Giá dầu bắt đầu tuần giao dịch với sắc đỏ do lo ngại triển vọng nhu cầu giảm cùng với khả năng tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Tuy nhiên, giá dầu sau đó đã nhanh chóng đảo chiều do lo ngại nguồn cung có thể bị hạn chế bởi lệnh cấm của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu thô Nga.
Nhưng sự phục hồi của giá dầu chưa được bao lâu thì nỗi lo cầu giảm bắt nguồn từ các biện pháp phong tỏa kéo dài để kiềm chế Covid-19 của Trung Quốc đã “lấn át” triển vọng của một lệnh cấm vận của châu Âu đối với dầu thô Nga, đẩy giá dầu lao dốc hơn 2%.
Song trong phiên giao dịch ngày 4/5, giá dầu lại tăng tới hơn 5 USD khi EU đưa ra kế hoạch loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu của Nga. Giá dầu thô Brent giao sau đã vượt 110 USD/thùng, dầu thô WTI chạm 107,81 USD/thùng.
Nỗi lo thiếu hụt nguồn cung tiếp tục đeo đẳng giá dầu, đẩy giá mặt hàng này leo dốc vào những phiên giao dịch cuối cùng của tuần.
Chốt phiên giao dịch của tuần, giá dầu Brent đứng ở mức 112,4 USD/thùng, giá dầu thô WTI là 109,8 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng gần 4% còn giá dầu WTI đã tăng khoảng 5%.
Sau một thời gian dài “mắc kẹt” trong xu hướng đi ngang, thị trường dầu dường như đã sẵn sàng để bứt phá và quay trở lại đà tăng, đặc biệt do Liên minh châu Âu EU đã thảo luận về lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga và kết quả cuộc họp tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã rõ.
Lo ngại về thiếu hụt nguồn cung là yếu tố lớn nhất khiến cho giá dầu thế giới WTI tăng liên tục trong 5 tháng. Tuy vậy, kể từ khi Nga bắt đầu tấn công Ukraine vào 24/02, các dự báo về nguồn cung thực tế trên thị trường chênh lệch rất nhiều, với các ước đoán số liệu sụt giảm nguồn cung dầu của Nga dao động từ 1 đến 3 triệu thùng/ngày.
Một mặt, sản lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga trong tháng 4 vẫn cao hơn so với đầu năm, đặc biệt khi Nga đang đẩy mạnh bán hàng cho các khách hàng châu Á như Ấn Độ và Trung Quốc. Các nước này đang được hưởng lợi từ giá dầu của Nga đang được bán chiết khấu khoảng 30 USD/thùng so với giá dầu tiêu chuẩn Brent.
Mới đây, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đang thương thảo hợp đồng 6 tháng để nhập khẩu thêm hàng triệu thùng dầu từ Nga. Công ty dầu quốc gia Indian Oil Corp được cho là đang đề nghị nhập khẩu 6 triệu thùng dầu mỗi tháng, cộng thêm quyền để mua thêm 3 triệu thùng nữa. Điều này phần nào giảm bớt áp lực cho Nga dù họ có nguy cơ đánh mất khách hàng quan trọng.
Theo thông báo của Chủ tịch Ủy ban châu Âu, khối EU đang đề xuất lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga, bao gồm cả dầu vận chuyển qua đường ống và tàu chở dầu, dầu thô và các sản phẩm lọc dầu.
Lệnh cấm này được dự kiến sẽ thiết lập trong gói trừng phạt thứ 6, nhằm cắt giảm nguồn thu nhập của Nga, hơn 10 tuần kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine. Theo dự kiến, lệnh cấm sẽ giảm nguồn thu nhập chính từ năng lượng của Nga, sau khi EU đã thiết lập lệnh cấm nhập khẩu than từ tháng trước.
Hiện nay, khoảng 2,4 triệu thùng dầu mỗi ngày từ Nga vẫn đang được chuyển sang cho châu Âu. Mặc dù theo kế hoạch, châu Âu sẽ có ít nhất 6 tháng để chuẩn bị, tuy nhiên việc cắt bỏ nhà cung cấp 40% lượng dầu hàng năm chắc chắn sẽ tạo ra sự thiếu hụt lớn cho các thành viên trong khối. Hungary đã cho biết, nước này có thể sẽ phải mở dầu từ kho dự trữ, hoặc gia tăng thu mua trên thị trường quốc tế để thay thế dầu của Nga.
Theo ước tính của công ty nghiên cứu Kpler, từ khi các công ty năng lượng tiến hành “tự cấm vận” dầu từ Nga, sản lượng dầu của Nga đã giảm khoảng 1 triệu thùng/ngày. Lệnh cấm chính thức một khi được thông qua nhiều khả năng sẽ làm cho sản lượng dầu của Nga giảm tiếp 1 triệu thùng/ngày nữa, nâng tổng thiếu hụt lên mức 2 triệu thùng/ngày.
Cuộc họp chính sách tháng 5 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed đã kết thúc với kết quả là lần tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đầu tiên kể từ năm 2000. Đây được xem là hành động quyết liệt nhất từ trước tới giờ của Chủ tịch Fed Jerome Powell nhằm kiểm soát lạm phát, hiện đã ở mức cao nhất trong vòng 40 năm.
Cuộc họp của Fed kết thúc mà không có nhiều sự bất ngờ, với mức tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản đúng như kỳ vọng của thị trường. Thêm vào đó, phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ không thiên về việc tăng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản trong các cuộc họp tiếp theo. Điều này làm giảm sự lo ngại về việc Fed quá mạnh tay thắt chặt cung tiền. Các nhà đầu tư dần giảm bớt nắm giữ tiền mặt và khiến cho dòng vốn chuyển dịch trở lại các thị trường tài chính.
Bên cạnh đó, về vấn đề thắt chặt bảng cân đối kế toán hiện đang ở mức kỷ lục gần 9.000 tỷ USD, Fed quyết định sẽ cắt giảm vị thế nắm giữ số trái phiếu trị giá 47,5 tỷ USD từ tháng 6 cho đến tháng 9, sau đó tăng dần lên 95 tỷ USD mỗi tháng. Như vậy, với tiến độ dự kiến hiện tại, nguồn cung tiền của thị trường sẽ giảm khoảng 500 tỷ USD, thấp hơn so với một số dự báo về con số gần 1.000 tỷ USD trên thị trường trước đấy.
Như vậy, với các ẩn số trên thị trường tài chính nói chung và thị trường dầu nói riêng phần nào đã được làm rõ, giá dầu nhiều khả năng sẽ sớm thiết lập xu hướng tăng mới.
Giá xăng dầu hôm nay 8/5: Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 8/5 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 27.468 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 28.434 đồng/lít; dầu diesel không quá 25.530 đồng/lít; dầu hỏa không quá 23.828 đồng/lít và dầu mazut không quá 21.560 đồng/kg.
Giá xăng dầu nói trên đã được điều chỉnh tại tại kỳ điều hành giá chiều 4/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương với giá xăng được điều chỉnh tăng khoảng 300-400 đồng/lít; giá dầu tăng quanh mức 200 đồng/lít hoặc giữ nguyên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.