Gia Lai: Hàng loạt doanh nghiệp mạnh tay rót 15.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp

Thiên Hương Chủ nhật, ngày 22/05/2022 09:28 AM (GMT+7)
Chiều 21/5, tại TP Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Bình luận 0

Hơn 15.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp tại Gia Lai

Theo UBND tỉnh Gia Lai, giai đoạn 2016-2020, Gia Lai đã thu hút được 515 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng. Con số này tăng gấp 5 về số dự án và 36 lần tổng mức đầu tư so với giai đoạn 2011-2015. 

Trong đó, có 237 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng kí là 65.900 tỷ đồng.

Riêng trong năm 2021, đã có 60 dự án được phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng. Ngoài ra còn có 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất với tổng vốn đăng ký khoảng 67.000 tỷ đồng.

Gia Lai: Hàng loạt doanh nghiệp mạnh tay rót 15.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 1.

Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022 với sự tham dự và chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Đến nay, nhiều tập đoàn kinh tế trong và ngoài nước đã có mặt tại tỉnh Gia Lai với các dự án đầu tư quy mô lớn như: Golf Long Thành, Thành Thành Công, Trung Nam, Meiwa Việt Nam (thuộc Tập đoàn Meiwa Nhật Bản), KEPCO KDN (thuộc Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc), KOVECA (Hàn Quốc).

Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, với vị thế là cửa ngõ của khu vực Tây Nguyên, Gia Lai không chỉ trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ thương mại trong tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam mà còn là đầu mối giao thông quan trọng kết nối Tây Nguyên với các tỉnh khu vực miền Trung và Đông Nam Bộ.

Thời gian tới, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư. Xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại Gia Lai.

Gia Lai: Hàng loạt doanh nghiệp mạnh tay rót 15.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 2.

Một góc Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk, với quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, do Tập đoàn De Heus Hà Lan và Tập đoàn Hùng Nhơn làm chủ đầu tư.

Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành danh mục 112 dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025. Trong đó, 50 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, 18 dự án công nghiệp, 22 dự án nông nghiệp, 22 dự án thương mại dịch vụ, du lịch. 

Cũng tại hội nghị lần này, UBND tỉnh Gia Lai đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 17 dự án nông nghiệp tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng. Đáng chú ý là dự án Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai, với tổng vốn đầu tư 1.030 tỷ đồng.

Đây là dự án thứ 4 trong tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại Việt Nam của 2 tập đoàn De Heus (Hà Lan) và Hùng Nhơn (TP.HCM). Dự án được xây dựng tại huyện Chư Pưh, chuyên sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín bao gồm: chọn lọc, sản xuất heo giống - gà giống.

Dự án còn xây dựng nhà máy giết mổ heo tự động; sản xuất thức ăn chăn nuôi theo hướng hữu cơ; sản xuất phân bón hữu cơ và thương mại các sản phẩm chăn nuôi.

Gia Lai: Hàng loạt doanh nghiệp mạnh tay rót 15.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 3.

Đại diện chủ đầu tư Tổ hợp Nông nghiệp công nghệ cao DHN Gia Lai - ông Vũ Mạnh Hùng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hùng Nhơn (thứ 4 từ phải sang) nhận quyết định chủ trương đầu tư của UBND tỉnh Gia Lai.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Johan Van Den Ban - Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam cho biết, mục tiêu của các dự án tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN mà 2 tập đoàn đang triển khai là xây dựng Tây Nguyên thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao theo chuỗi khép kín. Từ đó góp phần định hình Tây Nguyên trở thành Trung tâm cung cấp lợn giống và phát triển các mô hình chăn nuôi công nghệ cao của Việt Nam.

"Trong thời gian tới, De Heus sẽ tiếp tục phát triển các chuỗi liên kết mới nhằm nâng cao chất lượng chuỗi giá trị và cải thiện đời sống của không chỉ người nông dân, người kinh doanh mà còn toàn thể người tiêu dùng Việt. Điều đó cũng khẳng định việc thực hiện cam kết của chúng tôi trong sứ mệnh nâng tầm chuỗi giá trị đạm động vật ở Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần đưa thực phẩm sạch, an toàn với giá cả phải chăng đến gần hơn với người tiêu dùng" - ông Johan nói. 

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta có những cái thuận lợi và không thuận lợi. Chúng ta cần phải xây dựng nền kinh tế tự chủ, chủ động tích cực hội nhập chứ không phải tự cung tự cấp. 

Nếu nền kinh tế không tích cực hội nhập thì không phát triển được. Gia Lai có cái lớn nhất là con người, đất đai, truyền thống lịch sử văn hóa. Nếu có 3 trụ cột này thì có thể quyết định đến vấn đề phát triển của các địa phương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, quy hoạch phát triển kinh tế của tỉnh Gia Lai phải có đột phá, tạo động lực mới. Trong đó cần phải tập trung phát triển hạ tầng giao thông, kinh tế, văn hóa xã hội. Đừng làm dàn trải manh mún, phải phát triển có trọng tâm, trọng điểm.

Gia Lai: Hàng loạt doanh nghiệp mạnh tay rót 15.000 tỷ đồng đầu tư vào nông nghiệp - Ảnh 5.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư tập trung khai thác thế mạnh Gia Lai theo chiều sâu, tâm huyết.

Cuối cùng Thủ tướng tuyên dương thành tựu của tỉnh Gia Lai đạt được trong những năm qua, đặc biệt chỉ số cạnh tranh PCI đã được cải thiện.

Thủ tướng mong các nhà đầu tư tập trung khai thác thế mạnh Gia Lai, nâng cao đổi mới công nghệ, phát triển năng lượng xanh, sạch. Nghiên cứu, tâm huyết, yêu vùng đất Gia Lai để có sự đầu tư theo chiều sâu, lâu dài. Từ đó, biến những cái khó thành dễ, cái không thể thành có thể.

  • Tháng 9/2021, 2 Tập đoàn De Heus và Hùng Nhơn đã hoàn thiện và đi vào hoạt động Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN tại tỉnh Đắk Lắk, với quy mô 200 ha, tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng.
  • Ngay sau khi đi vào hoạt động, dự án đã đón nhận chuyến chuyên cơ chở lô heo cụ kỵ, ông bà 1.250 con nhập trực tiếp Topigs Norsvin (Canada). Dự kiến, số heo giống này mỗi năm cung cấp ra thị trường 25.000 con giống bố mẹ và heo hậu bị thương phẩm.

  • Tháng 10/2021, vận hành Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Lâm Đồng, bằng việc mua lại hệ thống trang trại gà từ Tập đoàn BG (Vương quốc Bỉ) với tổng giá trị đầu tư hơn 10 triệu USD (tương đương 240 tỷ đồng).
  • Đặc biệt, trong tháng 5/2022, 2 tập đoàn đã khởi công Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN Gia Lai, với quy mô 100ha. Tổng vốn đầu tư khoảng 1.030 tỷ đồng.

  • Trong kế hoạch sắp tới, Tổ hợp Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao DHN sẽ mở rộng chuỗi tổ hợp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2 tỉnh còn lại của khu vực Tây Nguyên là Kon Tum và Đắk Nông.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem