Mạ nói rau sam dễ mọc lắm, đất trồng hoa màu, đất ruộng, sát nương nhà, ngay cả những thửa đất bỏ hoang lâu ngày cũng chi chít là rau, mà lại là rau sạch mới thích chứ.
Mưa rào vừa thấm đất cũng là lúc hạt rau sam nảy mầm, chỉ vài tuần sau là những búp rau đã mập mạp, mơn mởn tươi xanh.
Rau sam màu xanh hoặc xanh phơn phớt tím. Rau sam tím có vị chua hơn nhưng không mập mạp bằng rau sam xanh, thế nên mạ tôi mới hay dạy con gái rằng mất cái này sẽ được cái kia, ông trời vốn rất công bằng…
Rau sam là thứ rau lành hiền, dễ chế biến, dễ ăn. Chỉ cần vài con cá nục nhỏ, ruốc Huế, tôm tươi, hoặc một ít tôm khô là có thể thưởng thức món canh rau sam mát rượi.
Nếu ngán các món thường nhật thì rau sam luộc chấm nước mắm tỏi, hoặc chấm nước kho cá nục, cá sòng dằm ớt tỏi sẽ là món “cứu vớt” vị giác không gì sánh bằng. Rau sam còn có thể xào tỏi, làm gỏi, ăn sống nữa…
Tất nhiên, nước luộc rau sam là thức canh giải nhiệt tuyệt vời khi được pha thêm chút mì chính, muối.
Canh rau sam không cần bề bộn dầu, bởi lẽ cọng rau đã rất mềm mướt, ngọt chua thật dịu. Bí quyết của mạ tôi khi nấu món rau này là càng đơn giản càng tốt.
Tỷ dụ như canh rau sam cá nục. Cá nục tươi được ướp tiêu – hành - mắm - muối thật thấm rồi cho vào nồi nước sôi, sau đó cho rau sam vào. Chờ cả hai vừa chín là đã có món canh rau sam thơm lựng.
Mạ nói cá nục nấu canh rau sam là ngon nhất. Vị chua mát đặc biệt của rau sam át hẳn mùi tanh của cá, và chất ngọt của cá làm tôn thêm độ ngon của nước rau. Tôm thịt dù ngon ngọt mấy cũng không thể sánh bằng.
Rau sam mọc hoang, thích nhất là ăn rau được hái từ những thửa đất trồng sắn dây. Những ngọn rau sam mập ú, láng o cứ ké chất đất tốt mà lớn, mà xanh um.
Thi thoảng nhổ cỏ sắn dây, tôi nhổ luôn cả rau sam mà cứ tiếc hùi hụi, chẳng là rau sam cũng như cây cỏ, nó làm sắn dây chậm lớn. Thôi kệ, cứ nhổ rồi ta sẽ đi kiếm ở những thửa đất khác vậy.