Dân Việt

TP.HCM triển khai nhiều đề án phát triển hạ tầng và kinh tế số

Quốc Hải - Hồng Phúc 15/04/2022 13:14 GMT+7
TP.HCM sẽ hợp tác chuyển đổi số với Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, phát triển đồng bộ hạ tầng số, nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng.

Đây là thông tin được Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 với Chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai", diễn ra ngày 15/4.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM: Triển khai nhiều đề án để phát triển kinh tế số TP.HCM

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết TP.HCM sẽ triển khai nhiều chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số của TP.

Cụ thể, TP.HCM sẽ hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa UBND TP và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. 

TP.HCM triển khai nhiều đề án phát triển kinh tế số - Ảnh 1.

TP.HCM triển khai nhiều đề án để phát triển kinh tế số. Ảnh: H.Phúc

TP.HCM sẽ triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình "Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP giai đoạn 2020-2030" để thúc đẩy đưa trí tuệ nhân tạo trở thành một trong những công nghệ cốt lõi trong xây dựng đô thị sáng tạo, thành phố thông minh, thúc đẩy phát triển kinh tế số nhanh, bền vững.

"TP.HCM sẽ nghiên cứu để triển khai các chính sách thử nghiệm có kiểm soát (sand box) đối với các dịch vụ số mới, mô hình kinh doanh kinh tế số mới chưa được pháp luật quy định rõ ràng; cơ chế để các doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ phục vụ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết.

Theo người đứng đầu chính quyền TP, TP.HCM cũng tập trung triển khai Trung tâm khởi nghiệp đối mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP.

Đặc biệt, ông cũng nhấn mạnh đến nghiên cứu Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM với 3 chức năng chính gồm thị trường tiền tệ; thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.

TP.HCM cũng sẽ Phát triển đồng bộ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và kế hoạch phát triển hạ tầng số thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2020 - 2030.

Nhà nước - doanh nghiệp - người dân là trọng tâm của chuyển đổi số

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết với quy mô đô thị hơn 10 triệu người, TP.HCM đóng góp khoảng 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách quốc gia, là nơi hội tụ gần 40% số lượng doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp và nhất là tiềm lực về khoa học - công nghệ và giáo dục - đào tạo.

TP.HCM đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 là TP.HCM là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. 

Đến năm 2030, mục tiêu của TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

TP.HCM triển khai nhiều đề án phát triển kinh tế số - Ảnh 3.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 với Chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai". Ảnh: Quốc Hải

Chủ tịch UBND TP.HCM thông tin Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, TP ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đât đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…

Theo ông Mãi, đặc điểm kinh tế TP.HCM với hơn 95% là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với hơn 300.000 hộ sản xuất kinh doanh cá thể. 

Dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doang nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng cũng đứng trước nhiều thách thức, nhất là về nguồn nhân lực, kể cả 2 khía cạnh:nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng quá trình chuyển đổi số vấn đề công nghệ quan trọng nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Mối quan hệ giữa nhà nước - doanh nghiệp và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số.