Nhà thờ Tấn Tài ở tỉnh Ninh Thuận có vị Cha Cố dẫn thủy nhập điền giúp nông dân trồng lúa
Nhà thờ 122 năm tuổi ở Ninh Thuận có vị Cha Cố “dẫn thủy nhập điền” giúp nông dân trồng lúa, cả làng nhớ ơn
Đức Cường
Chủ nhật, ngày 26/12/2021 06:03 AM (GMT+7)
Nhà thờ Tấn Tài là một trong những ngôi thánh đường cổ, được xây dựng vào năm 1900 ở TP Phan Rang- Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Trải qua gần 122 năm xây dựng, ngôi thánh đường cổ kính này vẫn giữ được vẻ uy nghi, với lối kiến trúc độc đáo trên toàn cõi Đông Dương.
Trong tiết trời se lạnh của mùa Noel 2021, chúng tôi tìm về xứ đạo Công giáo Tấn Tài, ở phường Tấn Tài, TP Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận).
Có thể nói, không khí đón mừng Giáng sinh 2021 ở xứ đạo Tấn Tài rực rỡ và hân hoan khiến chúng tôi vui lây.
Dưới chân ngôi nhà thờ cổ 122 năm tuổi, chúng tôi được nghe những giáo dân kể về lịch sử của một giáo xứ gần 140 năm tuổi.
Ông Nguyễn Văn Bá, Chủ tịch hội đồng Giáo xứ Tấn Tài cho biết, để có được nhà thờ cổ kính và khang trang như hôm nay, không ai không nhớ về công ơn của người cha cả là Cha Cố Đề.
Ông là vị linh mục đầu tiên đến khai sinh và lập nên giáo xứ từ năm 1882 mà dân trong vùng quen miệng gọi thân thiện là Cha Cố.
Linh mục quản xứ Gioan Phan Tiến Dũng cho biết, theo tài liệu của hội Thừa sai Paris, vào khoảng năm 1664, một nhóm quân nhân Công giáo gốc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên tòng quân Nam triều đã ở lại và lập nghiệp tại Bình Thuận Bắc (nay là Ninh Thuận).
Họ khẩn hoang trên bờ sông Dinh và đặt tên cho nơi ấy là "Dinh Thuỷ" có nghĩa là nước sông Dinh.
Những người này dựng lên một ngôi nhà nguyện mái tranh vách đất, để sáng chiều cùng nhau đọc kinh cầu nguyện.
Họ bầu lên một ban chức việc 3-5 người để điều hành việc đạo: dạy giáo lý, rửa tội cho trẻ em và tân tòng, làm chứng hôn phối, giúp người dân trong mọi việc cần thiết…
Thời ấy, rất lâu mới có một linh mục đến ở với họ vài ngày để truyền giáo lý. Mãi đến năm 1882, linh mục Thừa sai Gonzagne Villaume (người Pháp) được cử đến Dinh Thủy rồi cùng giáo dân nơi đây thành lập giáo xứ Tấn Tài.
Ngày nay, cái tên Dinh Thuỷ vẫn còn được những bậc cao niên nhắc đi nhắc lại như để nhắn nhủ con cháu nhớ về nguồn xưa.
Sau khi thành lập giáo xứ vào năm 1882, Cha Cố đã vận động giáo dân khởi công xây dựng các công trình chung. Đến năm 1900, nhà thờ Tấn Tài được hoàn thành trên vùng đất rộng khoảng 1 hecta.
Clip: Toàn bộ kiến trúc bên trong và bên ngoài nhà thờ Tán Tài ngày nay. Nhà thờ Tấn Tài tọa lạc ở phường Tấn Tài, TP Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. (Thực hiện: Trần Phương Trình)
Riêng ngôi thánh đường được xây dựng theo kiến trúc kiểu Pháp rất độc đáo, mái lợp ngói đỏ đỏ "Tuilede Trian" nguy nga, toàn bộ khu thánh đường và hành lang nhà thờ rộng chừng 1.000 mét vuông.
Chiều dài nhà thờ hơn 55 mét, chiều rộng 20 mét và một tháp chuông hình vuông to phía trước cao hơn 30 mét. Nhà thờ có 5 cửa vòm, trong đó có 3 cửa trước tiền đường, 2 cửa vòng hai bên hông.
Toàn bộ kiến trúc, gồm cột đỡ, trần được trét vữa hình vòm và cách bày trí đều theo lối kiến trúc phương Tây cổ kính, nguy nga và trang trọng. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, nhà thờ Tấn Tài là công trình "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam với lối kiến trúc độc đáo, không nơi nào có được…
Bên trong thánh đường có bia ghi chép tiểu sử của Cha Cố Đề bằng 3 thứ tiếng khác nhau (tiếng Latinh, tiếng Pháp và tiếng Việt) cùng thi hài Cha Cố Đề được an táng trên cung thánh gần bàn thờ chính của giáo đường.
Trên bia ghi rõ "Linh mục Gonzagne Villaume vị Thừa sai Tông tòa, nguyên quán tại Giáo phận Saint Dié nước Pháp. Sinh ngày 18 tháng 2 năm 1858. Sau khi hoàn thành nhiều công trình cho Thiên chúa và giúp bà con bản xứ, Ngài bị đuối nước tại đập Nha Trinh (Ninh Thuận) và qua đời ngày 6 tháng 9 năm 1900", (hưởng dương 42 tuổi).
Cha Cố dẫn thủy nhập điền giúp dân trồng lúa
Bà Trần Thị Nhân (60 tuổi), giáo dân giáo xứ Tấn Tài cho biết, bà sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này nên từ bé đã nghe cha mẹ và những người lớn tuổi kể về vùng đất Dinh Thủy xưa kia vốn là rừng cây um tùm.
Dù nằm sát bờ sông Dinh nhưng không ai biết cách đưa nước lên bờ để phục vụ sản xuất nông nghiệp nên đời sống người dân lúc bây giờ rất khó khăn.
Sau đó, Cha Cố đến và quy tụ mọi người, bà con giáo dân chung sức đồng lòng để phát hoang rừng rậm, khai khẩn đất đai.
Cha Cố tận tình chỉ giáo dân trồng lúa, làm ruộng. Cha Cố là người có công lao to lớn đối với giáo xứ, lại là người giản dị, sống gần gũi, thương yêu và dìu dắt giáo dân vượt qua gian khó nên mọi người ai nấy đều rất quý trọng…
Chỉ tay về con mương Ông Cố nước đang chảy mạnh trước cổng nhà thờ Tấn Tài, ông Nguyễn Văn Bá (70 tuổi), chủ tịch hội đồng Giáo xứ Tấn Tài cho biết, đến bây giờ vẫn còn đó con mương Ông Cố. Mương Ông Cố như một biểu tượng sống để người đời sau không những là người Công giáo mà ngay cả những người ngoài đạo đều ghi nhớ công ơn của Cha Cố.
Theo ông Bá, Cha Cố đã hướng dẫn giáo dân khai hoang được hơn 300 mẫu ruộng và vận động giáo dân lên tận đập Lâm Cấm, Nha Trinh, cách giáo xứ Tấn Tài gần 15-25km (ở xã Nhơn Sơn, huyện Ninh Sơn) để đắp đập, đào mương dẫn nước về cho bà con nông dân trong vùng trồng lúa.
"Ngày xưa có cả cánh đồng lúa rộng lớn trải dài từ mà người dân thường gọi là đồng Ông Cố. Nhưng nay đô thị hóa nên đồng Ông Cố đã không còn nhưng con mương thủy lợi mà ngày nay người dân quen gọi là mương Ông Cố vẫn còn đó. Mương hiện lúc nào cũng đầy và nước chảy quanh năm, hạn hán bao nhiêu cũng không bao giờ khô cạn…", ông Bá tự hào kể.
Cũng theo ông Bá thì công lao dẫn thủy nhập điền của Cha Cố không chỉ là con mương, mà còn là có những nhánh mương nhỏ khác đưa nước chảy về các xứ đạo như Cầu Bảo, Mỹ Đức, Tân Hội, Hộ Diêm…Nhờ những nhánh mương này đã giúp giáo dân các xứ đạo luôn yên tâm sản xuất, phát triển kinh tế đến ngày nay.
"Cha Cố Đề có công lớn lắm, ngài đã giúp người dân khai hoang ruộng đất, đào mương, đắp đập thủy lợi. Nhờ đó cha ông chúng tôi ngày ấy mới được cày cấy thuận lợi, những công trình của ngài vẫn còn mãi giá trị cho đến ngày hôm nay...", ông Bá chia sẻ.
Vận động giáo dân sống tốt đời đẹp đạo
Theo linh mục quản xứ Gioan Phan Tiến Dũng, trải qua thời gian hình thành và phát triển cũng đã có nhiều họ thuộc giáo xứ Tấn Tài xưa kia được tách ra và lên hàng Giáo xứ.
Riêng giáo xứ mẹ Tấn Tài hiện nay còn có 5 giáo họ với gần 3.000 giáo dân, phần đông bà con giáo dân sống bằng nghề nông, trồng lúa làm ruộng. Gần đây có thêm nghề trồng nho, trồng táo…và có cuộc sống ấm êm.
"Qua các lời kinh, lời dạy của Thiên Chúa trong mỗi thánh lễ luôn hướng cho bà con giáo dân sống một cuộc sống "tốt đời, đẹp đạo", luôn phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và giúp đỡ lẫn nhau. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân cũng ngày càng khởi sắc.", linh mục quản xứ nói.
Theo bà Nguyễn Thị Mai Trâm, chủ tịch UBMTTQ Việt Nam phường Tấn Tài, những năm qua, bà con giáo dân trên địa bàn luôn tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là phối hợp với Mặt trận và chính quyền ở địa phương, cơ sở thực hiện tốt cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư".
Đặc biệt là trong dợt dịch Covid-19 bùng phát trên địa bàn, bà con giáo dân luôn gương mẫu thực hiện các pháp phòng chống dịch.
Cùng với đó, giáo xứ Tấn Tài cũng là nơi đi đầu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo ở địa phương. Định kỳ các dịp lễ tết đã tổ chức hỗ trợ cho các hộ giao dân khó khăn, qua đó cũng góp phần cùng chính quyền địa phương chăm lo tốt hơn cho các hộ gia đình khó khăn, neo đơn, giúp họ từng bước vươn lên trong cuộc sống…", bà Trâm cho biết.
Trải qua 140 năm thành lập giáo xứ và 122 năm xây dựng ngôi thánh đường, giáo xứ Tấn Tài đã có 18 vị Linh mục quản xứ như: Gonzague Villaume (Cha Cố Đề) 1882-1900, Louis Nezeys (Cố Nhạc)1900-1903, Alexis Boivin (Cố Nhã) 1903-190, Jules Labiausse (Cố Sáng) 1907-1920, Guillaume David (Cố Yên) 1920-1924, Marcel Piquet (Cố Lợi) 1924-1928 (sau là Giám Mục giáo phận Quy Nhơn) , Pierre Ledarré (Cố Châu) 1928-1945, Giuse Nguyễn Sồ 1945-1947, Emile Laborier (Cố Hảo) 1947-1948, Paul Valour (Cố Lực) 1948-1951, Giuse Nguyễn Công Nghị 17 tháng, Pierre Gauthier (Cố Báu) 2 tháng, Marc Lefèbvre (Cố Kim) 1951-1970, Giuse Đinh Tường huấn 04.1961-11.1961, Giuse Lê Khắc Tâm 1970-1975, Giuse Nguyễn Hoàng Kim 05.1975-08.1975, Giuse Trần Văn Láng 1975-2006, GB Maria Trần Minh Cương 2006-2010, Giuse Lê Thiện Vang 2010 – 2019.
Hiện là linh mục Gioan Phan Tiến Dũng từ 2019 đến nay.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.