Giá dầu thô tiếp tục lao dốc trong phiên giao dịch sáng nay (11/5) vì triển vọng nhu cầu bị áp lực bởi các biện pháp phòng Covid-19 tại Trung Quốc và rủi ro tăng trưởng gia tăng, trong khi đồng USD mạnh khiến dầu thô trở nên đắt đỏ hơn đối với người mua bằng ngoại tệ khác.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm 1,09% xuống 98,72 USD/thùng vào lúc 7 giờ 02 (giờ Việt Nam) ngày 11/5. Giá dầu thô Brent giao tháng 7 cũng giảm 0,78% xuống 101,38 USD/thùng.
Giá dầu thô Mỹ giảm xuống dưới mốc 100 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày thứ ba (10/5), mức thấp nhất trong hai tuần, vì triển vọng nhu cầu bị áp lực bởi các lệnh phong toả chống Covid-19 tại Trung Quốc và rủi ro tăng trưởng gia tăng.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 3,2% xuống 99,76 USD/thùng, trong khi giá dầu thô Brent giảm 3,28% xuống 102,46 USD. Cả hai loại dầu đều giảm phiên thứ hai liên tiếp và mất hơn 4 USD/thùng trong phiên.
Mặc dù trong dài hạn, thị trường hàng hóa luôn chịu tác động chủ yếu của các yếu tố cung – cầu nội tại, tuy nhiên cũng không thiếu các giai đoạn mà giá hàng hóa diễn biến theo thị trường tài chính chung, giống phiên giao dịch đầu tuần này.
Bất chấp rủi ro lớn nhất trên thị trường hiện tại vẫn là sản lượng dầu của Nga sẽ giảm 3 triệu thùng dầu/ngày do các lệnh cấm vận của phía Liên minh châu Âu EU. Nếu được thông qua, đây sẽ là lệnh cấm vận đầu tiên của châu Âu lên ngành dầu mỏ của Nga. Điều này chắc chắn là động lực có thể khiến cho giá dầu thách thức vùng giá cao nhất trong lịch sử, mốc 150 USD/thùng.
Tuy vậy, khi dòng tiền chuyển dịch đến các tài sản trú ẩn, như các đồng Dollar (USD), Euro, và cả thị trường trái phiếu. Các nhà đầu tư có xu hướng chuyển dịch dòng vốn vào các tài sản trú ẩn, đặc biệt khi tuần này có 2 chỉ số lạm phát quan trọng là chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ và Trung Quốc. Hiện tại, lạm phát tăng cao đến mức vượt qua tốc độ tăng trưởng kinh tế, hay là tạo ra tình trạng đình lạm, chính là rủi ro được quan tâm nhất trên các thị trường hiện tại.
Nếu lạm phát tăng cao có thể khiến chính phủ tiếp tục thắt chặt các chính sách tiền tệ, tăng lãi suất, đồng nghĩa với khả năng các doanh nghiệp có thể phải thu hẹp hoặc cắt giảm các hoạt động sản xuất, và khiến cho tiêu thụ năng lượng nói chung và tiêu thụ dầu nói riêng giảm. Do đó, dù hôm nay thị trường dầu đã có dấu hiệu bình tâm trở lại, giá vẫn chưa phục hồi được mức giảm ngày hôm qua và thực tế cho thấy, giá dầu thô tiếp tục đi xuống.
Báo cáo Triển vọng Tiêu thụ Năng lượng Ngắn hạn phát hành tối qua, Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ EIA đã hạ dự báo tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2022 từ mức 99,8 triệu thùng/ngày xuống 99,61 triệu thùng/ngày. Nhu cầu dầu trong năm 2023 cũng điều chỉnh giảm từ 101,73 triệu thùng/ngày xuống 101,55 triệu thùng/ngày.
Nguyên nhân chủ yếu do EIA điều chỉnh giảm số liệu tiêu thụ dầu của 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc. Cụ thể, EIA hạ dự báo tiêu thụ dầu của Trung Quốc xuống 15,56 triệu thùng/ngày trong năm 2022, giảm 90.000 thùng/ngày so với con số đưa ra trong báo cáo tháng 4. Đây là yếu tố tiêu cực đối với thị trường, khi hai quốc gia “đầu tầu” đều cho thấy sự giảm sút.
Các số liệu của EIA được xây dựng dựa trên các thông tin vào ngày 05/05, trước khi EU đề xuất cấm vận nhập khẩu dầu từ Nga. Do đó, mặc dù EIA hạ dự báo sản lượng dầu thế giới từ 100,21 triệu thùng/ngày xuống 99,89 triệu thùng/ngày, con số này vẫn chưa phản ánh thực chất tình trạng giảm sụt nguồn cung dầu của thị trường trong thời gian tới, nếu lệnh cấm vận được thông qua.
Giá dầu tiếp tục chịu áp lực trong phiên sáng nay, khi báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho biết tồn kho dầu thô tăng 1,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 06/05. Tồn kho các sản phẩm lọc dầu như xăng và nhiên liệu chưng cất cũng tăng, ngược với kỳ vọng giảm của thị trường.
Trong nước, các doanh nghiệp dự kiến giá xăng hôm nay ngày 11/5 có thể tăng gần 2.000 đồng/lít theo đà tăng mạnh của thế giới, đưa giá xăng RON 95 tiến sát hoặc vượt mốc 30.000 đồng/lít.
Dữ liệu từ Bộ Công Thương cho biết giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore cập nhật đến ngày 6/5 tăng mạnh so với kỳ tính giá trước. Cụ thể, bình quân giá xăng RON 92 (dùng để pha chế xăng E5 RON 92) lên 137,36 USD/thùng, xăng RON 95 lên 141,65 USD/thùng, dầu diesel 153,49 USD/thùng. Trong khi giá bình quân thành phẩm xăng dầu thế giới tại kỳ điều hành trước (ngày 4/5) lần lượt là 126,484 USD/thùng xăng E5 RON 92; 130,337 USD/thùng xăng RON 95 và 142,976 USD/thùng dầu diesel...
Doanh nghiệp dự báo kỳ điều hành ngày hôm nay, giá xăng dầu sẽ tăng mạnh khoảng 1.800-2.000 đồng/lít. Nếu cơ quan quản lý giảm trích lập hoặc tăng chi quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ít hơn nhưng vẫn ở mức cao, khoảng 1.500-1.600 đồng/lít đưa mặt hàng này tiếp tục tiến sát mốc 30.000 đồng/lít, thậm chí có thể vượt nếu nhà điều hành không can thiệp bằng các công cụ bình ổn giá.
Giá xăng dầu hôm nay 11/5: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 11/5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.468 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.434 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.530 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.828 đồng/lít và dầu mazut không quá 21.560 đồng/kg.
Giá xăng dầu nói trên đã được điều chỉnh tại tại kỳ điều hành giá chiều 4/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương với giá xăng được điều chỉnh tăng khoảng 300-400 đồng/lít; giá dầu tăng quanh mức 200 đồng/lít hoặc giữ nguyên.