Mai nu “mặt khỉ” là cây gì, vì sao mai nu lại bán ra nước ngoài, nông dân Tiền Giang thu tiền tỷ?
Mai nu “mặt khỉ” là cây gì mà ở huyện này của Tiền Giang, nhà nào trồng nhà đó giàu, có nhà thu tiền tỷ?
Trần Đáng
Chủ nhật, ngày 08/05/2022 06:00 AM (GMT+7)
Từ khi cây mai nu "mặt khỉ" Gò Công (Tiền Giang) có nhãn hiệu "Mai chiếu thủy nu Gò Công", tại xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây), nông dân mở rộng diện tích trồng mai nu “mặt khỉ” và mang về nguồn thu lớn.
Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt Nguyễn Văn Tốt, cùng trên một diện tích lợi nhuận trồng mai nu "mặt khỉ" gấp 40 lần trồng lúa.
Các kiểu làm giàu từ trồng mai nu "mặt khỉ"
Cũng theo ông Tốt, trên đại bản xã Thạnh Nhựt hiện có khoảng 25ha trồng mai nu "mặt khỉ" với hơn 180 hộ. Trong đó, 5ha mai nu thành phẩm và 20ha mai nu nguyên liệu.
Ở xã Thạnh Nhựt, nông dân trồng mai nu "mặt khỉ" bất cứ nơi nào còn đất trống, như: Xen vườn cây, bờ đất, trên nền ruộng…
Dù trồng ở đâu mai nu "mặt khỉ" cũng đem lại nguồn thu lớn, lợi nhuận cao cho bà con nông dân.
Ông Huỳnh Văn Nghĩa, một nông dân trồng mai nu cho biết, ông vừa bán 1.000 cây mai nu "mặt khỉ" thu về hơn 100 triệu đồng.
Hiện, ông Nghĩa trồng mai nu "mặt khỉ" với 4 công đất ruộng. Cứ mỗi công đất trồng 1.000 gốc mai nu.
Theo ông Nghĩa, cây mai nu rất dễ trồng. Trồng mai nu chủ yếu dùng phân hữu cơ, tro trấu, phân bò. Cây cần tưới nước phù hợp, tránh bị mất nước.
Tuy nhiên, dù dễ trồng nhưng cây mai nu cũng dễ bị sâu bệnh, nhất là sâu đục thân. Vì thế, người trồng phải thường xuyên thăm vườn để trị bệnh kịp thời khi phát hiện cây mai bị sâu bệnh.
Ông Nghĩa cho biết, sau 2, 3 năm trồng, cây mai nu có thể bán theo dạng nguyên liệu. Trung bình, mỗi công đất trồng mai nu "mặt khỉ" cho lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/năm.
Clip: Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Nhựt Nguyễn Văn Tốt chia sẻ việc người dân xã Thạnh Nhựt (huyện Gò Công Tây, tỉnh Tiền Giang) trồng mai nu "mặt khỉ". Clip: Trần Đáng
"Đây là lợi nhuận từ bán cây nguyên liệu và nhánh cây", ông Nghĩa chia sẻ.
Tại xã Thạnh Nhựt, nói về thành công trồng mai nu "mặt khỉ" phải kể đến ông Tám Bỉnh (Lê Tấn Bỉnh).
Tỷ phú này có đến 2,5ha trồng mai nu. Hiện, ông Tám Bỉnh có khoảng 10.000 sản phẩm mai nu "mặt khỉ", chiếm một nửa số mai nu "mặt khỉ" ở xã Thạnh Nhựt.
Thay vì trồng và bán cây nguyên liệu, ông Tám Bỉnh chỉ chiết nhánh bán và bán cây thành phẩm. Giá nhánh mai nu của ông Tám Bỉnh 25.000-30.000 đồng/nhánh, gấp 2-3 lần tại các nhà vườn khác. Riêng, sản phẩm mai nu thành phẩm có giá vài chục triệu đồng/cặp.
Hiện, ông Tám Bỉnh có hơn 800 cây mai nu thành phẩm tuổi từ 15 năm trở lên. Theo ông Tám Bỉnh, mỗi năm ông thu vào 200 triệu đến 1 tỷ đồng từ việc bán mai nu "mặt khỉ".
"Tùy theo năm bán cây được ít hay nhiều", ông Tám Bỉnh thổ lộ.
Trồng mai nu "mặt khỉ" cách riêng
Ông Tốt cho biết, hiện nhiều bà con trồng mai nu ở xã Thạnh Nhựt rất muốn xây dựng nhãn hiệu riêng cho cây mai nu Thạnh Nhựt chứ không lấy nhãn hiệu "mai nu chiếu thủy Gò Công".
Giải thích cho điều này, ông Tám Bỉnh cho rằng, nhãn hiệu "mai nu chiếu thủy Gò Công" dùng cho cả huyện Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông và thị xã Gò Công.
Tuy nhiên, chỉ có tại xã Thạnh Nhựt mới trồng mai nu cho "mặt khỉ" nhiều, tròn, to, đẹp. Đây là vùng đất khai sinh ra cây mai nu "mặt khỉ". "Ở vùng khác trồng mai nu cũng có "mặt khỉ" nhưng không đẹp bằng ở đây", ông Tám Bỉnh khẳng định.
Ông Tám Bỉnh băn khoăn, nếu các sản phẩm mai nu đều lấy nhãn hiệu "mai nu chiếu thủy Gò Công" sẽ dẫn đến tình trạng mai một uy tín, thương hiệu mai nu "mặt khỉ" Thạnh Nhựt.
Theo ông Tốt, ngoài việc đăng ký nhãn hiệu riêng sẽ xin chỉ dẫn địa lý cho cây mai nu "mặt khỉ" Thạnh Nhựt. Song song đó, lập làng nghề "Làng kiểng cổ Thạnh Nhựt".
"Cây mai nu "mặt khỉ" đang đem lại nguồn thu rất tốt cho nông dân. Hội Nông dân xã đang nhân rộng việc trồng mai nu để tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân trên địa bàn", ông Tốt bộc bạch.
Vào tháng 3 vừa rồi, ông Nguyễn Văn Thiện (xã Long Vĩnh, huyện Gò Công Tây) đã xuất khẩu lô hàng hơn 1.000 cây mai nu "mặt khỉ" nguyên liệu sang Indonesia.
Đây là động lực để bà con nông dân phát triển mạnh mẽ cây mai nu "mặt khỉ" ở miệt Gò Công.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.