9 giống lợn bản địa, lợn đặc sản nào đang được các tỉnh miền Bắc đưa vào diện bảo tồn?

Thiên Hương Thứ tư, ngày 25/11/2020 13:00 PM (GMT+7)
Các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc có nhiều giống lợn đặc sản, lợn bản địa có chất lượng thơm ngon như lợn Lũng Pù, lợn Táp Ná, Lợn Hương, lợn Mường Khương, lợn Ỉ, Móng Cái...
Bình luận 0

Mặc dù các giống lợn bản địa này rất được thị trường ưa chuộng, có giá bán cao hơn so với lợn trắng, lợn siêu nạc nhưng do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức nên kém phát triển, cho năng suất thấp, chủ yếu nuôi ở quy mô nông hộ...

Từ thực trạng này, vừa qua Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp tại Mèo Vạc (Hà Giang) với chủ đề: "Phát triển chăn nuôi lợn bản địa các tỉnh miền núi phía Bắc".

Theo đó, các tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng các giống lợn bản địa phong phú với 9 nhóm giống đang được thực hiện bảo tồn là: Lợn Táp Ná, lợn Hạ Lang và lợn Hương được nuôi ở tỉnh Cao Bằng; lợn Lũng Pù và lợn Hung được nuôi ở tỉnh Hà Giang; lợn Mường Tè ở tỉnh Lai Châu; lợn Mường Khương ở tỉnh Lào Cai; lợn Lửng ở tỉnh Phú Thọ; lợn Mán ở tỉnh Hòa Bình.

Nhiều mô hình hiệu quả

Được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, từ năm 2018 đến nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang và các tỉnh Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái đã triển khai Dự án "Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn sinh sản giống bản địa theo hướng an toàn sinh học có giá trị kinh tế cao". 

Bảo tồn và đưa lợn bản địa thành  hàng hóa giá trị - Ảnh 2.

Mô hình nuôi lợn thịt bản địa do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lào Cai triển khai. Ảnh: Thúy Phượng

Dự án có quy mô 54 con lợn đực, 486 con lợn cái. Đến nay, đàn lợn cái hậu bị và lợn đực giống do dự án cung cấp đang sinh sản và phát triển tốt. Các hộ chăn nuôi đã xuất chuồng được 2.736 con lợn thịt, trong đó tại Hà Giang 1.230 con, Tuyên Quang 824 con, Lào Cai 682 con…

Dự án được đánh giá là chương trình khuyến nông phù hợp với định hướng ưu tiên của Bộ NNPTNT về phát triển chăn nuôi lợn an toàn sinh học phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và bảo tồn nguồn gen quý hiếm từ vật nuôi bản địa.

Tại Hà Giang, trong quá trình tham gia dự án, người dân được cấp giống tốt, thức ăn, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh. Giống lợn được lựa chọn đưa vào mô hình là lợn đen Lũng Pù, đây cũng là giống lợn chiếm tỷ lệ cao nhất và chất lượng tốt nhất so với các giống lợn khác của Hà Giang. Chúng có đặc điểm lông dày và ngắn, da thô, tai nhỏ. 

"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ phối hợp với Cục Chăn nuôi đánh giá các mô hình chăn nuôi lợn bản địa để đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển chăn nuôi lợn bản địa vùng cao; tiếp tục ưu tiên các chương trình khuyến nông về lợn bản địa; xây dựng tài liệu kỹ thuật về chăn nuôi lợn bản địa bằng tiếng dân tộc để bà con vùng cao dễ sử dụng…".

Bà Hạ Thúy Hạnh

Do được thuần hóa lâu đời, nên chúng dễ thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, dễ nuôi, có sức đề kháng cao. Sau 10 - 12 tháng nuôi, lợn đen Lũng Pù có thể đạt từ 80 - 90kg/con. Với giá bán lợn hơi liên tục ở mức cao từ năm 2019 đến nay, các hộ tham gia mô hình đều thu được lợi nhuận khá.

Phát biểu tại diễn đàn, TS Hạ Thúy Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia cho biết, các tỉnh miền núi phía Bắc có số lượng các giống lợn bản địa phong phú với 9 nhóm giống được bảo tồn là: Lợn Táp Ná, lợn Hạ Lang và lợn Hương được nuôi ở tỉnh Cao Bằng; lợn Lũng Pù và lợn Hung được nuôi ở tỉnh Hà Giang; lợn Mường Tè ở tỉnh Lai Châu; lợn Mường Khương ở tỉnh Lào Cai; lợn Lửng ở tỉnh Phú Thọ; lợn Mán ở tỉnh Hòa Bình. 

Các giống lợn này đều thích nghi tốt với điều kiện chăn nuôi tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Nhiều mô hình chăn nuôi lợn bản địa của bà con vùng núi phía Bắc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Với Luật Chăn nuôi 2018 và Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 mới được ban hành, các mô hình phát triển chăn nuôi lợn bản địa và các giống vật nuôi bản địa khác sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh và mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Tuy nhiên, để các mô hình nuôi lợn bản địa trở thành hàng hóa mang lại thu nhập ổn định cho người dân, bà Hạnh cho rằng các địa phương cần có giải pháp toàn diện về bảo tồn nguồn gen, về khoa học công nghệ, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển...

Chưa đáp ứng được nhu cầu con giống

Ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang cho biết, hiện nay đàn lợn của tỉnh có hơn 525.000 con, trong đó lợn đen bản địa chiếm 15% tổng đàn. Để bảo tồn và phát triển lợn bản địa, tỉnh đã quy hoạch 173 vùng chăn nuôi lợn thịt bản địa đặc sản tại 4 huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên.

Trong khi đó, bà Phạm Thị Thoa - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Giang cho biết, toàn tỉnh có gần 113.000 hộ chăn nuôi lợn, trong đó số hộ nuôi lợn bản địa khoảng 98.000 hộ (87,4%). Để bảo tồn nguồn gen quý của lợn bản địa, hiện tỉnh đã xây dựng được 2 cơ sở thực hiện chức năng bảo tồn, lưu giữ nguồn gen giống lợn đen Lũng Pù. Hàng năm 2 cơ sở trên cung ứng từ 1.500 - 2.000 con lợn giống đảm bảo tiêu chuẩn.

Tuy nhiên thực tế cho thấy, số cơ sở sản xuất con giống của tỉnh vẫn còn ít, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, số lượng con giống sản xuất/năm đạt thấp, giá thành sản xuất con giống cao. Người dân vẫn phải tự sản xuất con giống hoặc thông qua việc trao đổi mua bán tại các chợ gia súc, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro bệnh tật, chất lượng con giống không đảm bảo.

Tại diễn đàn, Ban cố vấn đã giải đáp nhiều câu hỏi của bà con về kỹ thuật chăn nuôi lợn bản địa, chăm sóc nuôi dưỡng, phòng chống dịch bệnh, xử lý chất thải chăn nuôi, cơ chế hỗ trợ, đầu ra sản phẩm… 

Để phát triển tốt chăn nuôi lợn bản địa trong giai đoạn tiếp theo, các chuyên gia kiến nghị Cục Chăn nuôi cần ưu tiên các chương trình giống về lợn bản địa, từ công tác chọn tạo giống và chương trình giống quốc gia; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở sản xuất giống để phục tráng, chọn tạo và bảo tồn giống bản địa.

Sở NNPTNT các tỉnh miền núi phía Bắc cần có các chính sách phát triển chăn nuôi lợn bản địa như chương trình bảo tồn và phát triển giống bản địa, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý…, đồng thời nhân rộng mô hình khuyến nông Trung ương trên địa bàn tỉnh. Chi cục Chăn nuôi thú y các tỉnh phối hợp với hệ thống khuyến nông để triển khai các chương trình tiêm phòng vaccine, chăn nuôi an toàn sinh học để đảm bảo sức khỏe đàn vật nuôi…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem