TP.HCM: Doanh nghiệp dò đường xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, lấy lại đà phục hồi

Quốc Hải Thứ ba, ngày 22/03/2022 11:46 AM (GMT+7)
Xoay sở vượt qua những khó khăn do dịch bệnh gây ra, nhiều doanh nghiệp (DN) tại TP.HCM đã nhanh chóng khôi phục sản xuất và tăng cường xuất khẩu dù bối cảnh thương mại thế giới vẫn đang ảnh hưởng nhiều từ xung đột Nga – Ukraine.
Bình luận 0
TP.HCM: Doanh nghiệp "dò đường" xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, lấy lại đà phục hồi - Ảnh 1.

Kiểm tra ớt nguyên liệu tại Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare. Ảnh: DNCC

Mới đây, Công ty CP Pacific Foods (Pacific Foods) đã xuất khẩu lô hàng 16 tấn (1.500 thùng) gồm các sản phẩm nước mắm truyền thống Bless Mami (40 độ đạm) và Hảo Hạng (60 độ đạm), tương ớt Youmi, nước uống năng lượng Squid, nước sâm bổ lượng New Hope, cà phê hòa tan Factory.

Khởi hành từ cảng Vũng Tàu ngày 17/3/2022, dự kiến lô hàng này sẽ đến cảng Long Beach, Hoa Kỳ ngày 10/4/2022.

Tìm kiếm thị trường xuất khẩu giữa bối cảnh khó khăn

Tiếp đến, trong tháng 4/2022, lô hàng 28 tấn tiếp theo sẽ là các sản phẩm nông sản, gia vị chủ lực của Pacific Foods cũng xuất khẩu đến Hoa Kỳ, trong đó có gạo Phúc Lộc và nước chấm thơm Youmi – 2 sản phẩm vì sức khỏe mới nhất và tràn đầy tâm huyết, được gởi gắm niềm tự hào thương hiệu nông sản gia vị Việt!

Sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, đây là lô hàng đầu tiên mà Pacific Foods bán cho một đối tác có hệ thống phân phối rộng khắp thị trường Hoa Kỳ, trong đó có nhiều siêu thị và các chợ do người Việt sở hữu ở bang California và một số bang khác.

"Sau các đơn hàng hợp tác với đối tác ở Hoa Kỳ trong nhiều năm trước, đây là lần mà các sản phẩm nước mắm, gia vị, nông sản, đồ uống do Pacific Foods sản xuất có cơ hội cùng tiếp cận với số lượng rất lớn vào thị trường Hoa Kỳ. Lần xuất khẩu này cũng với mục đích thăm dò, mở rộng địa bàn với thị trường tiềm năng có hơn 350 triệu dân này" – ông  Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods, cho hay.

TP.HCM: Doanh nghiệp "dò đường" xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, lấy lại đà phục hồi - Ảnh 2.

Ông Lê Bá Linh, Chủ tịch HĐQT Pacific Foods. Ảnh: NVCC

Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare (huyện Bình Chánh) Nguyễn Thanh Hiền cũng cho biết ông đang tất bật kiểm tra những công đoạn cuối cùng để đưa những chai tương ớt lên men thương hiệu Chilica đầu tiên sang trời Âu.

"Đây là lô tương ớt đầu tiên đi thị trường châu Âu. Đơn hàng này được đàm phán trong gần một năm, khách hàng đồng ý đặt hàng với số lượng lớn 1.500 thùng tương ớt các loại trị giá 34.000 USD.

Vui hơn nữa là tương ớt vẫn giữ được thương hiệu hàng Việt khi bày bán tại các cửa hàng ở châu Âu" - ông Hiền chia sẻ.

Cũng theo ông Hiền, dịch bệnh đã làm doanh nghiệp chững lại gần 2 năm qua. "Lô hàng xuất khẩu lần này là bàn đạp để Chilica mở rộng sang thị trường khó tính này" – ông Hiền nói thêm.

2 tháng đầu năm nay, Công ty CP hàng tiêu dùng Phúc Sinh xuất khẩu được hơn 700 container sản phẩm cà phê, hồ tiêu sang thị trường châu Âu, Mỹ và Bắc Mỹ…  Lượng hàng xuất khẩu của công ty đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Theo chia sẻ của doanh nghiệp, khi dịch bệnh một số nước có dấu hiệu chững lại thì nhu cầu tiêu dùng hàng thực phẩm thiết yếu gia tăng nên doanh nghiệp nhận thêm nhiều đơn hàng hơn…

TP.HCM: Doanh nghiệp "dò đường" xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng, lấy lại đà phục hồi - Ảnh 3.

Đóng gói tương ớt tại Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Tomcare. Ảnh: DNCC

Theo Cục Thống kê TP.HCM, trong hai tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, có nhiều nhóm hàng xuất khẩu có mức tăng trưởng ấn tượng. Chẳng hạn, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 695 triệu USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng thủy, hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 179,3 triệu USD, tăng 85,2% so với cùng kỳ; giày, dép có giá trị xuất khẩu đạt 377,4 triệu USD, tăng 25,2%...

Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt hơn 5,31 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 77,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.

Cơ hội nhưng cũng nhiều thách thức…

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã mở ra một không gian kinh tế mới cho các doanh nghiệp thành phố đa dạng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, để có thể tận dụng được các cơ hội kỳ vọng từ Hiệp định RCEP, trước hết, doanh nghiệp thành phố cần hiểu sâu về hiệp định, tiến trình, các cam kết cụ thể cũng như những tác động dự kiến của các cam kết này.

Trước mắt, thành phố có thể tận dụng lợi thế với những mặt hàng có thế mạnh như: Nông sản, thủy sản, dệt may, giày, dép, hàng công nghiệp điện tử và linh kiện... nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu.

Bên cạnh đó, TP.HCM cần tiếp tục cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, mang lại môi trường kinh doanh minh bạch, ổn định, giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp...

Về phía ngành công thương TP.HCM, để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau thời gian giãn cách do đại dịch, cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, ngành công thương đã tích cực tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh các hoạt động thương mại điện tử…

Đồng thời, TP cũng tích cực tháo gỡ các vướng mắc của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp sớm phục hồi, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem