Vượt khó, vươn lên, khai thác tốt các nguồn lực đất đai, lao động trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, tạo dựng cơ nghiệp bền vững trên đất cù lao từ mô hình trồng và kinh doanh cây kiểng là cách làm mới, hiệu quả của ông Nguyễn Văn Chiếp, một điển hình nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi miệt vườn cù lao sông nước, cư ngụ tại ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang).
Ông Chiếp chia sẻ, gia đình ông có 16.000m2 đất vườn (1,6 ha). Trước đây, khu đất này được sử dụng để trồng nhãn.
Những năm cuối thế kỷ XX, cây nhãn gặp khó khăn trong việc tìm đầu ra, hiệu quả kinh tế thấp, nông dân đốn bỏ hàng loạt để chuyển đổi sang cây trồng khác lợi nhuận cao hơn (sầu riêng, cây có múi…). Với sự nhạy bén của mình, ông Chiếp chuyển hướng từ trồng cây ăn trái sang trồng và kinh doanh cây kiểng (cây cảnh), chủ yếu là giống vạn niên tùng.
Ông Chiếp cho biết, ông chọn trồng và kinh doanh cây kiểng một phần do niềm đam mê cây kiểng, có một vài hiểu biết về lĩnh vực uốn sửa và chăm sóc cây kiểng, đồng thời đón đầu nhu cầu về chơi hoa kiểng trong xã hội ngày càng lớn khi nền kinh tế phát triển, nhiều hộ dân giàu lên.
Các loại cây kiểng cổ thụ, kiểu dáng đẹp, độc đáo luôn được săn lùng trên thị trường. Hơn nữa, vạn niên tùng, mai vàng luôn là những giống cây kiểng có giá trị kinh tế cao, đứng đầu trong danh sách các loại cây kiểng mà người chơi kiểng quan tâm, tìm mua.
Khởi đầu dựng nghiệp, ông Chiếp đã đầu tư mua 400 gốc vạn niên tùng con về trồng, gây giống trong vườn. Giá mỗi gốc vạn niên tùng vào thời điểm những năm 90 của thế kỷ trước khoảng 25.000 đồng. Sau khi mua mua về ông đầu tư chăm sóc, uốn tỉa, tạo dáng cho từng cây hết sức tỉ mỉ.
Theo ông Chiếp, so với lập vườn trồng cây ăn trái, trồng kiểng tốn ít công chăm sóc, không chịu sức ép về thị trường tiêu thụ. Cây kiểng là mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Kiểng càng để lâu, cây càng lớn, giá trị càng cao. Người trồng thu lãi càng to.
Những cây kiểu dáng độc đáo và lâu năm có thể coi là vô giá. Trong vườn ông hiện có hàng ngàn gốc vạn niên tùng đủ mọi lứa tuổi, kích thước khác nhau. Hầu hết đều là kiểng đẹp, có giá trị cao. Trước sân nhà ông còn một cặp vạn niên tùng khoảng 30 năm tuổi có người trả giá gần 04 tỷ đồng nhưng ông chưa bán.
Đây là cặp vạn niên tùng kiểng có thể nói là "độc nhất vô nhị" trên đất cù lao Tân Phong bởi dáng đẹp, thân to, thế uốn rất ấn tượng. Ông cho biết thêm, vườn kiểng của ông có sản phẩm bán ra quanh năm nhưng cao điểm là dịp giáp Tết Nguyên đán. Trong dịp Tết vừa qua, ông bán ra hàng chục gốc vạn niên tùng, thu hàng tỷ đồng. Còn tính trung bình, mỗi năm, gia đình ông thu lãi ròng từ bán cây kiểng khoảng 500 - 700 triệu đồng.
Cây kiểng vạn niên tùng là mặt hàng không sợ ế. Cây kiểng chưa được giá ông không bán mà tiếp tục đầu tư, chăm sóc, giá trị qua mỗi năm mỗi tăng cao thêm. Còn những gốc kiểng đã bán rồi, ông nhanh chóng trồng gốc khác thay thế vào. Cứ thế, vườn kiểng của ông lúc nào cũng có sẵn sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ một thú chơi tao nhã, ông Chiếp đã nâng việc trồng, sửa kiểng vạn niên tùng thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao. Sau gần 30 năm gắn bó với cây kiểng vạn niên tùng, ông đã tạo dựng cơ nghiệp bền vững trên đất cù lao sông nước, nhiều năm liền được tôn vinh là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi của tỉnh Tiền Giang.
Theo lãnh đạo xã Tân Phong, mô hình trồng và kinh doanh cây kiểng nói chung là một trong những hướng phát triển kinh tế gia đình đầy sáng tạo và hiệu quả của nông dân đang được địa phương khuyến khích.
Từ một vài hộ đi tiên phong ban đầu như ông Nguyễn Văn Chiếp, hiện nay, toàn xã đã nhân rộng lên hàng trăm hộ với diện tích trên 100 ha chuyên canh cây kiểng, chủ yếu trồng vạn niên tùng, mai vàng, nguyệt quế… cung ứng cho thị trường hoa kiểng trong và ngoài tỉnh.
Hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, thương lái nườm nượp đổ về thu mua, vận chuyển cây kiểng đưa đi tiêu thụ khắp các nơi, tạo nên một không khí hết sức nhộn nhịp, tấp nập.
Lãnh đạo địa phương đánh giá cao ông Nguyễn Văn Chiếp không chỉ với vai trò là nông dân năng động, nhạy bén nắm bắt các thời cơ, vận hội nền kinh tế thị trường mang lại để lập thân, lập nghiệp, làm giàu mà còn là một nhà hảo tâm tích cực ủng hộ, giúp đỡ hộ nghèo khó trong xã vươn lên, chung sức hưởng ứng đóng góp xây dựng nông thôn mới.
Hàng năm, ông góp hàng chục triệu đồng ủng hộ người nghèo, hộ chính sách neo đơn. Trong đợt dịch Covid-19 bùng phát vừa qua, ông đã hỗ trợ trên 20 hộ dân các phần quà là lương thực, nhu yếu phẩm, tổng trị giá từ 200.000 - 300.000 đồng/phần. Nhờ vậy, bà con vượt qua thời khắc khó khăn do dịch bệnh, ổn định sản xuất và đời sống.
Đặc biệt, hưởng ứng chủ trương của Nhà nước về phát triển giao thông nông thôn, ông Chiếp đã tự nguyện hiến thửa đất có diện tích 60m2 để xã làm đường giao thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cù lao theo chuẩn quốc gia. Nhờ sự chung sức của Nhân dân nói chung, ông Nguyễn Văn Chiếp nói riêng, xã Tân Phong đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019, về trước 01 năm so với lộ trình đề ra.