Vườn mẫu ở Đắk Nông trồng cam cara ruột đỏ, ai vô xem cũng trầm trồ thán phục
Vườn ở Đắk Nông trồng giống cam lạ, có gì đặc biệt mà được "liệt" vào dạng vườn mẫu, lãi 600 triệu/năm?
Thứ bảy, ngày 12/03/2022 19:04 PM (GMT+7)
Gia đình bà Phạm Thị Xinh, ở thôn Nam Xuân, xã Nam Đà (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã xây dựng mô hình vườn rẫy mẫu, cho thu nhập cao. Mô hình sản xuất của bà Xinh lâu nay đã trở thành điểm học tập kinh nghiệm của nhiều người dân trong vùng.
Năm 1989 gia đình bà Xinh từ tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) vào thôn Nam Xuân, xã Nam Đà lập nghiệp. Gia đình bà làm nông nghiệp bằng cách học hỏi kinh nghiệm của người dân trong vùng.
Thời điểm đầu, thấy người dân địa phương trồng cây gì thì bà Xinh trồng theo. Thế nhưng, hiệu quả sản xuất không cao. Không ít cây trồng nhiễm bệnh chết hàng loạt, nguồn thu sản xuất không đủ chi phí đầu tư.
Kinh tế gia đình bà cũng vì thế luôn trong tình cảnh khó khăn, thiếu thốn. Bà Xinh kể: "Tôi đã từng trồng lúa, đậu, bắp, rồi trồng hồ tiêu, trồng cà phê. Thế nhưng, tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, cà phê thì thu không bằng chi phí đầu tư".
Nếm đủ thất bại, cũng là lúc bà Xinh tìm kiếm cho gia đình mình hướng phát triển nông nghiệp tiến bộ. Đầu tiên, bà Xinh lấy mẫu đất đến các cơ quan chức năng để xét nghiệm, đánh giá cây trồng phù hợp.
Sau đó, cơ quan chức năng kết luận đất của bà phù hợp để trồng cây ăn quả. Từ đó, bà Xinh đã đưa những giống cây ăn quả chất lượng cao vào sản xuất. Cùng với đó, gia đình bà còn áp dụng quy trình chăm sóc cây trồng theo hướng bền vững.
Cụ thể, trên 2,5 ha đất, bà chuyển qua trồng sầu riêng, trồng xen 1.500 cây cam cara ruột đỏ, 200 cây vải thiều. Tất cả cây giống đều được gia đình bà mua trực tiếp từ các viện cây giống uy tín.
Ngoài giống bảo đảm chất lượng, bà Xinh còn thay đổi quy trình sản xuất. Bà sử dụng phân chuồng từ các trại gà, bò đã xử lý men vi sinh thay thế phân hóa học. Bà cũng sử dụng các loại thuốc sinh học để thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học.
Cỏ trong vườn, bà chỉ cắt định kỳ để giữ độ ẩm cho đất. Toàn bộ diện tích cây trồng đều được bà lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt. Nhờ đó, các loại cây trồng đều phát triển tốt, cho thu nhập cao.
Theo bà Xinh, vườn cam cara 1.500 cây đến nay cho thu hoạch bình quân 50 kg quả/cây/năm; 200 cây vải cho thu hoạch 7 tấn quả/năm; 100 cây sầu riêng cho thu hoạch khoảng 6 tấn quả/năm. Tổng cộng, mỗi năm, gia đình bà có thu nhập khoảng 600 triệu đồng trừ chi phí.
Ông Nguyễn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Đà cho biết, vườn cây ăn quả của gia đình bà Xinh là điểm sáng về sản xuất của xã. Đây là mô hình sản xuất hiệu quả theo hướng nông nghiệp bền vững.
Gia đình bà Xinh đã đưa nhiều giống cây trồng chất lượng vào sản xuất và áp dụng quy trình chăm sóc theo hướng hữu cơ. Thời gian qua, mô hình của bà Xinh đã trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp của nhiều hộ dân tại địa phương.
"Hiện nay, mô hình đang được UBND xã Nam Đà chọn làm vườn rẫy kiểu mẫu trong Chương trình xây dựng nông thôn mới", ông Tưởng cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.