Nguy cơ nữ công nhân bị quấy rối tình dục trong đại dịch Covid-19

Thùy Anh Thứ sáu, ngày 10/12/2021 06:00 AM (GMT+7)
Trong đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển đổi sản xuất sang mô hình "3 tại chỗ". Bên cạnh sự khó khăn và bất tiện, nguy cơ lao động nữ bị quấy rối tình dục trong môi trường này là rất cao.
Bình luận 0

Nguy cơ xâm hại, quấy rối tình dục vẫn hiện hữu

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, dịch Covid-19 đã khiến 2 triệu công nhân ngành dệt may Việt Nam mất việc. Cùng với đó, hàng triệu người khác giảm việc hoặc bị buộc phải chuyển sang khu vực lao động phi chính thức do nhiều DN đã phải đóng. Việc làm thỏa đáng và các trụ cột về tạo việc làm, an sinh xã hội, quyền tại nơi làm việc và đối thoại xã hội đã trở thành những phần không thể thiếu của Chương trình nghị sự về Phát triển Bền vững 2030.

Trước đó, năm 2019, số liệu nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam cũng cho thấy, có tới 78% lao động nữ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Nhiều lao động nữ khác thì có nguy cơ và bị quấy rối tình dục trên đường đi làm về và trong khu nhà trọ. Tuy nhiên, số liệu về vấn đề này còn chưa cụ thể.

nữ công nhân

Ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội Quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh cho rằng, nguy cơ nữ công nhân bị quấy rối tình dục là rất cao trong đại dịch Covid-19. Ảnh: Ngọc Tú

Từ thực tế trên, tại Lễ phát động cuộc thi "Những cống hiến thầm lặng" năm 2021 do Báo Kinh tế và Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam tổ chức, ông Tạ Việt Anh - Chủ tịch Hội Quản lý Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam cho rằng cần phải có những giải pháp cụ thể đủ mạnh để bảo vệ lao động nữ.

Ông Tạ Việt Anh nói: "Mặc dù hiện nay Luật Lao động năm 2019 đã có nội dung về cấm hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, thế nhưng thực tế việc triển khai áp dụng luật trong thực tế còn hạn chế.

Vì vậy, theo ông, việc phát động những cuộc thi viết tôn vinh những cống hiến thầm lặng của lao động nữ là rất cần thiết. Điều này góp phần nâng cao sự quan tâm của dư luận về bảo vệ môi trường làm việc và việc làm thỏa đáng cho nữ công nhân trong đại dịch.

Cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng" năm 2021 bắt đầu từ ngày 9/12 đến hết ngày 28/12/2021. Ban tổ chức sẽ trao một giải nhất; 2 giải nhì; 3 giải ba và 10 giải khuyến khích. Ngoài ra sẽ có các giải thưởng phụ cho các tập thể; cá nhân các tác phẩm lọt vào vòng chung khảo.

"Đây cũng là một sự nỗ lực trong cuộc chiến phòng, chống quấy rối tình dục giữa đại dịch Covid-19 nhằm tôn vinh sự đóng góp quan trọng của những cống hiến thầm lặng nhằm mục tiêu bảo đảm sự an toàn và an ninh của cộng đồng. Đặc biệt là cho lao động nữ nhập cư trước nguy cơ quấy rối tình dục trong bối cảnh Covid-19 cũng như thúc đẩy quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản tình dục cho phụ nữ, thanh niên dân tộc thiểu số và nhóm yếu thế khác", ông Việt Anh nhấn mạnh một lần nữa.

Hỗ trợ ngăn ngừa quấy rối tình dục ở lao động nữ

Qua ghi nhận thực tế, ông Tạ Việt Anh cho biết, để đảm bảo sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã phải chuyển đổi sản xuất sang mô hình "3 tại chỗ". Tuy nhiên, các lao động, đặc biệt lao động nữ sống trong môi trường này gặp khá nhiều khó khăn, bất tiện. Nguy cơ phụ nữ và thanh niên bị quấy rối tình dục trong môi trường này là rất cao. Bên cạnh đó, các nhu cầu về chăm sóc sức khỏe sinh sản và tình dục cũng rất lớn.

Vấn đề sức khỏe nữ công nhân, lao động chưa được quan tâm - Ảnh 3.

Phát động cuộc thi viết "Những cống hiến thầm lặng" năm 2021. Ảnh: Ngọc Tú

Tuy vậy, thực tế một bộ phận các nhóm lao động yếu thế (trong đó có lao động nữ) gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe và tình dục, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa kết thúc.

Để hỗ trợ nữ công nhân tiếp cận với chính sách an sinh, ngoài việc mở rộng mạng lưới an sinh, thì theo ông Tô Quang Phán - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Hà Nội, báo chí cần phải tăng cường đưa tin, viết bài về các vấn đề này.

Ông Phán nói: "Trong đại dịch Covid-19, hệ thống báo chí đã thông tin nhiều vấn đề, tuy nhiên nhiều vấn đề liên quan tới công nhân, lao động, đặc biệt nữ công nhân như: Môi trường sống, làm việc; mức thu nhập; nhà ở và các vấn đề chăm sóc sức khỏe tình dục... còn chưa được quan tâm nhiều. Thời gian tới báo chí cần tăng cường hơn nữa các thông tin này", ông Phán gợi ý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem