Theo thống kê, trong gần 2 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng liên tiếp khoảng 13 - 14 lần, mỗi đợt tăng từ 200 - 350 đồng/kg.
Để giảm nhiệt đà tăng giá của mặt hàng này, cuối năm 2021, Chính phủ quyết định giảm thuế nhập khẩu một số nguyên liệu như lúa mỳ từ 3% xuống 0%, ngô từ 5% xuống 2% để hỗ trợ người chăn nuôi.
Giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, phần lớn những nông hộ nhỏ đã "treo" chuồng vì chi phí sản xuất tăng quá cao, trong khi giá heo hơi, giá gia cầm thời gian qua vẫn thấp.
Ngay cả những trang trại, hợp tác xã chăn nuôi lớn cũng phải giảm đàn. Như ông Nguyễn Văn Thanh, một người chăn nuôi đến từ xã Vạn Thái, Ứng Hòa (Hà Nội) từ chỗ "sở hữu" 3.000 con lợn nái, giờ cũng phải giảm quy mô xuống còn 1.500 con vì không chịu được "nhiệt" do giá cám tăng quá cao.
Tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam tại Sơn La ngày 29/5 vừa qua, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cũng nêu một thực tế, nông dân là đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất khi giá cả của nhiều vật tư đầu vào tăng phi mã.
Cụ thể giá phân bón có loại tăng 250%, giá thức ăn chăn nuôi cũng tăng, trong khi đó đầu ra nông sản gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Hơn lúc nào hết, nông dân cần được hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ nông sản.
Trong khi đó, hiện nay, nguồn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn phụ thuộc rất lớn vào nhập khẩu. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt gần 18,1 tỷ USD, trong đó nhóm đầu vào sản xuất ước gần 3,2 tỷ USD, tăng 5,6%. Brazil là thị trường xuất khẩu nông sản sang Việt Nam lớn thứ 2, sau Campuchia. Hiện, Brazil chủ yếu xuất khẩu sang Việt Nam nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương,...
Đem câu chuyện từ chính trang trại của mình đối thoại với Thủ tướng tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân Việt Nam lần thứ tư, ông Nguyễn Văn Thanh, Giám đốc Hợp tác xã Hòa Mỹ (Ứng Hoà, Hà Nội) với quy mô 3.000 lợn nái, 1.700 lợn thương phẩm/lứa, đạt doanh thu hơn 10 tỷ đồng/năm trăn trở: “Chính phủ sẽ có chính sách, biện pháp gì để bình ổn giá vật tư đầu vào, tiếp sức, hỗ trợ nông dân?”.
Theo sự điều hành của Thủ tướng, trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ: giá cả các mặt hàng tăng cao thời gian qua, trong đó có vật tư nông nghiệp là vấn đề toàn cầu liên quan tới đứt gãy chuỗi cung.
Chính phủ, các bộ ngành đã nỗ lực kiểm soát tình hình, hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu, vật tư có tính chất chiến lược; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường đảm bảo không bị ách tắc, ép giá; nghiên cứu chính sách điều chỉnh thuế, phí…
Thời gian tới, Bộ Công Thương và bộ ngành chức năng sẽ tiếp tục tham mưu cho Chính phủ các giải pháp để để sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào.
Cụ thể, Bộ sẽ làm việc với các doanh nghiệp để có những giải pháp phù hợp cho cả đôi bên người bán – người mua. Vật tư đầu vào chiếm 55% giá thành sản phẩm nên nếu tính toán tỉ mỉ hoàn toàn có thể giảm giá thành các nguyên liệu. Đây cũng chính là cách các doanh nghiệp chia sẻ lợi ích với người nông dân, chia sẻ với Chính phủ.
“Nếu giá cả tiếp tục leo thang, Bộ NNPTNT và Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét trợ giá với một số vật tư thiết yếu để hỗ trợ người nông dân trong giai đoạn hiện nay”, ông Nguyễn Hồng Diên nói.
Tham gia trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tập trung nhấn mạnh vào giải pháp chủ động tiết giảm chi phí đầu vào.
“Tôi có đi thị sát các mô hình ở nhiều địa phương, nông dân đã biết cách giảm chi phí đầu vào bằng cách lựa chọn các mô hình kinh tế tuần hoàn, tận dụng các phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Cách làm này đã giúp nông dân giảm đáng kể tiền mua phân bón, mua vật tư nông nghiệp", người đứng đầu ngành nông nghiệp nói.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho rằng, Việt Nam cần tự chủ dần một số nguyên liệu trong sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản, đặc biệt là những nguyên liệu đang phải nhập khẩu với số lượng lớn từ nước ngoài.
Nhắc tới vấn đề Việt Nam nhập khẩu nhiều nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như ngô, đậu tương, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, vấn đề quan trọng là phải quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu. Các bộ ngành phải nghiên cứu tìm giải pháp, điều chỉnh chính sách để phát triển vùng nguyên liệu ngô, đậu tương, liên kết trồng ngô, đậu tương, từ đó giảm phụ thuộc vào nhập khẩu.
“Chúng ta cùng nhận thức vấn đề, đưa ra giải pháp và hành động để giảm phụ thuộc nguyên liệu đầu vào cho sản xuất nông nghiệp. Đây là quyết tâm rất cao của Đảng và Nhà nước”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.