Nhìn nhận về việc thị trường chứng khoán (TTCK) đang trong giai đoạn biến động mạnh và điều chỉnh giảm sâu kể từ cuối tháng 3 đến nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tiếp nối năm 2021, quý đầu năm 2022, TTCK cơ bản vẫn giữ được nhịp tăng tốt và ổn định.
Sau khi lập đỉnh mới, tính đến cuối quý I/2022, chỉ số VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,4% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Thị trường mới chịu áp lực điều chỉnh giảm và biến động mạnh kể từ cuối tháng 3 đến nay. Chỉ số VN-Index đóng cửa ngày 25/4 tại 1.310,92 điểm, như vậy đã điều chỉnh giảm khoảng hơn 200 điểm so với cuối tháng 3.
Đây là đợt điều chỉnh tương đối mạnh của TTCK Việt Nam dưới sự tác động tổng hòa của nhiều nguyên nhân khác nhau cả trong nước và thế giới, cả khách quan lẫn chủ quan.
Theo đó, trên thế giới, áp lực lạm phát tăng khiến các ngân hàng trung ương lớn đều có động thái thắt chặt chính sách và điển hình nhất là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất điều hành sau 3 năm.
Cùng với đó, tình hình xung đột Nga – Ukraine càng làm gia tăng rủi ro cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu, nhất là khi giá năng lượng, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh,… Điều đó đã tác động tới nhiều TTCK trên thế giới, khiến nhiều thị trường giảm điểm mạnh.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, TTCK Việt Nam cũng không ngoại lệ khi áp lực bán tăng dần vào cuối quý I và điều chỉnh giảm mạnh kể từ cuối tháng 3 sau quá trình dài liên tục tăng.
Ngoài các tác động từ vĩ mô ngoài nước, TTCK còn một phần chịu tác động tâm lý khi các cơ quan chức năng và cơ quan quản lý xử lý nghiêm các vụ việc trên TTCK và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Do vậy, TTCK Việt Nam điều chỉnh giảm điểm mạnh cũng một phần tương đồng với nhịp giảm chung của thế giới, chẳng hạn như trong phiên giảm mạnh (hơn 68 điểm) ngày 25/4 thì các thị trường lớn trên thế giới cũng giảm điểm rất sâu.
Bên cạnh đó, áp lực điều chỉnh sau quá trình tăng dài và tâm lý thận trọng trên thị trường trước các vụ việc đơn lẻ đã khiến thị trường biến động mạnh theo chiều hướng giảm.
"Chúng ta tôn trọng quy luật và tính thị trường của TTCK, đã là thị trường thì có lúc tăng, lúc giảm bởi phải tuân theo cung cầu của người mua, người bán. Mục tiêu của chúng ta là xây dựng TTCK thành một sân chơi minh bạch, công bằng, bình đẳng cho mọi người chơi trên tinh thần thượng tôn pháp luật", Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Liên quan đến hành động quyết liệt nhằm thanh lọc và xử lý nghiêm các sai phạm trên thị trường cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết mục tiêu của cơ quan quản lý là xây dựng, phát triển thị trường chứng khoán an toàn, minh bạch và bền vững, nên thanh lọc thị trường sẽ góp phần đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp, nhà đầu tư chân chính, tăng tính hấp dẫn cho TTCK trong việc thu hút thêm các dòng vốn đầu tư cả trong và ngoài nước, góp phần hỗ trợ quá trình nâng hạng từ cận biên lên mới nổi.
"Việc kiên quyết xử lý các sai phạm có thể tác động tới tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn, khiến thị trường tăng trưởng chậm lại, nhưng là nỗ lực để thị trường tăng trưởng minh bạch, bền vững hơn. Trong mọi quá trình phát triển, luôn cần những thay đổi, những bước chuyển để hoàn thiện hơn và với TTCK cũng vậy, chúng tôi nghĩ rằng, sau những chặng đường phát triển cũng cần những hành động để "gạn đục, khơi trong"", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo tư lệnh Tài chính, TTCK Việt Nam vẫn còn nguyên đó các yếu tố hỗ trợ tích cực mang tính nền tảng từ kinh tế vĩ mô và nội tại thị trường. Vì vậy, chúng ta hoàn toàn tin tưởng vào tương lai, TTCK Việt Nam sẽ phát triển ngày càng hoàn thiện hơn, chất lượng hơn, khẳng định vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chủ yếu quan trọng của nền kinh tế, doanh nghiệp; đồng thời là kênh đầu tư hấp dẫn, an toàn, hiệu quả của nhà đầu tư.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, so với lịch sử của các nhiều TTCK phát triển trên thế giới, TTCK Việt Nam vẫn là còn non trẻ. Tuy nhiên, chứng khoán Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh, mạnh và còn nhiều dư địa để phát triển, với mục tiêu trở thành kênh thu hút vốn trung và dài hạn chủ yếu, quan trọng cho nền tài chính quốc gia và nền kinh tế của đất nước.
Tuy nhiên, để hiện thực được mục tiêu đó, theo Bộ trưởng bên cạnh nhiều giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển ổn định, bền vững của thị trường, Bộ Tài chính sẽ có các giải pháp để ngăn ngừa, tức là "tiền phòng, hậu kiểm", để bảo vệ cho lợi ích của nhà đầu tư, cũng như các công ty hoạt động trên thị trường một cách bình đẳng, minh bạch và đúng đắn nhất.
Theo đó, về khung khổ pháp lý, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý nhằm tăng cường, siết chặt các điều kiện để thị trường phát triển lành mạnh, giống như việc "xây dựng những con đường nhưng có thêm các quy định để hạn chế xảy ra tai nạn".
Bộ Tài chính đã có đề xuất trình Chính phủ sẽ sửa đổi Luật Chứng khoán; đồng thời cũng kiến nghị sửa đổi Luật Doanh nghiệp và các quy định khác liên quan để tạo điều kiện phát triển tốt hơn, sát thực tiễn và nhu cầu của TTCK.
Đồng thời, sớm hoàn thiện xây dựng chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 để định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển TTCK về dài hạn. Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hiện chúng tôi đã hoàn thành việc chỉnh sửa các quy định tại Nghị định 153/2020/NĐ-CP và đang trình Chính phủ xem xét, ban hành.
Về công tác điều hành, quản lý, Bộ Tài chính cũng đã chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Vụ Tài chính Ngân hàng, Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán và các đơn vị chức năng khác triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng vừa hỗ trợ tạo điều kiện cho thị trường phát triển ổn định, vừa tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các sai phạm để tăng kỷ cương, kỷ luật thị trường.
Riêng với hoạt động của TTCK, Bộ cũng đã chỉ đạo tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý; tiếp tục phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đầu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững.
Cùng với đó, triển khai các giải pháp để đảm bảo hệ thống giao dịch được thông suốt, hạn chế thấp nhất tình trạng nghẽn lệnh giao dịch; hoàn thành dự án hiện đại hóa công nghệ thông tin; nghiên cứu khuôn khổ pháp lý cho phát triển các dịch vụ mới, sản phẩm trên TTCK Việt Nam.
Về thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bên cạnh việc hoàn thiện pháp lý, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, kiểm tra, chấn chỉnh các sai phạm. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ kiểm tra và chấn chỉnh các tổ chức kinh doanh chứng khoán, đặc biệt là trong vấn đề sai phạm, lách quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
"Chúng tôi cũng chỉ đạo Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tiến hành áp dụng cả biện pháp trực tiếp và gián tiếp. Theo đó, sẽ trực tiếp kiểm tra báo cáo tài chính đã kiểm toán tại các đơn vị phát hành, đồng thời cũng kiểm tra lại những công ty kiểm toán mà đã kiểm toán các doanh nghiệp đó. Nếu phát hiện sai phạm xử lý nghiêm các đơn vị kiểm toán độc lập thiếu trách nhiệm để xảy ra sai sót", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin.
Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo các đơn vị tăng cường hơn nữa công tác đào tạo để trang bị kiến thức tài chính cho nhà đầu tư; tăng cường công tác tuyên truyền để nhà đầu tư và doanh nghiệp nắm được các quy định pháp luật, các cơ hội, rủi ro để đầu tư hiệu quả trên cả TTCK và trái phiếu doanh nghiệp.