Cứ đến tháng 2 hàng năm, lao động khắp nơi lại tất bật với nghề hái tiêu thuê. Những trụ hồ tiêu phủ kín, cao chót vót trở thành nơi mưu sinh của nhiều người. Tuy nhiên, mùa thu hoạch hồ tiêu trở thành mùa vất vả, hiểm nguy nhất trong năm bởi đây là thời điểm gia tăng tai nạn thương tích.
Không may mắn, ông Mai Văn Tiến ở thôn Nghĩa Tín, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) nhập viện điều trị được hơn 1 tuần nay. Ngày 8/2 vừa qua, trong lúc di dời trụ tiêu, ông Tiến gặp tai nạn gãy đốt sống lưng. Rất may, vụ tai nạn được phát hiện kịp thời, không ảnh hưởng đến tính mạng nhưng ông Tiến phải phẫu thuật, nằm điều trị dài ngày tại Khoa Chấn thương-Bỏng.
Nằm bất động trên giường bệnh, ông Tiến vẫn chưa hết bàng hoàng: “Nhiều năm làm hồ tiêu, đây là lần đầu tiên tôi gặp phải tai nạn. Sau khi được phẫu thuật hiện cơ thể tôi vẫn đau nhức, chưa thể cử động được. Qua sự việc này, tôi cũng nhắc mọi người trong gia đình cẩn thận, kỹ lưỡng hơn để tránh nguy cơ gặp tai nạn trong lúc hái tiêu", ông Tiến nói.
Anh Y Dem ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đều đặn chục năm nay, cứ ăn Tết xong lại đến huyện Krông Nô làm thuê cho các gia đình trồng hồ tiêu. Một ngày làm việc khoảng 8 tiếng, trong suốt thời gian đó anh liên tục ngồi vắt vẻo trên những cành cây hoặc đứng trên những chiếc thang cao chót vót để hái tiêu.
“Công việc phải thường xuyên leo trèo, phơi mình giữa trời nắng nóng nhưng không tốn nhiều sức như thu hoạch cà phê. Nếu so với mấy năm trước, trèo trụ tiêu chưa ăn thua gì vì hồi đó tôi còn theo người ta đi trèo dừa thuê, có cây cao đến 20m”, Y Dem chia sẻ.
Thu hoạch hồ tiêu nhiều năm đã giúp anh Dem tích lũy được những kinh nghiệm xương máu khi nguy hiểm luôn tiềm ẩn trong những trụ tiêu xanh tốt. Nhiều hộ gia đình trồng tiêu trên trụ cây sống, dây tiêu phủ trụ cao, phải bắc thang gần chục mét mới có thể hái tới, chưa kể nhiều nơi trồng tiêu trên địa hình đồi dốc, nếu không khéo léo thì cả người và thang đều có thể bị ngã.
Theo nghề hái khoán hồ tiêu nhiều năm nay, chị Hoàng Thị Hiền ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) hết sức cảnh giác, đề phòng tai nạn thương tích trong lúc thu hoạch hồ tiêu. Chứng kiến và nghe kể nhiều trường hợp không may gặp tai nạn, chị Hiền luôn nhắc nhở mình và những người cùng làm mỗi khi bắt đầu công việc, đặc biệt là trong lúc trèo thang thu hái tiêu.
“Đây là công việc thời vụ nhưng giúp chúng tôi có thu nhập cao khoảng 300.000 đồng/ ngày. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, tai nạn bởi phần lớn người làm công không có đồ bảo hộ. Chính vì thế, trước khi leo thang, tôi phải kiểm tra kỹ xem thang có bị hư hỏng không, xem trụ tiêu có vững không mới bắt đầu làm việc”, chị Hiền chia sẻ kinh nghiệm.
Theo thống kê của Khoa Chấn thương- Bỏng, từ đầu năm tới nay, khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân gặp tai nạn thương tích trong đó có những ca chấn thương trong lúc thu hoạch hồ tiêu.
Phần lớn bệnh nhân nhập viện do bị gãy tay, gãy chân nhưng có những trường hợp nặng bị chấn thương sọ não, tổn thương cột sống phải chuyển tuyến để được phẫu thuật, điều trị.
Bác sĩ Đoàn Minh Dũng, Khoa Chấn thương- Bỏng cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh nhân gặp chấn thương trong mùa thu hoạch hồ tiêu. Dẫu vậy, phần lớn người dân lại chưa biết cách sơ cấp cứu bệnh nhân trước khi đưa vào viện, từ đó dẫn tới trường hợp tình trạng bệnh nặng hơn.
“Khi phát hiện người chấn thương do leo trèo, chúng ta cần để bệnh nhân nằm nguyên vị trí, không nên bế vác dậy ngay mà cần nhanh chóng gọi xe cứu thương để đưa đến cơ sở y tế gần nhất. Người đưa đi cấp cứu có thể dùng những vật dụng sẵn để cố định bệnh nhân trên một mặt phẳng; khi di chuyển, cần hạn chế việc sử dụng xe gắn máy để tránh gây thêm tổn thương cho người bệnh”, bác sĩ Đoàn Minh Dũng đưa ra lời khuyên.