Người Nga uống 60 lít cà phê/năm, Việt Nam đứng top 1 xuất khẩu cà phê vào Nga
Người Nga uống 60 lít cà phê mỗi năm, bất ngờ Việt Nam là nước đứng đầu xuất khẩu cà phê vào Nga
Thiên Hương
Thứ tư, ngày 30/03/2022 05:45 AM (GMT+7)
Từ năm 1991, mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở Nga đã tăng từ 0,2kg lên 2,1kg. Hiện nay, trung bình người Nga uống khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương với 60 lít/người/năm. Việt Nam đang là nước đứng đầu xuất khẩu cà phê vào Nga.
Việt Nam là nước đứng đầu xuất khẩu cà phê vào Nga
Tiêu thụ cà phê ở Nga đã tăng đáng kể trong 30 năm qua.
Theo các nhà phân tích, kể từ năm 1991, mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở Nga đã tăng từ 0,2kg lên 2,1kg. Điều này chủ yếu là do sự gia tăng mức sống ở Nga và sự phát triển của văn hóa tiêu thụ cà phê ở nước này.
Trong 5 năm qua, mức tiêu thụ cà phê tại Nga đã tăng 30%, với khái niệm "cà phê mang đi" là động lực chính cho sự tăng trưởng đó.
Số liệu công bố từ Trung tâm Chuyên môn Công nghiệp Nga cho biết, hiện nay, trung bình người Nga uống khoảng 300 tách cà phê mỗi năm, tương đương với 60 lít/người/năm.
Đối với cà phê hòa tan, sản lượng tiêu thụ ở Nga vào năm 2021 lên tới 93.000 tấn. Năm 2021, mức tiêu thụ cà phê hòa tan và một số hình thức chế biến khác (chiết xuất, cô đặc và tinh chất) bình quân đầu người của cả nước là 0,7 kg/người.
Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nga, nhập khẩu cà phê (HS 0901) của nước này trong năm 2021 đạt 243.639 tấn, trị giá 787,58 triệu USD, tăng 5,5% về lượng và tăng 20,7% về trị giá so với năm 2020.
Tháng 01/2022, nhập khẩu cà phê của Nga đạt 20,8 nghìn tấn, trị giá 76,8 triệu USD. Con số này tăng 3,7% về lượng và tăng 34,9% về trị giá so với tháng 01/2021.
Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Nga đạt 15,4 nghìn tấn, trị giá 37,1 triệu USD, tăng 20,6% về lượng và tăng 53,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nga tăng từ 18,69% trong tháng 01/2021 lên 33,32% trong tháng 01/2022. Tiếp đó, Nga mua cà phê của các nước Brazil, Indonesia, Ý, Peru...
Theo phân tích của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù Nga là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 7 của nước ta, nhưng chỉ chiếm 4,2% tổng lượng và 4,5% tổng trị giá xuất khẩu cà phê của cả nước. Do đó, căng thẳng thương mại giữa Nga và Ukraine không tác động lớn đến xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Những ngày gần đây, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng như giá cà phê nguyên liệu trong nước đều có xu hướng tăng. Ngày 19/3, tại cảng khu vực thành phố Hồ Chí Minh, giá cà phê Robusta xuất khẩu loại 2, tỷ lệ đen vỡ 5% giao dịch ở mức giá 2.222 USD/tấn, chênh lệch +55 USD/tấn, tăng 132 USD/tấn so với ngày 8/3/2022.
Tuy nhiên, cũng theo Bộ Công Thương, tác động về hoạt động vận chuyển là khá lớn, trong bối cảnh cước phí vận chuyển hiện vẫn ở mức cao. Căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa toàn cầu.
Đối với ngành vận tải biển toàn cầu, Nga và Ukraine cung cấp 275.000 trong tổng 1,9 triệu thuyền viên làm việc trên các tàu thương mại trên khắp thế giới, lớn hơn cả Philippines - nước cung cấp lao động trong ngành hàng hải lớn nhất thế giới. Riêng Ukraine chiếm 5,4% số chỉ huy thuỷ thủ đoàn trên hơn 74.000 tàu thương mại quốc tế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.