Từ phát ngôn của bộ trưởng Hồ Đức Phước, cần làm rõ nguồn tiền đấu giá đất Thủ Thiêm
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc "đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", chuyên gia nói gì?
Huyền Anh
Thứ tư, ngày 05/01/2022 14:40 PM (GMT+7)
Trong khi Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng, “đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", các chuyên gia kinh tế cũng có những quan điểm trái chiều về vấn đề này, đặc biệt là cần làm rõ nguồn tiền và ngân hàng nào cung cấp?
Tại phiên thảo luận tại tổ chiều 4/1 về gói chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết: Trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn đạt trên 155.000 tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với trước đây.
Tuy nhiên, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn tồn tại những lỗ hổng, hiện nay Bộ Tài chính đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ sửa lại Nghị định 153/2020/NĐ-CP Quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.
Theo đó, lỗ hổng được Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhắc đến đó là việc doanh nghiệp không đủ điều kiện nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp không có tài sản đảm bảo, chiếm dụng vốn của các nhà đầu tư khác và có thể làm nhiễu loạn thị trường.
"Chúng tôi phải siết lại để làm lành mạnh trên thị trường chứng khoán. Vì có những trường hợp vốn vay gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp để lấy tiền về để buôn bán bất động sản,… Chẳng hạn đấu giá đất Thủ Thiêm là một điển hình đối với việc làm nhiễu loạn thị trường", ông Phớc đề cập
Trước câu hỏi của PV về dấu hiệu nhiễu loạn thị trường của vụ đấu giá đất Thủ Thiêm bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói thêm: Thị trường hiện nay đang giao dịch với mức giá như thế này, trong khi giá của "anh" đưa ra tăng gấp 3, 4 thậm chí nhiều lần rõ ràng là vấn đề bất thường. Còn bất thường như thế nào phải chờ thanh tra kiểm tra mới rõ.
"Cần điều tra nguồn tiền, ngân hàng nào cung cấp cho cuộc đấu giá đất Thủ Thiêm"
Đồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết, không chỉ ở Việt Nam mà ngay cả trên thế giới chưa có cuộc đấu giá đất nào như trường hợp đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2.
"Chỉ cần điều tra nguồn tiền, số tiền này lên tới tỷ USD chứ không phải 1.000 tỷ đồng tiền Việt, ngân hàng nào cung cấp", ông Nghĩa nói.
Về động thái "nâng" giá cao trong phiên đấu giá đất Thủ Thiêm, theo TS Nghĩa "những người đó" có thể một lúc đạt được ba mục đích.
Mục đích thứ nhất, đó là hy sinh một nửa hecta để làm tăng giá hàng nghìn hecta đất mà họ đã có trong tay. Hay nói cách khác, thay vì mua 1 hecta giá nửa tỷ USD thì bây giờ mua với giá 1 tỷ USD, hy sinh thêm một nửa tỷ USD này để đạt được hàng chục tỷ USD khác.
Nhưng quan trọng nhất, họ là những người có thể dòng tiền kinh doanh âm trong thời gian qua, cho nên tín dụng vay ngân hàng có thể trở thành nợ xấu. Cộng cả gốc, lãi và lãi phạt có thể vượt quá xa giá trị của tài sản đảm bảo, ví dụ vay 2 tỷ, thế chấp 3 tỷ nhưng nợ xấu cả gốc và lãi đã lên tới 4 tỷ. Thông qua giá đất từ cuộc đấu giá, tài sản đảm bảo được đánh giá từ 3 tỷ lên 6 tỷ chẳng hạn. Điều này vô cùng nguy hiểm với hệ thống ngân hàng.
Mục đích thứ ba đó là, tất cả các doanh nghiệp vừa nhảy vào thị trường bất động sản có thể gặp phải khó khăn rất lớn đó là giá đền bù giải phóng mặt bằng tăng lên 'khủng khiếp'.
"Cơ chế đền bù giải phóng đã phức tạp, nếu giá đền bù tăng cao sẽ khiến cho việc gia nhập thị trường của những người yếu thế, các tập đoàn nhỏ vô cùng khó khăn", TS. Lê Xuân Nghĩa cho hay.
Góc nhìn thị trường từ vụ đấu giá đất Thủ Thiêm
Không bình luận về việc "Có ý kiến cho rằng đấu giá đất Thủ Thiêm là điển hình làm nhiễu loạn thị trường", chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho biết, ông có quan điểm và cách nhìn khác với nhiều người trong vụ đấu giá đất Thủ Thiêm 2,4 tỷ đồng/m2 đang xôn xao dư luận.
Thừa nhận với PV Dân Việt, giá trúng đấu giá lần này có thể cao bất ngờ song theo ông Ánh, điều này phản ánh chân thực sự vận động của cơ chế thị trường, của cuộc đua giữa những người tham gia đấu giá và thỏa mãn nhu cầu của họ khi đấu giá và trúng đấu giá.
"Cái mất (mong có) ở đây chính là mất đi nhưng phi vụ đi đêm, thông đồng móc ngoặc để biến tài sản Nhà nước thành của riêng với giá rẻ", ông Ánh nói.
Ông Ánh nhấn mạnh, cuộc đấu giá diễn ra công khai với hàng chục lần nâng giá đấu quyết liệt cho thấy hơi thở của thị trường đang thổi vào một lĩnh vực nhiều năm nay vẫn còn tranh tối tranh sáng giữa cơ chế xin - cho với cơ chế thị trường đích thực.
"Cái được lớn nhất từ mức trúng đấu giá ngất ngưởng này chính là phản ánh mức độ hấp dẫn của bất động sản Thủ Thiêm, của TP.HCM và cả nước, ít nhất là ở góc nhìn của nhiều nhà đầu tư bất động sản trong và ngoài nước. Trong sự vận động của thị trường bất động sản đầy sức hấp dẫn đó có cả nụ cười xen lẫn nước mắt và không ai chắc chắn rằng người trúng đấu giá vừa thiết lập kỷ lục tại Thủ Thiêm sẽ khóc hay cười", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.