Trò chuyện với phóng viên Báo NTNN, ông Hoàng Văn Chất, người dân tộc Thái ở bản Củ 2, xã Chiềng Ban, Giám đốc HTX Nông nghiệp Trường Tiến cho biết, vụ cà phê vừa qua, nông dân trong xã rất phấn khởi vì cà phê đạt năng suất cao, trung bình 16-17 tấn/ha, lại bán được giá.
Các nhà máy, tư thương thu mua giá cà phê bình quân từ 17.000-20.000 đồng/kg cà phê tươi. Trong khi niên vụ 2020-2021 giá cà phê tươi khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg. Đây cũng là mức giá cà phê cao nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Chiềng Ban được xem là "thủ phủ" của cây cà phê Sơn La, với diện tích khoảng 1.250ha.
Còn tại xã Chiềng Chung (huyện Mai Sơn), anh Lường Văn Chung, bản Tường Chung cho biết, gia đình anh trồng cà phê đã nhiều năm nay với diện tích gần 1,2ha. Vụ cà phê năm 2021, gia đình anh thu hoạch khoảng 20 tấn, với giá bán từ 12.000 – 14.000 đồng/kg, anh thu về trên 200 triệu đồng.
Năm nay, giá cà phê được doanh nghiệp, nhà máy thu mua cao hơn nên anh Chung rất phấn khởi. "Có những hộ thu được từ 20 đến 30 tấn/ha/năm. Vì vậy trồng cà phê cho thu nhập cao hơn nhiều so với cây ngô, sắn"- anh Chung nói.
Và mặc dù vụ vừa qua thu hoạch trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nơi giãn cách xã hội, nhưng việc tiêu thụ cà phê của bà con không gặp trở ngại gì đáng kể.
Bao nhiêu cà phê thu hái từ trên nương về đều được thương lái thu mua hết. Nhiều hộ gia đình còn hợp đồng với các doanh nghiệp chế biến bao tiêu sản phẩm, nên bà con trồng cà phê bây giờ rất yên tâm, không còn lo đầu ra như trước.
Ước tính toàn tỉnh Sơn La hiện có gần 18.000 ha trồng cà phê, trong đó hơn 15.000 ha đang cho thu hoạch với sản lượng năm 2022 ước đạt 180.000 tấn quả tươi, tăng hơn 5% so với niên vụ trước.
Hiện tỉnh Sơn La đang phát triển cà phê theo hướng tập trung đầu tư thâm canh, ứng dụng công nghệ thông minh đạt chuẩn quốc tế để tạo năng suất, chất lượng, hiệu quả tốt, đáp ứng yêu cầu của các nhà máy chế biến, doanh nghiệp xuất khẩu.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lại Văn Hiền - Giám đốc Kỹ thuật Công ty CP Phúc Sinh Sơn La (huyện Mai Sơn) cho biết, năm 2022, công ty thu mua 11.800 tấn cà phê tươi của bà con với giá cao gấp đôi so với năm trước, có thời điểm đạt 20.000 đồng/kg.
Mặc dù không thu mua trực tiếp từ nông dân mà qua thương lái, tuy nhiên Phúc Sinh luôn đặt ra yêu cầu hạt cà phê phải đạt tỷ lệ quả chín để phục vụ xuất khẩu.
"Phúc Sinh cũng sẵn sàng trả giá cà phê chín với giá cao hơn thị trường. Chính điều này đã tác động đến việc chăm sóc, thu hoạch cà phê của nông dân" - ông Hiền cho biết.
Với đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tại Sơn La, cây cà phê Arabica được trồng tại mảnh đất này cho hương vị rất khác biệt với cà phê trồng ở Tây Nguyên hay các vùng khác. Bà con nơi đây ví cà phê như món quà trời ban, bởi chất lượng thơm ngon hảo hạng, khách hàng nước ngoài rất thích.
"Danh tiếng cà phê Arabica Sơn La hiện ngày càng được nhiều thị trường biết tới, việc xây dựng thương hiệu cà phê Sơn La cũng được quan tâm chú trọng. Khoảng 80% sản lượng cà phê nhân sản xuất tại Sơn La được xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, châu Âu" - ông Hiền thông tin.
Hiện nhà máy chế biến cà phê Phúc Sinh Sơn La có công suất thiết kế khoảng 20.000 tấn quả tươi/năm. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng chục nhà máy, cơ sở khác tham gia vào việc tiêu thụ, chế biến cà phê.
Theo ông Lại Văn Hiền, trước đây tại Sơn La có một số nhà máy, cơ sở chế biến thu mua cà phê của bà con, nhưng vì họ không xuất khẩu trực tiếp nên cà phê thu mua thường lẫn nhiều quả xanh. Bà con cũng ít quan tâm chăm sóc cây cà phê, thậm chí cả năm bỏ bê không phân bón, không cắt tỉa, thấy cà phê chín mới đi hái được bao nhiêu hay bấy nhiêu.
"Từ khi có sự tham gia của Nhà máy Cà phê Phúc Sinh, bà con đã chú ý đầu tư chăm sóc cà phê chuyên nghiệp hơn, tỉ lệ quả chín cao hơn nên giá thu mua của chúng tôi cũng cao hơn, bà con rất phấn khởi" – ông Hiền cho biết.
Niên vụ 2021- 2022, sản lượng cà phê của tỉnh Sơn La đạt khoảng 350.000 - 400.000 tấn quả tươi. Có 99% sản lượng cà phê tươi được sơ chế thành cà phê nhân phục vụ tiêu thụ trong nước hoặc xuất khẩu.