Đây là ý kiến của ông Nguyễn Văn Bình - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ LĐTBXH) xung quanh nội dung trong Dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi công sở đang được 3 bên (Bộ LĐTBXH: Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)).
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Nguyễn Văn Bình cho biết, ông không hài lòng với việc một số báo thông tin về các nội dung trong bộ quy tắc, bởi vì thông tin chưa chính xác, chưa đầy đủ.
"Hành vi nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục không được xem là quấy rối tình dục nơi công sở. Chỉ khi các hành vi này khiến đồng nghiệp đó không đồng thuận (không thoải mái) thì mới được xem là hành vi quấy rối tình dục nơi công sở. Các báo mới chỉ đề cập tới 1 góc của vấn đề khiến dư luận hiểu sai câu chuyện", ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, đây là bộ quy tắc do 3 bên soạn thảo, được sự tham vấn của Tổ chức lao động quốc tế (ILO). Bộ Quy tắc được xây dựng dựa trên các nguyên tắc, quy chuẩn pháp luật của quốc tế cũng như các khuyến nghị của ILO về môi trường tại nơi làm việc.
"Dự kiến trong quý II hoặc quý III/ 2022, các bên sẽ tổ chức cuộc họp quan hệ lao động để thống nhất ban hành bộ quy tắc ứng xử này", ông Bình nói thêm.
Về chế tài xử lý, theo ông Bình, khi cán bộ, công nhân viên chức, người lao động vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định 12/2022 NĐ-CP về xử lý hành chính trong lĩnh vực lao động. Theo đó, tùy tính chất, mức độ có thể xử lý nhiều hình thức, tầng nấc khác nhau.
Đầu tiên, có thể xử lý theo vi phạm kỷ luật lao động như: Khiển trách, kỷ luật, sa thải. Sau đó có thể xem xét xử lý vi phạm hành chính, hoặc nghiêm trọng hơn có thể xử lý hình sự.
Điểm đáng chú ý trong bộ quy tắc này là ngoài các hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc bằng thể chất, thì còn có thể có các hành vi quấy rối tình dục bằng lời nói, hay bằng ngôn ngữ cơ thể như: Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục. Tuy nhiên, đây đều phải là những hành vi không được mong muốn, bị đồng nghiệp phản ứng.
Theo đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc là hành vi có tính chất tình dục của bất kỳ người nào với người khác tại nơi làm việc mà không được người đó mong muốn hoặc chấp nhận.
Hiện tại các bên đang hoàn thiện lấy ý kiến, dự kiến trong quý II hoặc quý III năm 2022, các bên sẽ ban hành Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi công sở
Các hành vi không được xem là quấy rối tại nơi làm việc, gồm: Những lời khen hoặc khích lệ thông thường được chấp nhận, hoặc phù hợp về văn hóa, đạo đức xã hội; hành vi giao cấu đồng thuận (trừ hành vi cấm như giao cấu với trẻ em), được bên kia tiếp nhận hay đáp ứng lại; những hành vi quấy rối tình dục nhưng không diễn ra tại nơi làm việc và không chịu điều chỉnh bởi pháp luật lao động mà chịu điều chỉnh bởi pháp luật khác.
“Nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay… tại nơi làm việc khiến người đối diện không chấp nhận được xếp là hành vi quấy rối tình dục”, ông Bình nói.
Quấy rối bằng hành vi mang tính thể chất gồm: Hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục, như cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp, hay hôn; tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm mà không được đồng thuận.
Quấy rối tình dục bằng lời nói, gồm: Lời nói trực tiếp, qua điện thoại, hoặc phương tiện điện tử có nội dung tính dục hoặc ngụ ý tình dục, có thể bao gồm những nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn; bằng những ngụ ý về tính dục như truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục, hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt hoặc hướng tới họ; những lời đề nghị, những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân, riêng tư một cách liên tục.
Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử, như nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, biểu hiện không đứng đắn, cử chỉ ngón tay… Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, các tin nhắn liên quan tới tình dục.
Bộ quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc được khuyến nghị áp dụng cho tất cả loại hình doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; dù sản xuất hay kinh doanh, dịch vụ; cả khu vực công và khu vực tư nhân; bất kể quy mô.
Bộ quy tắc trên yêu cầu người sử dụng lao động phải xây dựng và công bố các hành vi được xem là quấy rối tình dục bị nghiêm cấm tại nơi làm việc, đưa vào nội quy đơn vị; xây dựng và áp dụng các biện pháp để ngăn ngừa, phòng chống và xử lý.
Trao đổi với PV Báo Dân Việt, đại diện cán bộ truyền thông của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) cho rằng Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi công sở này không hoàn toàn mới. Trước đó, năm 2015, bộ quy tắc này đã được ban hành, tuy nhiên, để phù hợp với điều chỉnh trong Bộ luật lao động mới sửa đổi, đơn vị này đã tư vấn bổ sung, ban hành bộ quy tắc Bộ Quy tắc ứng xử về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc mới nhằm phù hợp với thực tiễn.