Anh Trần Văn Đức (Công ty cổ phần đèn Yến Linh, Hà Nội) đặt câu hỏi như sau: "Tôi ký kết Hợp đồng lao động 24 tháng với doanh nghiệp. Khi muốn xin nghỉ việc tôi làm đơn gửi nên Trưởng phòng nhân sự và được Trưởng phòng nhân sự đồng ý cho tôi nghỉ việc.
Một tuần sau đó, Giám đốc gọi tôi đến nói rằng Trưởng phòng nhân sự không có quyền cho tôi nghỉ việc và đề nghị tôi phải bồi thường. Tôi xin hỏi việc Giám đốc Công ty yêu cầu tôi bồi thường như vậy là đúng hay sai?
Luật sư Phạm Thanh Phương - Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN cho rằng thực tế trong quá trình tư vấn luật, bà cũng từng gặp nhiều trường hợp như của anh Trần Văn Đức. Vì thiếu kiến thức pháp luật, nhiều lao động đã bị công ty kiện ngược, hoặc phải bồi thường cho công ty.
Cụ thể, với trường hợp của anh Đức, luật sư Phạm Thanh Phương cho rằng anh Đức nên xem lại văn bản ký kết hợp đồng lao động của anh và công ty.
Anh Đức có thể kiểm tra xem người đứng ra ký kết hợp đồng lao động với anh là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp (là giám đốc, hoặc người được giám đốc ủy quyền có thể là Phó giám đốc hoặc ai đó) cụ thể là ai. Chỉ người ký hợp đồng mới có quyền đồng ý cho anh nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động.
Cho nên, nếu Trưởng phòng nhân sự là người được Giám đốc ủy quyền ký kết hợp đồng lao động với anh thì anh nghỉ việc là đúng nhưng nếu Trưởng phòng nhân sự không được Giám đốc ủy quyền thì anh Đức đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sai quy định và phải bồi thường thiệt hại gây ra do nghỉ việc, nếu có.
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, xin nghỉ việc theo Điều 35 Bộ Luật Lao động 2019 nhưng phải đảm bảo điều kiện là:
Lao động nghỉ việc phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
Lao động nghỉ việc phải báo trước ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 đến 36 tháng;
Hoặc nghỉ việc nhưng lao động phải báo trước ít nhất 3 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng. Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nghỉ việc không cần báo trước trong trường hợp sau:
Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp bất khả kháng do hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng bởi thiên tai, địch họa…;
Lao động không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định trong luật về cơ chế thỏa thuận khi trả lương;
Lao động bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Ngoài ra lao động nữ mang thai cũng được đơn phương nghỉ việc khi gặp vấn đề về sức khỏe, có xác nhận của cơ sở y tế. Hoặc lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định của luật với một số ngành nghề độc hại trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 điều 16 Bộ luật lao động về công việc lao động được làm, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.