Dân Việt

Italy đã mua gấp 4 lần lượng dầu từ Nga kể từ đầu chiến sự Ukraine

Lê Phương (Express) 21/05/2022 15:30 GMT+7
Italy đã mua lượng dầu nhiều hơn gấp 4 lần từ Nga kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine bắt đầu, bất chấp những nỗ lực cấm vận của Liên minh châu Âu (EU).
Italy đã mua gấp 4 lần lượng dầu từ Nga kể từ đầu chiến sự Ukraine - Ảnh 1.

Thủ tướng Italy Mario Draghi. Ảnh: Getty

Riêng trong tháng 5/2022, Italy nhập 450.000 thùng dầu thô của Nga mỗi ngày. Theo Kpler, một công ty dữ liệu hàng hóa, con số này cao gấp 4 lần so với mức mà Rome mua từ Moscow trong tháng 2, khi Nga lần đầu tiên tấn công Ukraine. 

Theo báo cáo mới, Italy trở thành nước EU nhập khẩu dầu thô theo đường biển nhiều nhất từ Nga.

Một nhà ngoại giao của EU nói với The Times: "'Lục địa đang bị chia rẽ. Ba Lan và các nước Baltic  muốn có nhiều biện pháp trừng phạt hơn đối với Nga. Trong khi Đức, Italy, Hungary, Bulgaria lại ưu tiên lợi ích kinh tế của riêng họ".

Sau khi đạt được thỏa thuận khí đốt với Algeria, Thủ tướng Italy Mario Draghi dường như tỏ ra thoải mái hơn với các kế hoạch trừng phạt của EU.

Giờ đây, nước này đang ủng hộ lệnh cấm vận do EU đề xuất, bao gồm việc cấm tất cả dầu của Nga ở châu Âu vào cuối năm nay.

Năm 2021, EU đã nhập khẩu 48,5 tỷ euro dầu thô và 22,5 tỷ euro dầu mỏ không phải dầu thô từ Nga.

Các kế hoạch cấm vận đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ Hungary, Budapest yêu cầu hỗ trợ tài chính để có thể đối phó với lệnh cấm.

Để thông qua lệnh trừng phạt, cần tất cả 27 quốc gia trong liên minh đồng ý. Chính vì vậy, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen đã đề xuất bơm 2 tỷ euro cho cơ sở hạ tầng dầu mỏ để thuyết phục Tổng thống Hungary Viktor Orban. Điều này sẽ giúp các quốc gia Đông Âu không giáp biển như Hungary giảm bớt sự phụ thuộc vào dầu thô của Nga.

Italy cũng tỏ ra lo lắng trước áp lực của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Một trong những công ty khí đốt hàng đầu của nước này đã đồng ý trả tiền khí đốt cho Nga bằng đồng rúp. Cụ thể, công ty năng lượng Eni thông báo sẽ mở một tài khoản bằng đồng rúp tại ngân hàng Gazprombank của Moscow.

Tổng thống Putin từng cảnh báo các nước "không thân thiện" sẽ phải mua khí đốt của Nga bằng đồng rúp trước ngày 31/3, nếu không muốn đối mặt với việc cắt giảm nguồn cung. Ông nói rõ rằng để làm được như vậy, các quốc gia châu Âu phải mở tài khoản bằng đồng rúp trong các ngân hàng của Nga. Bằng không, Moscow sẽ xé bỏ các hợp đồng khí đốt của mình.

Công ty Eni dường như đã đáp ứng yêu cầu, mặc dù lo ngại rằng điều này có thể làm suy yếu các lệnh trừng phạt của phương Tây.