Hòa Bình: Vào HTX nuôi lợn bản địa, thương lái biết tiếng, bà con rủ nhau đến học hỏi

Xuân Tuấn - Hà Hoàng Thứ ba, ngày 08/09/2020 06:10 AM (GMT+7)
Bà con người Thái ở xã Xăm Khòe và xã Bao La (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình) đã cùng nhau liên kết để nuôi lợn đen bản địa và lợn rừng. Sau mấy năm hoạt động, các thành viên trong Hợp tác xã (HTX) nuôi lợn bản địa Mường Pa đã thoát nghèo, có cuộc sống sung túc hơn.
Bình luận 0

Trong chuyến tác nghiệp ở huyện vùng cao Mai Châu, chúng tôi được giới thiệu đến thăm mô hình nuôi lợn rừng của anh Hà Văn Việt, ở xã Bao La. Khi đến, chúng tôi rất ngạc nhiên trước hàng chục con lợn đang được vỗ béo bằng thức ăn thô không qua nấu chín tại trang trại.

 Hiện, anh Việt đang là ông chủ của trang trại lợn rừng với 20 con lợn nái. Khu trại của anh Việt nằm cách biệt giữa cánh đồng. Chuồng trại được xây kiên cố. Xung quanh vườn có hàng rào vững chãi. Đây là trang trại nuôi lợn có quy mô lớn mà bà con người Thái nơi đây chưa ai từng làm.

Hòa Bình: Liên kết nuôi lợn bản địa để cùng nhau xóa nghèo, làm giàu - Ảnh 1.

Những con lợn được nuôi bằng thức ăn thô như: Cỏ voi, ngô, sắn... nên chất lượng thịt rất thơm ngon, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Những năm trước đây, mỗi gia đình người Thái nơi đây chỉ nuôi vài con lợn để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp. Cách chăn nuôi đó, chỉ giúp bà con có thêm một khoản thu nhập nhỏ mỗi năm. Anh Việt lại có suy nghĩ khác là giống lợn đen bản địa nơi đây có thể sản xuất theo hướng hàng hóa, nhất là thời gian gần đây nhu cầu thịt lợn tăng cao, đặc biệt là giống lợn đen bản địa và lợn rừng luôn bán được giá. 

Anh Việt đã mạnh dạn xây chuồng rồi mua cả chục con lợn giống về nuôi. Đến nay, anh đã gây dựng được hàng chục con lợn nái. Mỗi năm 1 con lợn nái đẻ 2 lứa, mỗi lứa 6 con đến 10 con. Chúng đẻ ra con nào, anh Việt nuôi cả.

Hòa Bình: Liên kết nuôi lợn bản địa để cùng nhau xóa nghèo, làm giàu - Ảnh 2.

Hiện nay, nhiều nông hộ ở huyện Mai Châu đang có thu nhập cao từ mô hình nuôi lợn đen bản địa.

Theo anh Việt, giống lợn bản địa dễ nuôi, thức ăn của chúng sẵn có tại địa phương như chuối, cỏ voi, sắn, ngô... Ngoài ra, anh còn mua thêm nông sản của bà con để cho lợn rừng ăn. "Tôi cũng là thành viên của HTX nuôi lợn bản địa Mường Pa. Vào HTX, các thành viên cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cũng như hỗ trợ nhau khi gặp khó khăn". 

Cái tên HTX nuôi lợn bản địa Mường Pa gắn liền với đời sống bà con người Thái nơi đây. Giờ cái tên này đã được các thương lái biết đến là địa chỉ tin cậy để mua lợn bản địa. Mô hình nuôi lợn rừng và lợn bản địa của anh Việt cũng là điển hình của HTX Mường Pa để nhiều hộ khác làm theo.

Hòa Bình: Liên kết nuôi lợn bản địa để cùng nhau xóa nghèo, làm giàu - Ảnh 3.

Từ lâu, lợn đen bản địa nổi tiếng với chất lượng thơm ngon.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Thế Nhiên - Chủ nhiệm HTX nuôi lợn bản địa Mường Pa và cũng là một hộ nuôi lợn giỏi của xã Xăm Khòe (huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), cho biết: "Để nuôi lợn bản địa này, tôi đã xây dãy chuồng lợn kiên cố, có bể biogas. Mấy chục con lợn của gia đình tôi được chăm sóc đến nơi đến chốn. Không chỉ nuôi lợn rừng đơn thuần, tôi còn cho giống lợn đen bản địa lai với lợn rừng (con cái là lợn đen, lấy giống lợn rừng), cho ra giống lợn lai rất khỏe".

Hòa Bình: Liên kết nuôi lợn bản địa để cùng nhau xóa nghèo, làm giàu - Ảnh 4.

Theo anh Hà Văn Việt, xã Bao La: "Lợn đen bản địa thường được bán với giá 100.000 đồng đến 140.000đồng/kg.

"Giống lợn rừng lai với lợn đen bản địa rất dễ nuôi. Chúng ít bệnh, lại nhanh lớn và dễ bán. Các thành viên trong HTX nuôi lợn bản địa Mường Pa luôn là địa chỉ tin cậy cho các hộ chăn nuôi trong xã Xăm Khòe và Bao La đến giao lưu, học hỏi. Những năm trước đây, bà con nuôi lợn thả rông, con nào khỏe thì sống, chứ ít gia đình chú ý đến việc nuôi lợn theo quy mô lớn, phòng chống dịch bệnh. 

Khi vào HTX, các thành viên sẽ dần thay đổi tư duy làm ăn. Họ sẽ từng bước mở rộng quy mô, nuôi lợn để thoát nghèo và làm giàu, chứ không phải nuôi lợn để tận dụng phụ phẩm nông nghiệp nữa", ông Nhiên chia sẻ.

Cũng theo ông Nhiên, giá lợn hơi đen bản địa hiện dao động trong khoảng 100.000 đồng/kg. Vào thời điểm Tết Nguyên đán, ông Nhiên thường xuất bán khoảng 1 tấn lợn, với giá lợn hơi 150.000 đồng/kg. 

Ngoài ra, trong HTX còn có nhiều hộ chăn nuôi giỏi, đời sống khấm khá như chị Hà Thị Hiền, Hà Thị Liên ở xóm Báo, xã Bao La duy trì nuôi từ 12 con đến 15 con lợn thịt, từ 2 con đến 3 con lợn nái, đạt bình quân thu nhập mỗi năm khoảng 50 triệu đồng. 

Được biết, HTX chăn nuôi lợn bản địa Mường Pa ra đời tháng 8/2018, tập hợp 10 thành viên ở 2 xã tham gia. Mô hình HTX được tạo điều kiện, khuyến khích phát triển, nhằm đáp ứng tiêu chí số 13 về hình thức tổ chức sản xuất trong xây dựng nông thôn mới. 

Chuyên mục có sự phối hợp của Văn phòng Quốc gia về giảm nghèo

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem