Gia Lai phát triển mạnh về nông nghiệp nhưng "khát" nhân lực
Tại hội nghị "Đẩy mạnh hoạt động gắn kết đào tạo và nghiên cứu khoa học với mối quan hệ nhà trường-cơ quan quản lý-doanh nghiệp" do Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức tại Phân hiệu của trường ở Gia Lai vào ngày 3/6, ông Lê Duy Định, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Gia Lai cho biết, giai đoạn 2019-2021, toàn tỉnh có khoảng 5.6813/36.073 học sinh sau khi tốt nghiệp THPT ở lại địa phương (chiếm tỷ lệ khoảng 16,11%)
Tuy nhiên, các em trong số này ít quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp mặc dù lĩnh vực này hiện nay đang rất phát triển và "khát" nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.
Theo ông Định, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do các em nhận thấy làm nông nghiệp vất vả, thường xuyên phải "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", "chân lấm, tay bùn" và không thể mang lại cuộc sống khá giả. Ngoài ra, một số em không đam mê với lĩnh vực nông nghiệp.
Để thu hút HS lớp 12 sau khi tốt nghiệp THPT lựa chọn theo các ngành lĩnh vực nông nghiệp nhằm đáp ứng nhân lực mà địa phương đang thiếu, ông Định cho biết, Sở GD&ĐT sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của nông nghiệp cho các em học sinh trong quá trình giải quyết việc làm.
Đồng thời, cung cấp thông tin về ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp mà địa phương đang cần, đặc biệt là nhu cầu thực tế về nguồn lao động cho lĩnh vực này ở các trình độ, vị trí việc làm và chế độ lương bổng, xu hướng phát triển….
Sở cũng sẽ chú trọng giáo viên giảng dạy môn sinh học, công nghệ sinh (kỹ thuật nông nghiệp) để giảng dạy và hướng nghiệp học sinh chọn nghề nông thuyết phục nhất
Ngoài ra, đơn vị cũng đề nghị Phân hiệu Trường Đại học Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Sở GD&ĐT để tổ chức các đợt tư vấn tuyển sinh ngành nghề cho học sinh lớp 9 và 12, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.
Ra trường rồi lại quay trở về làm nông
Ông Định cũng nêu lên thực trạng rằng, những năm trở lại đây, học sinh THPT có rất nhiều lựa chọn sau tốt nghiệp như học tiếp lên đại học, cao đẳng, học nghề, đi làm, du học. Có một số học sinh ở lại địa phương phụ giúp gia đình kế nghiệp nghề nông nhưng lại không mặn mà khởi nghiệp từ lĩnh vực nông nghiệp. Trong một số sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cao đẳng không tìm được việc làm đúng chuyên môn, trái ngành nên thu nhập không cao, một số đã quay về nghề thuần nông của gia đình.
Nhấn mạnh đến vấn đề việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, ông Trần Cao Bảo, Phó Hiệu trưởng Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh tại Gia Lai cho biết, khi sinh viên theo học trường, phân hiệu sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để hỗ trợ giải quyết việc làm cho các em sau khi rời khỏi ghế nhà trường. Đồng thời, phân hiệu sẽ mời doanh nghiệp cùng tham gia xây dựng chương trình đào tạo gắn với thực tiễn và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên của phân hiệu sau khi tốt nghiệp.
Đồng quan điểm, ông Võ Phúc Anh Huy, Trưởng ban quản lý đào tạo Phân hiệu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận chia sẻ, trường cũng sẽ tăng cường các hoạt động hợp tác doanh nghiệp để tìm kiếm các cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên. Qua đó, thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo giúp sinh viên trải nghiệm môi trường thực tế khi còn đi học.