Bà Kiều Thị Phú (xóm Bình Định, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) nói về mô hình nuôi lợn thịt, nuôi cá giống của gia đình.
Chị Kiều Thị Phú cho biết, gia đình chị nuôi cá từ những năm 1995 và bắt đầu chăn nuôi lợn quy mô lớn từ khoảng năm 2014, 2015.
Do diện tích đất trước đây bị ngập úng không thể trồng cấy nên sau khi mua về, vợ chồng chị Phú đã đào ao nuôi cá và xây dựng chuồng chăn nuôi lợn.
Từ đầu năm đến nay, gia đình chị xuất bán khoảng vài chục tấn lợn thịt với giá bán trung bình từ 50.000 – 55.000 đồng/kg thu về hàng tỷ đồng.
Do tự sản xuất được con giống nên chi phí chăn nuôi lợn của gia đình chị Phú giảm đáng kể, đồng thời chủ động được về con giống mà chất lượng lại được đảm bảo hơn.
Theo chị Phú, lợn chủ yếu mắc dịch tả châu Phi nên khi đẻ xong phải tiêm vaccine đầy đủ để phòng bệnh. Chuồng trại cần được đầu tư khép kín và có hệ thống làm mát đảm bảo thoáng mát về mùa hè tạo điều kiện thuận lợi cho lợn phát triển.
Đối với lợn nái đòi hỏi công chăm sóc nhiều hơn lợn thịt, vì phải thường xuyên theo dõi sát sao trong quá trình chăn nuôi.
Thời kỳ mang thai của lợn mẹ kéo dài khoảng 4 tháng, ở tháng cuối của thai kỳ cần có chế độ chăm sóc tốt hơn về thức ăn để lợn con phát triển tốt. Do đó, tùy vào từng thời điểm mà có chế độ cho ăn phù hợp với lợn nái. Mỗi năm lợn nái sẽ sinh sản 2 lứa, mỗi lần sinh sản khoảng 12 con.
Thông thường, lợn con khoảng 26 ngày tuổi sẽ được tách mẹ và vực cho lợn ăn. Tuy tách con sớm, nhưng sẽ không gây hại cho lợn mẹ. Sau khi tách con khoảng 5 – 7 ngày, lợn mẹ lại bắt đầu động dục.
Nguồn phân lợn thải ra được gia đình chị Phú dùng để nuôi cá, trồng cây, vừa tận dụng phân lợn dư thừa lại vừa giúp giảm thiểu tối đa ô nhiễm môi trường.
Hiện nay với tổng diện tích gần 2ha mặt nước, gia đình chị Phú chủ yếu nuôi cá bố mẹ để bán giống. Có 7 loại cá chính mà gia đình chị Phú đang nuôi và gây giống là cá trắm, chép, mè, chim, trôi Ấn Độ, trôi Digan…
Khi nhập giống cá về nuôi, gia đình chị Phú thường lựa chọn cá bố mẹ đạt khoảng từ 2,3 - 4kg/con tùy từng loại cá.
Trong các loại cá, cá chép có độ tuổi sinh sản sớm nhất. Sau khi đẻ trứng khoảng 20 ngày thì cá lại tiếp tục lên trứng và đẻ tiếp. Thời gian khai thác cá bố mẹ có thể kéo dài tới 10 năm tùy theo cách chăm sóc. Tuy nhiên tuổi sinh sản đẹp nhất là từ năm thứ 2 đến năm thứ 4.
Cần kiểm tra để nhận biết cá đực đến thời kỳ cho tinh dịch đảm bảo chất lượng. Khi cá đực đã đạt đến thời kỳ mới đưa vào bể để ghép đôi. Tương tự với cá cái cũng cần kiểm tra, khi thấy trứng đạt độ già mới đưa vào bể cho cá đẻ trứng.
Để chuẩn bị điều kiện cho cá sinh sản tốt nhất, khi cho cá bố mẹ vào bể, cần quay nước để giữ cho cá khỏe. Sau đó, người nuôi tiêm kích đẻ cho cá cái, 4 tiếng sau tiếp tục tiêm lần 2 để cá đẻ trứng. Tiếp đó, người nuôi hút trứng vào bể để ấp.
Tỷ lệ ghép đôi để cá thụ tinh là 1 bố, 1 mẹ. Với cá trôi, chép có thể ghép 30 – 40 cặp/bể, còn cá trắm khoảng 25 cặp và cá chim chỉ ghép được hơn chục cặp.
Sau khi ghép cặp khoảng 8 – 9 tiếng là cá thụ tinh xong. Sau khoảng 1 ngày, người nuôi đưa cá bố mẹ trở lại ao để tiếp tục vỗ và chăm sóc.
Theo chị Phú, tùy theo từng mùa mà cá nở nhanh hay chậm. Vào mùa hè, sau khi trứng cá nở thành con chỉ khoảng 3 ngày là có thể bán giống, còn mùa đông thì thời gian lâu hơn kéo dài khoảng 5 - 7 ngày.
Hiện chị Phú đang bán cá bột với giá 50.000 đồng/cốc 100cc tương đương với 0,35kg. Riêng cá chim có giá cao hơn, có thời điểm cá chim bột được chị bán với giá lên tới 1,5 triệu đồng/cốc 100cc.
Chú ý nguồn nước chăn nuôi cá phải đảm bảo sạch, nước ra vào thường xuyên, không bị ô nhiễm. Để phòng cá mắc bệnh, cần dùng thuốc kháng sinh và men vi sinh cho cá, đồng thời sử dụng thuốc phân hủy thức ăn thừa và tẩy trùng nguồn nước.
Hiện thị trường bán cá giống của gia đình chị hầu hết ở các tỉnh phía Bắc, trong đó tập trung chủ yếu ở Hải Dương, Hưng Yên. Đối với việc chăn nuôi cá, ngoài nhân công chính là hai vợ chồng, gia đình chị Phú còn thuê thêm 2 lao động thường xuyên để chăm sóc, đánh bắt cá và khoảng 6 lao động thời vụ.
Với việc nuôi cá và lợn, mỗi năm gia đình chị Phú mang về doanh thu gần 20 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lợi nhuận đạt khoảng 5 – 6 tỷ đồng. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên thu nhập kém hơn, nhưng gia đình chị vẫn dự kiến lãi khoảng 4 tỷ đồng.
Chị Kiều Thị Huyền – Phó Chủ tịch UBND xã Kha Sơn đánh giá, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Phú là một trong những mô hình kinh tế điển hình ở địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hằng năm, gia đình đều nhận được bằng khen từ các cấp ngành vì có thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Không chỉ mang lại nguồn thu nhập lớn cho bản thân, gia đình chị Phú còn tạo công ăn việc làm cho một số lao động nhàn rỗi tại địa phương.