Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
LTS. Để chuẩn bị cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Sơn La vào tháng 5/2022, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Công văn số 3824-CV/HNDTW ngày 25/3/2022 gửi các tỉnh, thành Hội về việc gửi kiến nghị, câu hỏi đến hội nghị.
Thực hiện công văn này, đã có gần 45 tỉnh, thành Hội đã gửi các đề xuất, kiến nghị tham gia Hội nghị đối thoại với trên 1.000 câu hỏi. Ngoài ra, còn có khoảng 100 câu hỏi từ bạn đọc, chuyên gia, doanh nghiệp, hợp tác xã.
Phần lớn các kiến nghị của nông dân đều là những vấn đề sát sườn, ảnh hưởng trực tiếp tới công việc sản xuất của bà con như: Giá vật tư đầu vào, phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao; việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn; khó tiếp cận vốn vay ưu đãi;...
Dân Việt sẽ đăng tải các kiến nghị này của nông dân, các cấp Hội, doanh nghiệp, hợp tác xã để góp thêm tiếng nói cho Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân tại Sơn La vào tháng 5 tới.
Trao đổi với Dân Việt, bà Quách Thị Hòa - Giám đốc HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng, xã Hương Nhượng, huyện Lạc Sơn (Hòa Bình) cho biết, khó khăn trong tiêu thụ vẫn chưa được tháo gỡ, người chăn nuôi của HTX nói riêng và trên địa bàn tỉnh nói chung tiếp tục phải chống đỡ với khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.
"Trong thời gian dài dịch Covid-19 khiến sản xuất bị đình trệ, việc tiêu thụ khó khăn khi các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi bị đứt gãy, người chăn nuôi bị thua lỗ. Thế nhưng, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục khiến người chăn nuôi đã ở thế khó lại càng thêm khó khăn hơn", bà Hòa nói.
Bà Hòa cho hay, từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 11 lần. Riêng trong tháng 2 và 3 lại tiếp tục tăng một lần nữa.
Do giá thức ăn chăn nuôi tăng "nóng" từng ngày nên thời điểm tháng 7/2021, nhiều thành viên của HTX chăn nuôi gà đồi Hương Nhượng đã buộc phải tạm dừng chăn nuôi vì giá bán giảm mạnh, đầu ra khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cùng với đó, do giá thức ăn chăn nuôi tăng "phi mã”.
Tại thời điểm đó, theo bà Hòa, trong gần 1 năm giá thức ăn chăn nuôi đã tăng đến 8 lần, mỗi bao cám loại 25kg tăng thêm gần 50.000 đồng. Với mức tăng như vậy, nếu nuôi gà thịt, người nuôi chịu lỗ khoảng 30.000 đồng/con gà.
Từ đó đến nay, sản xuất của HTX đã có khởi sắc hơn khi cả nước thực hiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh và chuỗi liên kết sản xuất được kết nối trở lại.
Trong dịp Tết Nguyên đán, giá bán gà ri và trứng tốt hơn so với trước nhưng hiện nay đã giảm nhẹ. Cụ thể, giá trứng gà 3.500 đồng/quả, giá gà ri 120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay, HTX chủ yếu nuôi gà đẻ trứng, ít hộ nuôi gà thịt vì giá thức ăn chăn nuôi vẫn tăng quá cao.
"Năm 2017 - 2018, giá cám loại 25kg là 270.000 đồng/bao. Với mức giá đó, người chăn nuôi lãi 40.000 - 50.000 đồng/con gà, thấp nhất cũng được 30.000 đồng. Hơn 1 năm trở lại đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục. Từ tháng 2 đến nay, tháng nào cũng tăng. Với giá cám tăng, người nuôi gà chỉ hòa vốn, thậm chí thua lỗ” - bà Hòa chia sẻ.
Cũng rơi vào tình cảnh "khốn đốn" vì giá thức ăn chăn nuôi tăng quá cao, anh Nguyễn Hữu Duy, ngụ xã Bình Giã, huyện Châu Đức (Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, trang trại của gia đình anh nuôi hơn 300 con lợn. Hiện nay, tuy giá lợn hơi có nhích nhẹ lên từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, song giá cám thì cứ trên đà tăng không có xu hướng giảm.
Trong khi đó, tiền chi phí mua con giống, tiền cám, tiền điện, nước, thuốc men, sát khuẩn gần 5-6 triệu đồng, người chăn nuôi lợn còn lời rất ít.
“Với đà thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng như hiện nay nguy cơ người chăn nuôi chúng tôi sẽ phải “treo” chuồng vì không theo nổi giá cám”, anh Duy chia sẻ thêm.
Thức dậy từ sớm, ông Chu Văn Úy, xã Thụy An, huyện Ba Vì (Hà Nội) đổ từng bao cám vào xô, rồi tra vào từng máng ăn cho đàn gà hơn 1.000 con. Ông bảo bảo: "Năm nay giá gà thịt rẻ quá, còn hơn 1.000 con trong chuồng mà thương lái cũng chẳng thèm đoái hoài, hỏi han mua bán gì cả. Trong khi giá cám thì quá cao buộc người chăn nuôi gà ở đây gần phải giảm đàn, treo chuồng".
"Tôi đã chăn nuôi gà cả chục năm nay nhưng chưa khi nào thấy giá thức ăn chăn nuôi lại tăng khủng khiếp như hiện nay. Vừa bán lứa gà trước Tết, tiền cầm chưa nóng tay đã phải mang đi trả nợ cho đại lý cám 950 triệu đồng", ông Úy thở dài.
Bà Hòa, anh Duy hay ông Úy cùng hàng nghìn hộ chăn nuôi khác đều đang đứng trước viễn cảnh thua lỗ, thậm chí treo chuồng, phá sản vì phải vay mượn ngân hàng để có vốn.
Nói với Dân Việt, họ mong muốn thông qua Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân được tổ chức vào tháng 5 tới, người đứng đầu Chính phủ và các Bộ, ngành sẽ có chính sách giúp bình ổn giá thức ăn chăn nuôi, để người dân "bớt khổ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.