Bí thư TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống

Quốc Hải - Hồng Phúc Thứ sáu, ngày 15/04/2022 10:06 AM (GMT+7)
Tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 diễn ra sáng nay 15/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho rằng chúng ta đang sống trong thế giới có 2 nền kinh tế, đó là kinh tế số và kinh tế truyền thống, trong đó kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống.
Bình luận 0

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai" chính thức diễn ra sáng nay, ngày 15/4.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Kinh tế số đang mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống - Ảnh 1.

Doanh nghiệp tham quan các sản phẩm công nghệ, sản phẩm số tại Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 diễn ra sáng 15/4. Ảnh: Quốc Hải

Phát biểu tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết kinh tế TP.HCM đang phục hồi mạnh mẽ sau môt năm bị khủng hoảng vì Covid-19. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thời gian đầu, kinh tế bị đứt gãy nhưng các địa phương, doanh nghiệp đã thích ứng, sử dụng ứng dụng số để giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh.

"Chúng ta đang sống trong thế giới có 2 nền kinh tế, đó là kinh tế số và kinh tế truyền thống. Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống", ông Nên nói.

Bí thư Thành ủy TP.HCM cho biết mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 25% trong tỷ trọng GRDP của TP.HCM. Đến năm 2030, mục tiêu TP.HCM sẽ trở thành TP dịch vụ công nghiệp, trung tâm kinh tế tài chính của khu vực Đông Nam Á và kinh tế số chiếm 40% GRDP.

TP.HCM đã triển khai đề án đô thị thông minh giai đoạn hai với giáo dục thông minh, y tế thông minh, một hệ sinh thái toàn diện để phục vụ kinh tế số.

"Diễn đàn hôm nay có ý nghĩa quan trọng, mong mốn lắng nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp trong và ngoài, tìm kiếm mô hình thúc đẩy chuyển đổi số, đáp ứng yêu cầu phát triển của TP trước mắt và lâu dài", Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên: Kinh tế số đang mạnh mẽ và áp đảo kinh tế truyền thống - Ảnh 2.

Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai". Ảnh: Quốc Hải

Ông Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đánh giá Diễn đàn Kinh tế TP.HCM lần này là diễn đàn của sự hành động.

Ông cho rằng TP.HCM là đầu tàu của cả nước, cần phải tiếp cận kịp thời xu thế phát triển của thế giới. Diễn đàn lần này là sự cụ thể hóa tinh thần sáng tạo, đổi mới sáng tạo. Đây là những yếu tố nền tảng tạo nền kinh tế số.

Theo ông Thắng, TP.HCM nên tập trung 3 vấn đề để phát triển kinh tế số. 

Thứ nhất, cần hoàn thiện thể chế, trọng tâm hoàn chỉnh quy định pháp luật. 

Thứ hai là nguồn lực con người, TP phải hướng tới đào tạo lao động có năng lực làm việc trong môi trường quốc tế. 

Thứ ba, trọng tâm phát triển hạ tầng, ngoài hạ tầng đô thị giao thông thì TP cần quan tâm hạ tầng giáo dục, y tế… Nhưng quan trọng nhất là hạ tầng thông tin, bởi đây là bước cơ bản phát triển chuyển đổi số.

"TP.HCM đã đi được một số bước chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Tuy nhiên, lãnh đạo TP phải quan tâm thu hút nhân lực, thu hút doanh nghệp để phát triển kinh tế số và có tầm nhìn quốc tế", ông Nguyễn Xuân Thắng nói.

Với chủ đề "Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai", Diễn đàn Kinh tế TP.HCM 2022 nhằm thúc đẩy Chương trình chuyển đổi số của TP.HCM.

Diễn đàn xoay quanh 4 chủ đề chính: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TP.HCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TP.HCM: Định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: Thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem