Theo đánh giá của các doanh nghiệp, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng lợi thế về vị trí địa lý, thổ nhưỡng phù hợp với các sản phẩm sầu riêng.
Không những thế, khí hậu cũng là yếu tố giúp Đắk Lắk có mùa vụ thu hoạch hoàn toàn khác với các tỉnh thành khác, đặc biệt là các nước xuất khẩu sầu riêng có vị thế cạnh tranh cao như Malaysia, Thái Lan.
Chính vì vậy, trong một Diễn đàn do Bộ NNPTNT tổ chức, bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trái cây Chánh Thu cho biết, trong 1 năm trở lại đây, ngoài thị trường Trung Quốc, Công ty Chánh Thu mang quả sầu riêng của Việt Nam sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Úc…
"Điều đáng mừng là tại các thị trường này, sầu riêng Ri6 của Việt Nam được đánh giá rất cao, đặc biệt, tại Úc, sầu riêng Ri6 của Việt Nam còn được ưa chuộng hơn cả sầu riêng Musang King của Malaysia" - bà Vy khẳng định.
Để phát huy được hết tiềm năng và lợi thế sẵn có của Đắk Lắk, Công ty Chánh Thu đã mạnh dạn đầu tư dự án nhà máy chế biến trái cây tại Đắk Lắk với quy mô khoảng 10 ha, giai đoạn 1 tập trung vào chế biến đông lạnh, sản xuất phân bón hữu cơ; giai đoạn 2 tập trung vào các sản phẩm chế biến sâu các loại bánh, kem...
"Thời gian tới, tôi mong muốn tỉnh quan tâm triển khai xây dựng Đề án phát triển thương hiệu quốc gia cho sầu riêng Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng. Riêng đối với các dự án do Công ty Chánh Thu đã và đang triển khai, tôi mong muốn tỉnh hỗ trợ tạo quỹ đất để doanh nghiệp hoàn thiện được chuỗi cung ứng bao gồm 50 – 100 ha diện tích đất phục vụ mô hình vùng trồng mẫu sầu riêng công nghệ cao”, bà Thu kiến nghị.
Đắk Lắk hiện sở hữu vùng trồng cây công nghiệp rộng lớn, với các loại cây có giá trị kinh tế cao như: trên 210.000 ha cà phê; 34.000 ha cao su; 32.000 ha hồ tiêu. Đắk Lắk còn được đánh giá là một trong những tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển chăn nuôi, với trên 14 triệu con gia súc, gia cầm.
Riêng chăn nuôi lợn, Đắk Lắk đứng thứ 7 cả nước về quy mô đàn; chăn nuôi gà đứng thứ 10 cả nước về số lượng.
Tuy nhiên, những năm qua, những lợi thế so sánh này chưa được khai thác tốt ở các lĩnh vực để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp cũng như nâng cao sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường trong nước và quốc tế.
Đây là những hạn chế của ngành nông nghiệp nhưng cũng chính là dư địa thu hút các nhà đầu tư lớn đến với Đắk Lắk để xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) chia sẻ, với những lợi thế so sánh nổi bật trong phát triển nông nghiệp của Đắk Lắk, Doveco nói riêng và các doanh nghiệp trong Hiệp hội Rau quả Việt Nam nói chung rất mong muốn đầu tư phát triển mạnh tại Đắk Lắk vùng chế biến rau quả trọng điểm theo định hướng “Nông nghiệp sinh thái - Nông thôn hiện đại - Nông dân thông minh”.
Trước mắt, Doveco có nhu cầu diện tích trồng trọt khoảng 10.000 ha, triển khai dưới hình thức ký hợp đồng liên kết phát triển nguyên liệu với các HTX, thương lái, bà con nông dân, các doanh nghiệp đang đứng chân trên địa bàn tỉnh, và cam kết tiêu thụ 100% sản phẩm cho các bên tham gia.
Phương châm xuyên suốt trong quá trình phát triển của Doveco là tạo ra chuỗi giá trị, trong đó mắt xích quan trọng là xây dựng được mối liên kết chặt chẽ, sâu rộng, bền vững với bà con nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu hiện đại, chất lượng cao, và đặc biệt là không ngừng nâng cao đời sống của người lao động.
Để khai thác hiệu quả cao nhất các tiềm năng, dư địa ở các lĩnh vực nông nghiệp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến mong muốn Đắk Lắk và các nhà đầu tư vào nông nghiệp cần hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong khu vực thực hiện tốt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Các doanh nghiệp sẽ đẩy mạnh đầu tư, khai phá nông nghiệp Tây Nguyên bằng những chuỗi liên kết khép kín, từ quy hoạch vùng nguyên liệu, cung cấp cây con giống, vật tư, đẩy mạnh chế biến và xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.