Dân Việt

Nuôi tôm mới thả giống chưa được một tháng đã chết la liệt, nông dân Khánh Hòa lỗ nặng

Hữu Long 15/05/2022 19:14 GMT+7
Trong những ngày qua thời tiết trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có nhiều yếu tố bất thường. Đây được xem là nguyên nhân khiến tôm mới thả của người dân chết la liệt.

Người nuôi tôm lao đao

Những ngày qua, tại vùng vùng nuôi tôm thẻ chân trắng ở thôn Tam Ích, xã Ninh Lộc, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) xuất hiện tình trạng tôm mới thả chết la liệt. 

Ông Nguyễn Chiến, một hộ nuôi ở thôn Tam Ích cho biết, các ao của gia đình ông đã thả vụ 2 gần 20 ngày. Vụ đầu tiên trong năm, toàn bộ tôm thả giống chết sạch.

Tương tự tại thôn Ninh Đức, nhiều vựa ao nuôi tôm đã tháo cạn nước vì tôm thả nuôi chết la liệt. Ông Bảy Thành, người dân thôn Ninh Đức kể, hầu hết người nuôi nơi đây đều thiệt hại do tôm chết bất thường.

“Gia đình tôi có 2 ao nuôi với diện tích 1ha. Vụ đầu tôi thả thưa, khoảng 20 vạn giống/ao (5.000m2) nhưng nuôi mới 27 ngày tôm đã bị đỏ thân, chết hàng loạt, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Vụ tôm năm nay coi như gia đình tôi thua lỗ nặng nề” – ông Bảy Thành cho biết.

Nhiều người nuôi tôm lâu năm ở thôn Ninh Đức nhận định, thời tiết trong những tháng qua biến động phức tạp. Nếu như mọi năm, thời tiết khá ôn hòa thì năm nay, mưa gió liên tục bất thường khiến môi trường nước hồ nuôi tôm thay đổi nhanh chóng.

“Nhiệt độ ban ngày và đêm khuya chênh lệch lớn khiến tôm suy yếu hệ miễn dịch, nhiễm bệnh rồi chết” – ông Luân, người nuôi tôm lâu năm chia sẻ.

Nuôi tôm mới thả giống chưa được một tháng đã chết la liệt, nông dân Khánh Hòa lỗ nặng - Ảnh 2.

Nhiều ao nuôi ở thôn Ninh Đức, xã Ninh Lộc, TX Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã bị thiệt hại, tháo cạn nước.

Không chỉ vùng nuôi tôm trên ao đất mà vùng nuôi tôm trải bạt, nhiều hộ nuôi cũng bị thiệt hại vụ đầu do thời tiết mưa gió bất thường.

Bên cạnh mối lo về thời tiết, hiện người nuôi tôm ở xã Ninh Lộc và Ninh Ích đều thả giống trôi nổi trên thị trường với giá rẻ, chỉ 200 - 300 ngàn đồng/vạn con giống, thấp so với mức giá khoảng 1 triệu đồng/vạn con của các giống tôm có thương hiệu.

Việc lựa chọn con giống trôi nổi trên thị trường rất dễ gặp rủi ro trong quá trình nuôi tôm…

Ông Trần Văn Gần, một hộ nuôi tôm ở khu vực Tuần Lễ, xã Vạn Thọ (Vạn Ninh) cho biết, vụ đầu khoảng 60 - 70% diện tích thả nuôi ở khu vực thôn Tuần Lễ bị thiệt hại nên đành xả ao sớm.

Trong khi đó, số diện tích tôm nuôi chưa dính bệnh thì phát triển èo uột, chậm lớn. Riêng gia đình ông Gần vụ một thả 50 vạn giống, sau 27 ngày nuôi thì tôm chết hàng loạt, thiệt hại trên 100 triệu đồng.

"Sau lần này chắc nông dân chúng tôi phải lựa chọn nhập tôm giống tại các cơ sở có uy tín để hạn chế rủi ro" - ông Gần chia sẻ.

Cần thay đổi để tồn tại

Ông Trần Quang Khánh - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vạn Thọ xác nhận, đối với diện tích đã thả tôm vụ một, thời gian qua rất nhiều hộ bị thiệt hại bởi thời tiết phức tạp, xuất hiện mưa lớn, gió trái mùa và con giống thả nuôi chất lượng kém.

Theo Phòng Nuôi trồng thủy sản thuộc Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, hiện thời tiết thời gian qua bất lợi cho thả tôm nước lợ. Nhiều diện tích thả tôm vụ đầu bị sốc nhiệt, giảm sức đề kháng, phát sinh dịch bệnh gây thiệt hại.

Do đó để tăng cường quản lý nuôi tôm nước lợ, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã có văn bản đề nghị các địa phương tổ chức thực hiện, hướng dẫn người nuôi cần theo dõi thường xuyên hơn tình hình thời tiết, yếu tố môi trường nước ao nuôi trong giai đoạn chuyển mùa như pH, độ mặn, DO, nhiệt độ, màu tảo... để có các biện pháp xử lý kịp thời, tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi.

Cùng với đó, bám sát khung thời vụ thả giống, tuân thủ các quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất, nuôi trồng thuỷ sản của các cơ quan chức năng tại địa phương. 

Chuẩn bị ao thật kỹ (bờ, cống ao, bạt lót...) nhằm tránh thất thoát nước; đảm bảo vệ sinh, sát trùng ao, dụng cụ sử dụng; dùng các dụng cụ (ca, xô, chậu, vợt...) riêng cho từng ao, tránh lây nhiễm chéo trong các ao nuôi.

Lựa chọn con giống khoẻ mạnh, đảm bảo chất lượng và được kiểm dịch các bệnh nguy hiểm như EHP, WSSV, AHPND.