Nuôi lợn bản địa, gà xương đen đặc sản, nông dân giỏi vùng cao “bỏ túi” trăm triệu/năm

Đức Thịnh Chủ nhật, ngày 29/08/2021 14:16 PM (GMT+7)
Hưởng ứng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang đã phát triển nhiều mô hình nông nghiệp như: nuôi lợn bản địa, nuôi gà xương đen bản địa, trồng thanh long ruột đỏ, rau hữu cơ… đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bình luận 0

Điển hình nông dân giỏi nuôi lợn bản địa, gà xương đen

Với mô hình nuôi gà xương đen đặc sản, ông Phan Hữu Tụ, tổ 3, thị trấn Vinh Quang là một trong những điển hình nông dân giỏi ở địa phương.

Ông Tụ cho biết: Trước đây, gia đình ông đã chăn nuôi gà đen nhưng quy mô không lớn. Sau khi UBND huyện ban hành phương án nuôi gà xương đen sinh sản, ông đã tiên phong thực hiện mô hình. Hiện, gia đình có khoảng 6.000 con gà xương đen nuôi sinh sản; gia đình ông ấp trứng và bán gà giống, với giá bình quân 12.000 đồng/con.

Nuôi lợn bản địa, gà xương đen đặc sản, nông dân giỏi vùng cao “bỏ túi” trăm triệu/năm - Ảnh 1.

Nhờ nuôi lợn đen bản địa, gia đình chị Tải Thị Viện, thôn Lủng Khum, xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang có hàng trăm triệu đồng/năm. Ảnh: Nguyễn Phương.

Ngoài nuôi gà xương đen, gia đình ông Tụ còn nuôi gà thịt, gà siêu trứng Ai Cập và gà Đông Tảo.

Bình quân 4,5 tháng, ông Tụ xuất bán một lứa gà thịt các loại, mỗi lứa khoảng 6.000 con, và mỗi năm xuất bán khoảng 12.000 con gà giống ra thị trường. Trừ chi phí gia đình ông thu lãi khoảng trên 500 triệu đồng/năm từ chăn nuôi gà, đồng thời tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương với thu nhập khá.

Khác với ông Tụ, chị Tải Thị Viện ở thôn Lủng Khum, xã Đản Ván đã đầu tư phát triển mô hình lợn đen bản địa. Hiện, nhà chị Viện thường xuyên duy trì từ 30 - 50 con lợn đen trong chuồng, trong đó có 8 lợn nái sinh sản.

Chị Viện chia sẻ: Trước đây chị cũng như các gia đình ở thôn Lủng Khum chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ nên hiệu quả kinh tế thấp. Sau khi được tuyên truyền về nguồn Quỹ HTND huyện, được cán bộ Hội Nông dân trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi và hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất cụ thể, gia đình chị đã đăng ký và được vay vốn từ Quỹ HTND.

Nguồn vốn này đã giúp gia đình chị mở rộng quy mô chăn nuôi lợn đen và có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Còn anh Lò Văn Đức, thôn Pố Lũng, thị trấn Vinh Quang lại lựa chọn phát triển kinh tế theo hướng tổng hợp vườn - ao - chuồng (VAC) nhằm tận dụng triệt để lợi thế đất đồi rộng của gia đình.

Sau nhiều năm canh tác các loại cây trồng truyền thống, anh Đức nhận thấy việc trồng các loại cây tạp cho hiệu quả kinh tế rất thấp. Vì vậy, cách đây vài năm anh đã quyết tâm cải tạo lại diện tích vườn đồi theo hướng VAC.

Với 2 ha đất vườn đồi, anh Đức đầu tư xây trụ và trồng hơn 500 gốc thanh long, áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ cây trồng và không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học để cho ra những sản phẩm sạch và chất lượng. Sau 3 năm trồng, thanh long đã cho thu hoạch những vụ đầu tiên, đem lại nguồn thu đáng kể cho gia đình.

Ngoài ra, anh Đức đầu tư xây thêm chuồng trại để nuôi gia súc, gia cầm, đào ao thả cá và trồng rau ngắn ngày theo thời vụ để cung cấp cho thị trường.

Hiện, mức thu nhập của gia đình anh đạt khoảng trên 100 triệu đồng mỗi năm từ mô hình VAC. Nhờ thu nhập ổn định mà cuộc sống gia đình anh ngày càng khấm khá hơn.

Nhiều mô hình hay giúp nông dân vùng cao làm giàu

Trao đổi về tình hình địa phương, ông Lý Văn Tương - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì cho biết:  Hoàng Su Phì là huyện biên giới vùng cao của tỉnh Hà Giang. Hội Nông dân huyện có gần 12.000 hội viên nông dân sinh hoạt ở 25 cơ sở Hội và hơn 100 chi hội. Những năm qua, hội viên nông dân trong toàn huyện đã tích cực giúp đỡ nhau vươn lên trong lao động, sản xuất cũng như trong cuộc sống.

Đáng chú ý, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã được các cấp Hội Nông dân trong huyện Hoàng Su Phì triển khai sâu rộng.

Từ phong trào này, nhiều hội viên nông dân giỏi huyện Hoàng Su Phì đã thực hiện và duy trì nhiều mô hình sản xuất điển hình mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như: Trồng dưa hấu tại xã Bản Luốc với tổng diện tích 7ha, giá trị sản phẩm thu được đạt 100 triệu đồng/ha/năm; thanh long ruột đỏ tại các xã Bản Luốc, Bản Máy, thị trấn Vinh Quang với tổng diện tích 2,8ha, thu nhập bình quân đạt 150 triệu đồng/ha; trồng rau hữu cơ tại xã Thàng Tín với tổng diện tích 12ha, giá trị sản phẩm bình quân đạt 157 triệu đồng/ha; trồng lúa chất lượng cao (Già Dui, ĐS3, Nếp cái, gạo Đỏ) với tổng diện tích 155 ha.

Cùng với đó, Hội Nông dân huyện cũng tăng cường vận động, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Hiện, toàn huyện có 131 nhóm sở thích, 12 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Huyện có 17 HTX đang hoạt động thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, hỗ trợ các thành viên, hội viên nông dân một số khâu trong quá trình sản xuất như: Cung ứng vật tư nông nghiệp, cây, con giống và bao tiêu sản phẩm cho người lao động.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện Hoàng Su Phì tiếp tục xây dựng các chương trình, mô hình thiết thực, hiệu quả; tăng cường hỗ trợ hội viên, nông dân, đặc biệt là hỗ trợ tiếp cận vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, chuyển giao khoa học kỹ thuật và nhân rộng những mô hình kinh tế hiệu quả, phù hợp với địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hội viên nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội trên địa bàn huyện.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem