Quấy rối tình dục học đường: Ám ảnh khi bị nói "chỗ này của cậu căng thế !"

Thứ ba, ngày 22/02/2022 09:45 AM (GMT+7)
Tôi từng là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục, khi còn là học sinh lớp 12. Không chỉ bình phẩm về ngoại hình, nhiều bạn nam trong lớp còn có hành vi đụng chạm vào lưng, tay, thậm chí là ngực tôi…"
Bình luận 0

Những ngày qua, dư luận, đặc biệt là cộng đồng học sinh, sinh viên trong và ngoài nước xôn xao trước thông tin cựu học sinh Trường Phổ thông Năng Khiếu (Đại học Quốc gia TP.HCM) là Ngô Hoàng Anh - một ứng cử viên của Forbes Under 30 (gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu dưới 30 tuổi) bị tố quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối qua mạng xã hội.

Sự việc này như hồi chuông cảnh báo nạn quấy rối tình dục, nhất là trong môi trường học đường vẫn còn tồn tại.

"Tôi tự hỏi tại sao cơ thể mình lại trở thành trò đùa của người khác"

Hiện là một du học sinh tại Nhật Bản, song Đỗ H.Đ. chia sẻ, cô không thể nào quên được những năm tháng học cấp 3 bị chính những bạn nam trong lớp quấy rối tình dục.

"Năm lớp 12, rất nhiều bạn nam trong lớp để ý tôi, và họ thường nhận xét tôi bằng cụm từ như "xinh, phổng phao và duyên dáng".

Lúc đầu, tôi tưởng mọi thứ chỉ dừng lại ở đùa vui, trêu chọc. Tuy nhiên, câu chuyện đã đi quá xa khi một số bạn nam có hành vi đụng chạm vào lưng, tay, thậm chí là ngực, đồng thời buông lời bỡn cợt về cơ thể tôi".

Trước những lời bình phẩm khiếm nhã về cơ thể, ban đầu, H.Đ. dừng lại ở việc nhắc nhở nhẹ nhàng. Nhưng khi những hành động ấy quá đà, cô đã phản ứng bằng thái độ cáu gắt, thậm chí có hành vi tiêu cực như tát thẳng vào mặt một bạn nam khi bạn đó có hành vi sờ soạng, trêu ghẹo: "Chỗ này của cậu "căng" thế".

"Đỉnh điểm, có lần, một bạn nam trong lớp còn lấy giấy, vẽ hình một thứ vô cùng nhạy cảm là băng vệ sinh, tô màu đỏ… và nhét vào ngăn bàn của tôi. Đến lớp, tôi đã sững sờ và bật khóc khi thấy thứ đó - dù nó chỉ là hình vẽ", H.Đ. nhớ lại.

Những ngày sau đó, H.Đ. cho biết cô đã suy sụp rất nhiều, thậm chí nảy sinh cảm giác ghét cơ thể chính mình và luôn tự hỏi "Tại sao mình lại "phổng phao" đến mức trở thành trò đùa trong mắt người khác giới?"

Quấy rối tình dục học đường: Ám ảnh khi bị nói "chỗ này của cậu căng thế !" - Ảnh 1.

Nhiều học sinh, sinh viên trở thành nạn nhân của nạn quấy rối tình dục. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trong tâm thức của một nữ sinh lớp 12 ngày ấy, H.Đ. vẫn chưa nhận thức đó là hành vi quấy rối tình dục. Do đó, cô đành chọn cách im lặng, đến lớp chỉ ngồi một góc, không dám trò chuyện cùng ai.

Hiện tại, H.Đ không còn giữ liên lạc với bạn nam nào trong lớp cấp 3, tuy nhiên khi ai đó chia sẻ về "thời áo trắng thơ ngây" thì H.Đ. lại không muốn nhớ tới những tháng ngày bản thân đã sống và chịu đựng hành vi quấy rối.

Cũng từng nạn nhân của hành vi "biến thái" này, Nguyễn H.L. (sinh viên một trường ĐH ở Hà Nội) cho hay, bản thân cô đã từng bị quấy rối tình dục vào năm nhất đại học.

Khi lên Đại học, H.L. có tham gia vào một hội đồng hương trong trường. Sau một vài lần gặp gỡ, nữ sinh làm quen được một số anh chị. Trong đó, có một anh khóa trên hay để ý và chủ động nhắn tin làm quen với cô. Ban đầu H.L. nghĩ chỉ là anh em đồng hương trò chuyện bình thường, nhưng trong quá trình nhắn tin, anh ta liên tục có những ngôn từ "gạ gẫm"; tìm mọi cách để tiếp cận, từ tất cả các tài khoản mạng xã hội, chặn chỗ này lại tìm chỗ khác.

"Kinh khủng hơn, hắn còn gửi hình "nude" (khỏa thân) của hắn cho tôi nữa, nghĩ lại mà rợn người" - H.L nói.

Không chỉ một mà H.L cho biết trong một lần khác là đi xe bus, khi đó xe khá đông, cô đã bị một tên biến thái "vỗ" mông. Dù rất sợ hãi, song lúc ấy H.L cũng chỉ biết im lặng để nhanh xuống xe và rời đi thật nhanh.

"Khi ấy vẫn còn là một cô sinh viên "chân ướt chân ráo", nên khi gặp những chuyện như vậy, tôi đã rất "sốc". Khoảng thời gian bị tên "yêu râu xanh" đó làm phiền, tôi đã mất ăn mất ngủ, lo sợ hắn sẽ theo dõi. Tuy là không có hậu quả nào nghiêm trọng, song sự việc này cũng khiến tôi thêm cảnh giác hơn với những người lạ".

Theo nữ sinh Trần N.A. (học sinh lớp 12, Hải Phòng), tại trường học - môi trường được cho là an toàn, lành mạnh; nhưng những hành vi quấy rối tình dục như đụng chạm, bỡn cợt, ám chỉ về tình dục xảy ra không ít.

"Đặc biệt là các bạn nam thường nhìn chằm chằm vào cơ thể bạn nữ. Nhiều đám học sinh huýt sáo, bỡn cợt, trêu đùa, bình phẩm về hình thể khi một bạn nữ nào đó đi qua".

Tuy nhiên, theo N.A., hành vi quấy rối tình dục tại học đường còn tăng thông qua hình thức online.

"Lớp em có lập một nhóm chat để trao đổi về bài vở và tình hình học tập. Tuy nhiên, đôi khi lại nhắn xuất hiện một số tin nhắn có nội dung "Tao có clip "nóng", ai muốn xem thì nhắn tin…" khiến nhiều bạn hùa theo, trong đó có cả nam và nữ. Và nhóm lớp khi đó đã trở thành một "tổ chức" bình phẩm về cơ thể và những vấn đề liên quan đến tình dục.

Không biết hành vi như vậy có phải quấy rối tình dục hay không, nhưng bản thân em lại thấy rất khó chịu, trong khi nhiều bạn trong lớp lại nói "chỉ đùa cho vui".

Quấy rối tình dục ở trường học là một vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu

Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh - Giảng viên kỹ năng mềm, PGĐ kỹ năng và truyền thông Hệ thống Trung tâm ATC nhận định, ngày nay nạn quấy rối tình dục đang diễn biến phức tạp trong nhiều môi trường xã hội con người.

Hiện nay chưa có số liệu thống kê chính xác về tình trạng này. Đặc biệt hơn hết là tình trạng quấy rối tình dục ở trường học, nơi mà trò và thầy chia sẻ, tiếp thu những kiến thức hay và phong phú lại đang xen kẽ âm thầm những cuộc trò chuyện mang tính thu hút và chiếm đoạt nhau trong thân xác và tâm hồn.

Quấy rối tình dục học đường: Ám ảnh khi bị nói "chỗ này của cậu căng thế !" - Ảnh 2.

Thạc sĩ Tâm lý Đinh Văn Thịnh: "Trêu ghẹo, sờ soạng, hay nhắn tin gạ tình… cũng đều là quấy rối" (Ảnh: NVCC).

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân, Giảng viên Kỹ năng mềm tại Trung tâm Đào tạo Ý Tưởng Việt cho hay, quấy rối tình dục, đặc biệt là quấy rối tình dục ở trường học là một vấn nạn đã tồn tại từ rất lâu, không chỉ tại Việt Nam. Quấy rối tình dục học đường được thể hiện dưới nhiều hình thức, hành vi với nhiều mức độ khác nhau.

"Thứ nhất chính là việc quấy rối tình dục bằng lời nói, mà ở đó, kẻ quấy rối dùng những lời lẽ trêu ghẹo, bình phẩm hoặc đề cập đến những vấn đề nhạy cảm với người khác; ví dụ như nhận xét, bỡn cợt bộ phận trên cơ thể của một người nào đó; đề cập đến các vấn đề tình dục với người khác...

Quấy rối tình dục cũng được biểu hiện thông qua hành động dùng tay, chân hoặc các bộ phận trên khác trên cơ thể đụng chạm vào cơ thể người khác một cách cố ý; hay một số hành động phản cảm (khoe cơ thể hoặc bộ phận sinh dục trước mặt người khác, vỗ mông người khác, dùng tay hoặc chân chạm lên đùi, khoác vai người khác giới quá sát, cố ý đứng hoặc kề sát mặt vào cơ thể người khác, hôn người khác khi không được sự đồng ý của họ).

Với những hành vi nghiêm trọng hơn, thể hiện qua việc cưỡng ép, xâm hại tình dục, ép buộc người khác tham gia vào hoạt động tình dục khi họ không đồng ý. Đây là mức độ cao nhất và cũng gây hậu quả nặng nề nhất với nạn nhân" - anh Nhân cho biết.

Quấy rối tình dục học đường: Ám ảnh khi bị nói "chỗ này của cậu căng thế !" - Ảnh 3.

Nguyễn Trọng Nhân - Thạc sĩ Tâm lý học: "Nguồn cơn" của nạn xâm hại tình dục học đường phần lớn xuất phát từ trực tiếp các đối tượng có hành vi quấy rối (Ảnh: NVCC).

Cũng theo ThS. Nguyễn Trọng Nhân, hiện nay, trong bối cảnh mạng lưới Internet mở rộng và phát triển, còn xuất hiện một hình thức quấy rối mới đó chính là: "Quấy rối tình dục thông qua mạng xã hội".

Hình thức quấy rối này được biểu hiện bằng những hành động cụ thể như: Dụ dỗ, lôi kéo hoặc ép buộc người khác tham gia vào các cuộc trò chuyện mang tính chất nhạy cảm, liên quan đến tình dục (nhắn tin văn bản, tin nhắn thoại, gọi video, chia sẻ hình ảnh nhạy cảm…). Thậm chí, nhiều trường hợp, đối tượng còn hăm dọa hoặc thực hiện việc lan truyền những hình ảnh, tin nhắn, video nhạy cảm cho nhiều người khác biết. Và cứ như vậy, nạn nhân sẽ phải chấp nhận tiếp tục bị quấy rối tình dục và khó có khả năng kháng cự.

Nhiều yếu tố góp phần "gieo mầm" hành vi quấy rối tại trường học

Quấy rối tình dục là một vấn nạn đáng lên án, không thể chấp nhận trong xã hội ngày nay; nhất là nạn quấy rối tình dục ở trường học - nơi luôn được cho là an toàn, văn minh và lành mạnh nhất.

Chia sẻ về quan điểm của mình, ThS. Nguyễn Trọng Nhân cho hay, "nguồn cơn" của nạn xâm hại tình dục học đường phần lớn xuất phát từ trực tiếp các đối tượng có hành vi quấy rối. Do nhu cầu khám phá, tìm hiểu các vấn đề về tình dục nhưng không được dạy dỗ, giáo dục một cách đúng đắn, nhiều đối tượng đã thực hiện các hành vi phản cảm ngay trong môi trường giáo dục.

Một số trường hợp, đối tượng thực hiện hành vi quấy rối tình dục là người đang mắc phải hội chứng "xung động hành vi tình dục bất thường", hiểu đơn giản là rối loạn hành vi tình dục.

Tuy nhiên, bên cạnh sự lệch lạc trong nhận thức và hành vi của đối tượng, ThS. Nguyễn Trọng Nhân cũng cho rằng, môi trường học tập phức tạp như: lớp bán trú, lớp nội trú hay ký túc xá… cũng tạo điều kiện "gieo mầm" các hành vi quấy rối tình dục học đường.

"Chưa hết, nạn quấy rối tình dục học đường còn tồn tại, thậm chí có xu hướng gia tăng như một hồi chuông cảnh báo: còn quá nhiều lỗ hổng trong công tác giáo dục giới tính cho học sinh, sinh viên.

Một điều đáng lo là tại các trường học, việc giáo dục trẻ về kỹ năng nhận biết các hành vi quấy rối và bảo vệ bản thân trước hành vi quấy rối, xâm hại vẫn chưa được chú trọng" - anh Nhân chia sẻ.

Dễ trở thành "con mồi" nếu ăn mặc quá "mát mẻ"?

Ở một góc độ khác, ThS. Đinh Văn Thịnh cho hay, bên cạnh những nguyên nhân như sự lệch lạc về hành vi và nhận thức của đối tượng, "lỗ hổng" trong giáo dục giới tính… thì việc ăn mặc quá "mát mẻ" cũng dễ biến các bạn học sinh, sinh viên trở thành nạn nhân của vấn nạn quấy rối tình dục.

"Thực tế, nhiều học sinh, sinh viên ăn mặc rất gợi cảm. Điều này vô tình kích thích đối tượng quấy rối, khiến chúng nảy sinh cảm xúc và hành vi bệnh hoạn, làm hại nạn nhân…".

Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Trọng Nhân cũng đồng tình với quan điểm này. Anh Nhân cho biết, việc ăn mặc ít nhiều cũng sẽ có tác động đến nguy cơ bị quấy rối tình dục.

Hành vi quấy rối tình dục sẽ xuất hiện dễ dàng hơn khi gặp các yếu tố "mồi nhử" tạo điều kiện thuận lợi. Do đó, dù không quyết định hoàn toàn lý do cho các vụ quấy rối tình dục học đường; song việc ăn mặc của học sinh, sinh viên cũng sẽ góp một phần nào đó để những vụ quấy rối dễ có điều kiện xảy ra hơn.


Kiều Phương và Nguyễn Phương Thảo (dantri.com.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem