Dân Việt

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết đến Đỗ Thành Nhân: Ai giúp nhà đầu tư trong cơn hoảng loạn?

Huyền Anh 21/04/2022 07:00 GMT+7
Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh và mới nhất là vụ việc thao túng thị trường chứng khoán tại "nhóm Louis" Đỗ Thành Nhân, các chuyên gia đều cho rằng, những hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là do cách chúng ta phản ứng với nó.

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 20/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án "Thao túng thị trường chứng khoán" xảy ra tại Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty Cổ phần Louis Holdings, Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 04 cá nhân về tội "Thao túng thị trường chứng khoán" theo quy định tại Điều 211 Bộ luật Hình sự, gồm: Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Công ty Cổ phần Louis Holdings, thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Louis Capital, Công ty Cổ phần Louis Land; Trịnh Thị Thúy Linh, Giám đốc Hành chính Công ty Cổ phần Louis Holding; Đỗ Đức Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt; Lê Thị Thùy Liên, nhân viên Dịch vụ tài chính Công ty Cổ phần Chứng khoán Trí Việt.

Trước đó, vào cuối tháng 3/2022, cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.

Trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, việc hủy bỏ 9 lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp Tân Hoàng Minh và bắt giam ông Đỗ Anh Dũng – Chủ tịch Tân Hoàng Minh cũng làm "rúng động" thị trường trong những ngày gần đây.

Từ vụ Trịnh Văn Quyết đến "nhóm Louis" Đỗ Thành Nhân: Cần làm sạch thị trường chứng khoán

Từ những vụ việc kể trên, các chuyên gia cho rằng đều có chung nhận định cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam rất cần sự trong sạch, minh bạch.

Nêu quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty TNHH Luật ANVI, người ta hay nói "nước trong thì không có cá". Nhưng với riêng thị trường chứng khoán làm xanh sạch thị trường lại là ưu tiên hàng đầu.

"Trong sạch không làm mất con cá nào, mà có cá sạch, cá an toàn và ngon hơn", ông Đức ví von. Song, để "làm sạch" thị trường, ông Đức cho rằng đây cũng là một bài toán không dễ.

Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cũng nhấn mạnh quan điểm cho rằng, thị trường luôn cần làm sạch, nhưng làm sạch như thế nào để ổn định thị trường và đạt đúng mục tiêu đề ra thì cần phải nghiên cứu và xem xét kỹ.

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh đến "nhóm Louis": "Nước trong không có cá nhưng..." - Ảnh 2.

Thị trường chứng khoán cần được làm sạch. (Ảnh: P.H)

Vị chuyên gia này chia sẻ thêm, ngành ngân hàng hiện đang chiếm tới 95% tổng tài sản của thị trường tài chính Việt Nam, điều này phản ánh thị trường tài chính đang kém phát triển và nền kinh tế kém phát triển.

Tình trạng này giống với Nhật Bản 40 năm kể về trước khi doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn từ ngân hàng. Trong vòng 20 năm trở lại đây, cấu trúc tín dụng của các quốc gia thay đổi rất nhanh, còn Việt Nam thì vẫn khá chậm.

Vì vậy, phát triển thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu để tạo nguồn cung vốn cho các doanh nghiệp vẫn là mục tiêu cần đưa lên hàng đầu. So với giai đoạn trước, thị trường chứng khoán Việt Nam đã phát triển khá nhanh so với giai đoạn trước, tuy nhiên có những bức xúc trên thị trường mà chúng ta chưa xử lý hết được.

"Hiện thị trường bức xúc khi các nhóm "thổi giá", các nhóm thường được gọi là "tái cấu trúc tài chính doanh nghiệp" đang hoạt động mạnh mẽ mà chúng ta không có động thái giám sát, cảnh báo", ông Nghĩa nói. Điều này cũng bắt nguồn từ sự thiếu minh bạch, lành mạnh – đó cũng là vấn đề yếu kém nhất của thị trường Việt Nam.

Về phía cơ quan quản lý, trao đổi với PV, đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) lại cho rằng, công tác giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán vẫn được đảm bảo và đẩy mạnh trong thời gian qua.

UBCKNN đã triển khai 44 đoàn thanh kiểm tra trong năm 2021 và 4 đoàn trong quý I/2022, trong đó ngoài các đoàn thanh kiểm tra định kỳ, UBCKNN đã đẩy mạnh các đoàn kiểm tra đột xuất khi phát hiện dấu hiệu bất thường về giao dịch, hoạt động, các đoàn kiểm tra chuyên đề về cung cấp dịch vụ của công ty chứng khoán.

Từ vụ ông Trịnh Văn Quyết, Tân Hoàng Minh đến "nhóm Louis": "Nước trong không có cá nhưng..." - Ảnh 3.

Công tác giám sát, thanh, kiểm tra và xử lý vi phạm trên TTCK vẫn được đảm bảo và đẩy mạnh. (Ảnh: IT)

Trong năm 2021, UBCKNN đã ban hành tổng cộng 568 quyết định xử phạt hành chính với tổng số tiền phạt 25,9 tỷ đồng, bao gồm xử phạt 4 cá nhân có hành vi thao túng 3 mã cổ phiếu với tổng số tiền phạt 2,3 tỷ đồng; lần đầu xử phạt 1 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có hành vi che dấu quyền sở hữu thực sự để trốn tránh nghĩa vụ công bố thông tin, vi phạm quy định về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (HDI Global SE); xử phạt 2 doanh nghiệp chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCKNN, đồng thời buộc thu hồi trái phiếu, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư (Vset Group và Apec Group); phạt 1 công ty chứng khoán (VIS) vì vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ trái phiếu doanh nghiệp.

Bước sang năm 2022, tính từ đầu năm đến tuần đầu tháng 4/2022 (ngày 8/4/2022), UBCKNN đã ban hành 77 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền phạt là 8,87 tỷ đồng; trong đó có xử phạt 2 cá nhân có hành vi thao túng với tổng số tiền phạt 1,2 tỷ đồng.

Cùng với đó, UBCKNN đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Công an, Công an TP. Hà Nội trong các vụ việc xác minh, điều tra vi phạm pháp luật.

"Ủy ban Chứng khoán phải độc lập"

Trong các giải pháp hỗ trợ thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, TS Lê Xuân Nghĩa đề xuất, trước hết các cơ quan quản lý cần tập trung vào chức năng giám sát và xử lý vi phạm. Nếu phát hiện với những bất thường trên thị trường thì cần cảnh báo nhà đầu tư và "uốn nắn" doanh nghiệp ngay lập tức để tạo niềm tin cho thị trường.

Ông Nghĩa cũng nhắc lại một kiến nghị đã cũ từ cách đây cả chục năm là phải để Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước là cơ quan độc lập trực thuộc Chính phủ chứ không thể để thuộc Bộ Tài chính như lâu nay. Bởi theo ông Nghĩa, thị trường chứng khoán có tính rủi ro cao không thể để cùng sự quản lý với một bên là ngân sách vốn có rủi ro thấp nhất, an toàn nhất.

Hơn nữa, việc để Ủy ban Chứng khoán là một cơ quan độc lập với chức năng giám sát và xử lý vi phạm sẽ hiệu quả hơn.

Lý giải cho đề xuất này, ông Nghĩa nêu rõ, hiện nay, nếu phát hiện vi phạm, cơ quan này sẽ chuyển sang Bộ Công an để điều tra, xử lý. Tuy nhiên, nhiều đặc thù của ngành chứng khoán mà cần những người trong ngành mới có thể xử lý chính xác, không mở rộng nhưng cũng không giảm nhẹ. Xử lý đúng người đúng tội, tránh gây mất ổn định trên thị trường.

"Trong tương lai, nếu Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước được độc lập, có đủ tài lực, nhân lực, cơ sở vật chất mới có thể tạo được nền tảng thị trường chứng khoán minh bạch. Việc này sẽ diễn ra nhanh chóng hơn nếu có sự thay đổi về tổ chức", ông Nghĩa nhấn mạnh.

Ngoài ra, ông Nghĩa cũng kiến nghị một cơ chế bình ổn thị trường như nhiều quốc gia trên thế giới.

Lấy dẫn chứng từ câu chuyện của Trung Quốc, ông Nghĩa cho biết khi Evergreen khủng hoảng, Chính phủ lập tức tiếp nhận giao địa phương tiếp tục triển khai dự án để đảm bảo lợi ích cho người dân.

Hoặc như tại Mỹ, Nhật, đều có các công ty xây dựng TTCK với nguyên tắc, mua vào để "đỡ" thị trường khi giảm điểm mạnh và bán ra khi thị trường tăng quá nóng. Hiện Mỹ đang có 11 công ty như vậy và Nhật Bản có 4 công ty.

Còn ở Việt Nam, hiện thị trường rơi vào tình trạng khi chứng khoán giảm không có ai mua, khi tăng không ai bán.

Một vấn đề khác cũng được vị chuyên gia này đặt ra đó là, những hoảng loạn của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán vừa qua không phải do những vụ việc xử lý với một số doanh nghiệp, mà do cách chúng ta phản ứng với nó. Bởi nhà đầu tư không phải ai cũng có khả năng nhìn thấu thị trường, không phải ai cũng có khả năng tiếp nhận và xử lý thông tin tốt. Vì vậy, mọi thị trường chứng khoán đều phải tìm cách giảm sự bất cân xứng thông tin.