Dân Việt

Ban hành lương tối thiểu vùng theo giờ: "Dù muộn vẫn phải làm"

Thùy Anh 23/05/2022 06:14 GMT+7
"Lương tối thiểu vùng theo giờ là nền tảng để trả lương theo tháng. Việt Nam đang làm ngược lại với thế giới, vì thế dù muộn, nhưng cũng phải thay đổi cách tính lương cho phù hợp với xu hướng thế giới".

Đây là quan điểm của bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động chia sẻ với PV Báo Dân việt khi bàn về vấn đề “có nên ban hành mức lương tối thiểu vùng theo giờ?”.

"Lương tối thiểu nên được chọn là nền tảng để tính lương"

Sau 2 năm kinh tế - xã hội bị đình trệ vì dịch bệnh Covid-19, nhiều đời sống người lao động gặp khá nhiều khó khăn, nhất là lao động tự do, lao động không có hợp đồng. Trong khi đó, mức lương tối thiểu tháng do Chính phủ quy định hiện chủ yếu áp dụng cho người lao động làm những công việc có tính chất ổn định trong khu vực chính thức.

Đối với người lao động làm những công việc có tính chất linh hoạt, làm việc không trọn thời gian cho các hộ gia đình, các cơ cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê...) thì việc tính tiền lương gặp nhiều khó khăn, không có căn cứ.

lương tối thiểu vùng theo giờ

Lương tối thiểu vùng theo giờ sẽ là nền tẳng trong việc tính lương theo giờ, theo tháng cho lao động. Ảnh: NT

Do đó, bên cạnh mức lương tối thiểu tháng, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu giờ để mở rộng độ bao phủ và tăng tính bảo vệ của tiền lương tối thiểu đối với các nhóm lao động làm những công việc linh hoạt, bán thời gian theo quy định của Bộ luật Lao động.

Để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTBXH đã trình Chính phủ đề xuất ban hành Dự thảo Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động.

Bình luận về thông tin này ông Nguyễn Minh Huân - Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐTBXH, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia cho biết bối cảnh lịch sử trước đây mới chỉ đề cập tới lương tối thiểu theo tháng cho lao động trong khu vực có quan hệ lao động chính thức (có hợp đồng - PV).

"Tôi cho rằng việc lấy lương tối thiểu vùng theo giờ làm nền tảng, là căn cứ để tính lương cho lao động là phù hợp. Nhưng không nên tính theo cánh lấy lương tối thiểu tháng chia ra để tính lương tối thiểu giờ. Cách này không ổn", ông Huân nói.

Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Huân cho rằng, đặt ra vấn đề này giờ là "chưa chín", bên cạnh đó cơ quan quản lý cũng không cần vội vàng, cần nghiên cứu, tính toán kỹ.

Không nên lấy lương tối thiểu tháng làm căn cứ tính lương tối thiểu vùng theo giờ

Bàn về vấn đề tiền lương tối thiểu vùng theo giờ, bà Nguyễn Thị Lan Hương cho rằng, nên ban hành bởi tiền lương tối thiểu vùng theo giờ sẽ đảm bảo cho việc quản lý công việc, lao động một cách linh hoạt. Áp dụng tính lương tối thiểu vùng theo giờ cũng giúp loại bỏ công tác quản lý trong quan hệ lao động, tạo động lực cho tăng năng năng suất, phát triển.

"Dần dần lương tối thiểu vùng theo giờ sẽ thay đổi lương tối thiểu vùng theo tháng. Đưa đề xuất mức lương cụ thể là một bước đơn giản để chính thức hóa, đưa lương tối thiểu vùng theo giờ lên làm nền tảng tính lương hiện hành", bà Hương nói.

Theo bà Hương, hiện nay lương tối thiểu vùng theo giờ đang được tính bằng cách lấy lương tháng chia cho số giờ làm việc trong ngày trong tháng. Tuy nhiên, theo bà hương phương pháp tính này chưa phù hợp. Lương tối thiểu vùng theo giờ còn phải được tính toán dựa trên nhiều căn cứ, cơ sở khoa học khác như: Mức sống tối thiểu, GDP...

Dự thảo Nghị định mà Bộ LĐTBXH đang trình Chính phủ đưa ra quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.

Việc Việt Nam áp dụng cách tính này là chưa phù hợp, vì thông thường lương tối thiểu giờ bao giờ cũng phải cao hơn lương tối thiểu theo tháng. Các quốc gia trên thế giới lấy lương tối thiểu vùng theo giờ để tính mức lương tối thiểu vùng theo tháng, còn Việt Nam đang làm ngược.

"Lao động làm doanh nghiệp ngoài nhận lương tối thiểu vùng theo tháng, còn trả thêm nhiều khoản chi phí phát sinh, như trợ cấp ăn trưa, tiền hỗ trợ đóng BHXH; BHYT... còn với lao động nhận lương theo giờ thì không có. Vì vậy khi tính mức sàn tiền lương tối thiểu vùng cần tính toán thêm cả các khoản này vào", bà Hương kiến nghị.

Theo ý kiến của bà Hương để đảm bảo công bằng, khi tính trả lương theo giờ cần phải nhân thêm 'hệ số K' để đảm bảo cho lao động có thể đóng BHXH, mua BHYT; chi phí đào tạo nghề... và các chi phí phát sinh cho lao động. Theo bà Hương nên tăng thêm 1,3-1,5 lần so với mức lương tối thiểu vùng theo tháng, sau đó mới chia đều cho số giờ làm việc trong ngày làm việc, trong tháng để ra được mức lương tối thiểu vùng theo giờ.

Lương cho lao động tự do: "Mạnh ai nấy tính"

Đó là câu chuyện có thật hiện nay, khi mà có những lao động tự do nhận mức lương "chết đói", nhưng cũng có những lao động tự do lại hét mức lương trên trời.

Như hiện nay, cũng là lao động giúp việc nhưng lao động giúp việc theo giờ tại các trung tâm thì nhận về mức lương "chết đói" trong khi đó, các trung tâm thu giá dịch vụ của khách hàng cao ngất.

Ví dụ, giá giúp việc nhà theo giờ 35.000 đến 55.000 đồng /1 giờ; Chăm em bé theo giờ 40.000 đến 50.000 đồng/1 giờ; Chăm sóc ông bà già theo giờ tại nhà 40.000đ đến 55.000 đồng/1 giờ; Rửa bát quán cơm 30.000 đến 40.000 đồng/1 giờ; Tạp vụ văn phòng, vệ sinh dọn dẹp, trông coi văn phòng 30.000 đến 40.000 đồng/1 giờ... nhưng thực tế số tiền lương theo giờ lao động được nhận chỉ từ 15.000 - 20.000 đồng/ giờ...

Nếu nhìn vào bảng tiền công này mà các đơn vị dịch vụ giúp việc gửi khách hàng thì sẽ thấy mức tiền dịch vụ rất cao, nhưng thực tế số tiền lao động giúp việc đi làm cho trung tâm nhận được chỉ bằng 1 nửa số tiền trên. Có sự bất cập này là bởi chưa có sàn tiền lương tối thiểu vùng theo giờ, vì thế mạnh ai người ấy thỏa thuận.

lương tối thiểu vùng theo giờ

Vì không có sàn tiền lương tối thiểu theo giờ nên việc tính lương cho nhóm lao động tự do gặp nhiều khó khăn, mạnh ai người ấy trả. Ảnh: N.N

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, với lao động giúp việc nhà toàn thời gian, dù được nhận lương theo tháng, nhưng thực tế lao động có thể hét giá tiền lương trên trời. Lương của một lao động giúp việc có thâm niên 2-3 năm có thể từ 6-8 triệu đồng/người/tháng (mức trung bình cao hơn mức lương của một sinh viên đại học tốt nghiệp ra trường 2-3 năm).

Sự thiếu vắng sàn tiền lương tối thiểu theo giờ khiến cho việc quản lý tiền lương của lao động ngoài khu vực chính thức gặp nhiều khó khăn, tiềm ẩn bất công và mâu thuẫn tranh chấp trong việc tính toán tiền lương.

Do vậy, không chỉ người lao động mà nhiều người sử dụng lao động ở khu vực phi chính thức cũng rất mong chờ vào việc ban hành sàn tiền lương tối thiểu vùng.