Nghỉ việc vì dịch, nhiều lao động chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện

Tạ Nguyệt Thứ sáu, ngày 17/09/2021 05:56 AM (GMT+7)
Dịch Covid-19 phức tạp khiến không ít lao động phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động. Nhiều người đã chuyển sang đóng BHXH tự nguyện để duy trì "của để dành" cho mình.
Bình luận 0

Giữ BHXH tự nguyện là giữ "của để dành"

Chị Nguyễn Thị Ngọc (trú tại Yên Sở, Hoàng Mai) sau khi nghỉ việc ở công ty đã tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng hơn 900.000 đồng/tháng. Chị lựa chọn hình thức đóng 3 tháng 1 lần, chuyển khoản cho đại lý thu.

Chị Ngọc cho biết, trước kia chị làm kế toán trong doanh nghiệp, dịch Covid-19 kéo dài nên doanh nghiệp phá sản, chị cũng nghỉ việc. Khi làm hồ sơ hưởng BH thất nghiệp, chị được cán bộ BHXH tư vấn tham gia BHXH tự nguyện. Nhận thấy những lợi ích lâu dài khi đóng tiếp BHXH nên chị đã quyết định tham gia.

BHXH tự nguyện - Ảnh 1.

Nhân viên đại lý thu UBND xã Bột Xuyên hướng dẫn chị Gấm tìm hiểu về BHXH tự nguyện. Ảnh BHXH Hà Nội

“Mức đóng BHXH tự nguyện hàng tháng không lớn, hình thức đóng thuận tiện, tôi dự định sẽ đóng đến khi nào tìm được việc mới, lúc đó tôi được cộng nối luôn thời gian đóng BHXH mà không bị ngắt quãng”- chị Ngọc cho biết.

Còn anh Lê Văn Kiên làm lái xe đường dài ở Hoàng Mai cũng tham gia BHXH tự nguyện được 2 tháng với mức đóng 754.000 đồng/tháng. Sau khi được cán bộ BHXH tư vấn về những lợi ích của BHXH tự nguyện, anh còn vận động bạn của anh từ bỏ ý định rút BHXH một lần để tham gia BHXH tự nguyện.

Còn chị Lê Thị Hồng Gấm trước đây là một cán bộ chuyên trách xã Bột Xuyên (huyện Mỹ Đức). Tuy nhiên đến tháng 5/2021, chị thôi giữ chức vụ nên không còn thuộc diện được ngân sách nhà nước đóng BHXH bắt buộc nữa. 

"Tuy thời gian tham gia BHXH mới từ năm 2016 nhưng tôi nhận thức được sự ưu việt của chính sách BHXH của Nhà nước, tham gia để sau này được hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động, có thẻ BHYT miễn phí để được chăm sóc sức khỏe lúc tuổi già", chị Gấm chia sẻ. 

Do đó, chị đã nhanh chóng liên hệ với nhân viên đại lý thu xã Bột Xuyên để làm thủ tục tham gia BHXH tự nguyện. Sau khi tham gia BHXH tự nguyện, chị Gấm cũng tích cực chia sẻ lợi ích mà BHXH tự nguyện đến người thân, bạn bè, bà con lối xóm để mọi người cũng biết và tham gia. 

Nắm chắc danh sách lao động nghỉ việc để vận động tham gia BHXH tự nguyện

Từ đầu năm đến nay, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến hàng ngàn lao động trên địa bàn Hà Nội phải ngừng việc, nghỉ việc. Sau khi được vận động, nhiều lao động trên địa bàn TP Hà Nội sau khi nghỉ việc ở công ty đã nhanh chóng tham gia BHXH tự nguyện với mong muốn đảm bảo lợi ích lâu dài.

BHXH TP Hà Nội cũng cho biết, từ đầu năm 2021, BHXH TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp nhằm tăng số lượng người tham gia BHXH tự nguyện. Dù dịch bệnh phức tạp nhưng số người tham gia BHXH vẫn gia tăng.

Tính đến hết tháng 8/2021, toàn TP đã có 51.952 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 8.616 người so với cùng kỳ năm 2020.

BHXH tự nguyện - Ảnh 2.

Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện theo nhóm nhỏ tại huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh BHXH Hà Nội

Trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, đồng thời không thể tổ chức lễ ra quân tuyên truyền về phát triển BHXH tự nguyện, BHXH TP Hà Nội đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp. 

Tại những vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện gọi điện thoại tư vấn tới những người dân chưa thực hiện tái tục BHXH tự nguyện, chưa gia hạn thẻ BHYT hộ gia đình, đồng thời hướng dẫn người dân nộp tiền thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ trực tuyến Ebanking của các ngân hàng... 

Đối với những vùng thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-Ttg của Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện tiếp tục gọi điện, nhắn tin cho người dân, đồng thời tổ chức hội nghị khách hàng theo nhóm nhỏ, hoặc tư vấn 1-1 đảm bảo quy định về số người của chính quyền địa phương; Lựa chọn khách mời để tuyên truyền, vận động, rà từng người tại các xã thực hiện mô hình thí điểm về phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để vận động người dân tham gia.

Tại một số nơi, các đơn vị BHXH lập danh sách báo giảm lao động chấm dứt hợp đồng. 

Sau khi chốt sổ BHXH cho người lao động, cán bộ BHXH sẽ kẹp trả cùng tờ gấp và phiếu hướng dẫn tham gia BHXH tự nguyện cùng sổ BHXH (đã chốt), đồng thời điện thoại trực tiếp cho người lao động tuyên truyền, vận động, hướng dẫn cụ thể đăng ký mức đóng, phương thức đóng và quyền lợi được hưởng khi tham gia BHXH tự nguyện.

Đối với các trường hợp không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp, cán bộ BHXH sẽ hướng dẫn, vận động tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để thẻ BHYT không bị gián đoạn.... 

Nhờ những sáng kiến "nắm chặt" danh sách người nghỉ việc, chốt sổ BHXH bắt buộc để tuyên truyền, BHXH cơ sở tại Hà Nội đã vận động được nhiều người lao động nghỉ việc tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện, đảm bảo quyền lợi cho họ. 



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem