Nỗ lực đàm phán, chanh leo, sầu riêng của Việt Nam sắp được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc?

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 12/03/2022 18:41 PM (GMT+7)
Để khai thác tốt thị trường Trung Quốc, Bộ NNPTNT cho biết, sẽ phối hợp với các bộ, ngành đàm phán mở rộng danh mục hàng hóa nông sản, danh sách doanh nghiệp được xuất khẩu (XK) chính ngạch sang thị trường này.
Bình luận 0

Trung Quốc giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch

Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy, 2 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản Việt Nam và Trung Quốc đạt hơn 1,83 tỷ USD, giảm 1,7% so với cùng kỳ năm 2021. 

Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện nay xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc đang đối diện không ít thách thức.

Xuất nhập khẩu tiểu ngạch là một trong những hình thức trao đổi, buôn bán hàng hóa giữa người dân sinh sống ở gần biên giới giữa hai nước có đường biên giới liền kề nhau tại các vùng cửa khẩu ở một số tỉnh giáp biên với các nước láng giềng, điển hình như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai…

"Xuất nhập khẩu tiểu ngạch chính là một trong những hình thức mua, bán hàng hóa, kinh doanh được nhiều thương lái lựa chọn hiện nay vì thủ tục đơn giản, dễ dàng, chi phí vận chuyển thấp, chỉ cần một tờ khai tiểu ngạch, chịu phí biên mậu là có thể xuất được hàng, không cần hóa đơn, chứng từ thanh toán, hợp đồng ngoại thương như qua đường chính ngạch....đặc biệt tận dụng chính sách thương mại biên mậu ưu đãi miễn thuế 8.000 tệ/người/ngày cho cư dân biên giới" - ông Toản cho biết. 

Điều đáng nói là, nhiều doanh nghiệp, cá nhân cũng lợi dụng xuất nhập khẩu tiểu ngạch, biến tướng hành vi để trốn thuế. Xuất nhập khẩu tiểu ngạch thường không có tính ổn định, giá trị mỗi giao dịch nhỏ. 

Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch là một hình thức buôn bán mang tính quốc tế cao, được nhiều thương lái, doanh nghiệp lựa chọn để giao dịch và thông thương với các nước có đường biên giới sát Việt Nam như: Trung Quốc, Lào, Campuchia… 

Buôn bán chính ngạch là việc các công ty, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của nước ta ký những những hợp đồng kinh tế với các đối tác nước ngoài theo Hiệp định đã được ký kết (hoặc cam kết) giữa các quốc gia với nhau, hoặc giữa quốc gia với các khu vực, tổ chức, hiệp hội kinh tế trên thế giới theo thông lệ quốc tế.

Xuất nhập khẩu chính ngạch có hợp đồng mua bán đầy đủ, ràng buộc giữa người mua và người bán theo quy định và thông lệ quốc tế. Vì vậy, hình thức này thường được sử dụng phổ biến trong mua bán quốc tế với hợp đồng mua bán lớn.

Tìm hướng xuất khẩu nông sản bền vững sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc tại Cửa khẩu quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai). Ảnh: Báo Lào Cai.

Kiên trì chuyển từ xuất khẩu tiểu ngạch

sang chính ngạch

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, việc chuyển từ XK tiểu ngạch sang XK chính ngạch sang Trung Quốc là cuộc cách mạng cần có sự kiên trì, sẵn lòng và sẵn sàng của cả hệ thống sản xuất, thương mại.

img

"Bộ NNPTNT sẽ phối hợp với các bộ, ngành đàm phán mở rộng danh mục hàng hóa nông sản, danh sách doanh nghiệp được XK chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; xây dựng "Đề án xuất khẩu nông, lâm, thủy sản bền vững sang thị trường Trung Quốc" trong bối cảnh hiện nay"- Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ.

P.V

Tuy nhiên, theo ông Toản, hiện nay, Trung Quốc giám sát chặt chẽ các mặt hàng không được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Trung Quốc kiểm soát chặt cửa khẩu, lối mở, đã triển khai rào dây thép gai cao 2,5m và gắn camera theo dõi tại nhiều nơi.

"Việc nhập khẩu các mặt hàng ngoài danh mục được xuất khẩu chính ngạch bị coi là buôn lậu và áp dụng các chế tài tịch thu hàng, bắt giữ người, phạt tiền và có thể truy cứu trách nhiệm" - ông Toản thông tin.

Bên cạnh đó, theo ông Toản, Trung Quốc tiếp tục quản lý chặt về truy xuất nguồn gốc, tăng cường và siết chặt quản lý xuất nhập khẩu biên mậu đối với các mặt hàng nông sản, hoa quả của Việt Nam. 

Đặc biệt, một số loại nông sản của Việt Nam như: Bưởi, dừa, chanh leo, roi, sầu riêng, sắn lát, thạch đen… khó xuất khẩu được theo hình thức biên mậu tại các cửa khẩu phụ mà trước đây Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu.

Tăng cường đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Tại cuộc họp của Bộ NNPTNT tìm giải pháp xuất khẩu bền vững nông sản sang thị trường Trung Quốc tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quốc Toản cho biết, nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc đối với hoa quả xuất khẩu vào Trung Quốc, thời gian qua, Bộ NNPTNT đã đẩy mạnh chỉ đạo các địa phương và tăng cường khai kiểm tra việc cấp mã số vùng trồng đảm bảo an toàn, truy xuất nguồn gốc. 

Đến nay, cả nước đã cấp 3.646 mã số vùng trồng trên diện tích 197.000ha tại 50/63 tỉnh, thành phố và 1.798 mã số cơ sở đóng gói cho các loại quả tươi xuất khẩu.

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, đã cấp mã số cho gần 2.000 vùng trồng (chiếm tỷ lệ 59,3%). Một số loại sản phẩm như thanh long, số lượng vùng trồng là 247 mã số chiếm 85,61% tổng diện tích gieo trồng, tương tự xoài là 272 mã số chiếm 36,11% tổng diện tích, mít là 174 mã số chiếm 36,45% tổng diện tích, vải là 225 mã số chiếm 36,81% tổng diện tích,... 

Về tiến độ đàm phán về quản lý chất lượng để tăng số lượng trái cây được chính thức xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, hiện nay 9 loại trái cây xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc đang không bị giới hạn hạn ngạch xuất khẩu. 

"Vừa qua, Bộ NNPTNT đã tổ chức họp, trao đổi trực tuyến với Tổng cục Hải quan Trung Quốc hoàn thiện các thủ tục mở cửa thị trường đối với chanh leo và sầu riêng (2 bên đang thống nhất dự thảo nghị định thư để ký kết); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên như bưởi, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa…" - ông Toản thông tin.

Hiện, Bộ NNPTNT đang xây dựng Đề án xuất khẩu nông lâm thủy sản bền vững sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh hiện nay; đồng thời triển khai liên kết mạnh mẽ giữa Hiệp hội, doanh nghiệp, người nông dân để quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi đảm bảo truy xuất nguồn gốc, cấp mã số và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc, thực hiện các hợp đồng tiêu thụ, xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp và người nông dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem