán cây trong khuôn viên miếu.
Ông làm điều đó với tất cả sự tận tâm và niềm tự hào là hậu duệ của người khởi xướng việc thờ phụng Hai Bà Trưng tại miếu. Ông nói: “Hai Bà Trưng là những vị nữ tướng anh hùng, biểu tượng của lòng yêu nước. Ngôi miếu này, ngoài là nơi thờ phụng hai Bà, còn là di tích lịch sử, gắn liền với quá trình đánh giặc của dân vùng này”.
Thật vậy, miếu Hai Bà Trưng là nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng trong suốt quá trình kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của dân tộc ta, trong đó, có những sự kiện gắn liền với trí thức yêu nước Đoàn Ngọc Tỷ.
Trong giai đoạn đầu chống thực dân Pháp, miếu Hai Bà Trưng (khi đó còn là miếu Bà Ngũ Hành) là nơi nuôi giấu những người yêu nước, cũng là nơi tập hợp, xuất phát của nhiều cuộc biểu tình, đấu tranh, đưa ra yêu sách của người dân trong vùng.
Theo ghi chép từ Hồ sơ di tích Miếu Hai Bà Trưng, “theo lời kể của các vị cao niên thì mỗi lần muốn đi hành quân, địch phải bố trí 2/3 quân số của một trung đoàn mới dám đi vào khu vực miếu Hai Bà Trưng vì gặp phải sự phản kháng của các chiến sĩ và người dân sống trong vùng”. Khu vực miếu cũng là nơi tập hợp lực lượng Thanh niên Tiền phong Mỹ Lộc, góp phần vào thắng lợi chung năm 1945.
Khi phong trào cách mạng bị đàn áp dữ dội, phải tạm lắng xuống thì các hoạt động yêu nước tự phát vẫn luôn được duy trì. Tiêu biểu là việc ông Đoàn Ngọc Tỷ khởi xướng thờ Hai Bà Trưng tại miếu Bà Ngũ Hành.
Ngoài ra, ông còn tổ chức lễ tưởng niệm Nguyễn Đình Chiểu nhằm khơi gợi lại tinh thần yêu nước của người dân. Miếu Hai Bà Trưng lại tiếp tục trở thành địa điểm tập kết của lực lượng ta trong nhiều sự kiện quan trọng suốt những năm kháng chiến.
Các cuộc míttinh, tiễn đưa thanh niên nhập ngũ thường xuyên được tổ chức tại miếu Hai Bà Trưng. Đó cũng là khu vực bộ đội ta thường xuyên đi về và hoạt động, nơi đóng quân của bộ đội địa phương, địa bàn hoạt động chủ yếu của lực lượng cách mạng Mỹ Lộc, đến nỗi bọn địch chỉ cần nghe đến khu vực miếu Hai Bà Trưng là khiếp sợ.
Nhiều đợt tấn công quân địch, chống càn đều diễn ra ở quanh khu vực miếu. Có thể nói, khu vực miếu Hai Bà Trưng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của vùng Mỹ Lộc.
Theo đánh giá trong Hồ sơ di tích, sự ra đời của miếu Hai Bà Trưng gắn liền với công cuộc khẩn hoang, lập ấp. Sự thay đổi đối tượng thờ cúng từ Bà Ngũ Hành sang Hai Bà Trưng đã phản ánh tinh thần yêu nước, sự chuyển biến về tín ngưỡng dân gian trên cơ sở sự chuyển biến về tư tưởng kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc.