Ông Đỗ Thanh Dũng ở xã Bình Hòa (huyện Vĩnh Cữu) gắn bó với nghề chăn nuôi heo từ nhiều năm nay, chủ yếu là heo trắng.
Trước khi dịch tả heo châu Phi bùng phát, trang trại của ông thường duy trì tổng đàn hơn 1.000 con heo thương phẩm.
Những năm gần đây, dịch bệnh hoành hành, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
Ông Dũng kể, ở huyện Vĩnh Cửu và các huyện miền cao khác trong tỉnh vẫn còn tồn tại giống heo bản địa quý hiếm. Giống heo này chống chịu tốt với dịch bệnh, lại phàm ăn nên chi phí đầu tư chăn nuôi thấp.
Giống heo bản địa Đồng Nai nổi tiếng với chất lượng thịt thơm ngon, thường được chăn nuôi rải rác trong các cộng đồng người dân tộc thiểu số.
"Khổ nỗi, giống heo bản địa này thường bị lai tạp với một số giống heo khác nên số lượng thuần chủng ngày càng ít. Để tìm được giống heo bản địa chuẩn không hề dễ", ông Dũng kể.
Từ năm 2021, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai bắt đầu triển khai dự án khai thác nguồn gen giống heo bản địa. Ông Dũng vui mừng khi được Trung tâm chọn tham gia dự án.
Ông Dũng cho biết, giống heo bản địa dễ chăm sóc và sinh sản nhanh.
Mỗi năm, heo bản địa đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 10-12 con. Heo bản địa con được nuôi gần 1 năm có thể xuất chuồng.
Ngoài ra, trong quá trình nuôi, ông Dũng tận dụng nguồn phụ phẩm có sẵn trong vườn nhà như thân cây chuối, thậm chí là cỏ voi; rồi trộn thêm bã đậu nành, bột gạo, bột bắp để làm thức ăn.
Từ 5 con heo bản địa ban đầu, đến nay ông Dũng đã sở hữu tổng đàn gần 50 con. Trong khi giá heo trắng hiện vẫn "dậm châm" ở mức dưới 60.000 đồng/kg thì ông vẫn xuất chuồng giống heo bản địa với giá 150.000 đồng/kg.
Heo bản địa tuy có trọng lượng nhỏ (25-30kg), thời gian nuôi kéo dài nhưng điều này lại làm nên giá trị của con heo vì thịt heo ngon và sạch.
Ông Dũng nhẩm tính, sau khi trừ chi phí, ông lời khoảng 2 triệu đồng/con. Mỗi năm, đàn heo mang lại cho ông nguồn thu nhập khoảng 200 triệu đồng.
Trong một chương trình nghiên cứu do cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và Cơ quan Khoa học và Công nghệ Nhật Bản (JST) công bố năm 2020, Việt Nam có tới 26 giống heo bản địa.
Đây là con số gây bất ngờ cho nhiều người vì ở Nhật Bản chỉ có 1 giống và ở Philippines chỉ có vài giống heo bản địa.
Tuy nhiên, một số trong 26 giống heo bản địa này của Việt Nam đã bị tuyệt chủng hoặc gần tuyệt chủng.
Đây là hệ lụy trong quá trình ngành chăn nuôi tìm cách nâng cao hiệu quả, để phát triển kinh tế.
Heo bản địa Đồng Nai có sức đề kháng cao, ít bị bệnh tật. Ảnh: Trần Khánh
Theo nghiên cứu của Nhật Bản, mỗi loại giống đều có những đặc tính và đặc điểm di truyền riêng. Các đặc tính và đặc điểm di truyền này không thể khôi phục lại một khi bị mất đi.
"Dự án có ý nghĩa thiết thực vì không chỉ giữ lại được nguồn gen động vật quý mà tạo ra mô hình mới, nâng cao thu nhập của đồng bào vùng khó khăn và các hộ, trại chăn nuôi ở địa phương"
Ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai
Heo bản địa Việt Nam vốn chịu được điều kiện chăn nuôi kém nhưng thịt lại rất ngon. Điều này có ý nghĩa quan trọng về mặt thực phẩm, giúp tăng cơ hội xây dựng thương hiệu thịt heo bản địa.
Thêm nữa, sự lây lan của dịch tả heo châu Phi càng khiến việc bảo tồn trở nên cấp bách. Vì một khi nguồn gen bị mất đi do các bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, sẽ không có cách nào phục hồi được.
Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, giống heo bản địa Đồng Nai có đặc điểm là da đen và mỏng, lưng cong nhẹ, bụng không sệ sát đất. Giống heo này khó lẫn lộn được với bất kỳ giống heo nào khác.
Giống heo bản địa được phát triển theo hướng chăn nuôi heo đặc sản. Ảnh: Trần Khánh
Trung tâm đang ứng dụng những tiến bộ khoa học nhằm bảo tồn, nhân giống theo phương pháp tiên tiến.
Giống heo bản địa sẽ được phát triển theo hướng chăn nuôi đặc sản, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Ông Nguyễn Chí Hiền - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Đồng Nai cho biết, nhu cầu đối với thịt heo đặc sản đang rất lớn. Heo bản địa Đồng Nai được định hướng đưa vào chương trình OCOP ở địa phương.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã quan tâm và tham gia liên kết sản xuất con giống, nuôi heo thịt thương phẩm.
Sắp tới, Trung tâm sẽ nhân rộng mô hình nuôi thuần chủng heo bản địa trên diện tích hơn 300ha. Việc này vừa tạo nguồn thu cho Trung tâm vừa cung ứng con giống cho các hộ chăn nuôi trong khu vực, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.