Gia Lai thu hút nhiều dự án "khủng" trong lĩnh vực nông nghiệp

Hoàng Lộc - Ngọc Giàu Thứ bảy, ngày 21/05/2022 17:09 PM (GMT+7)
"Gia Lai cần chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân", - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nói.
Bình luận 0

Chiều 21/5, UBND tỉnh Gia Lai tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2022. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự hội nghị. 

Ngoài ra còn có đại diện các bộ, ngành, cơ quan Trung ương; lãnh đạo một số tỉnh, thành phố; các đại biểu đại diện hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong giai đoạn 2016-2021, tỉnh Gia Lai đã kêu gọi đầu tư được 265 dự án, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng (58 dự án), công nghệ chế biến (44 dự án), năng lượng tái tạo (95 dự án), nông nghiệp (41 dự án), thương mại, dịch vụ, du lịch (27 dự án).

Gia Lai cần chủ động chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp - Ảnh 1.

Quang cảnh Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai 2022. ẢnH: N.G

Giai đoạn 2016-2020, Gia Lai thu hút được 515 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký hơn 830.000 tỷ đồng. Riêng trong năm 2021, có 60 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, với số vốn đăng ký 29.227 tỷ đồng; 172 dự án đang được các nhà đầu tư quan tâm nghiên cứu, đề xuất dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 13.987 tỷ đồng.

Có những dự án lớn hoàn thành, đưa vào trong năm 2021 đã tạo sức bật cho nền kinh tế tỉnh nhà như: dự án trang trai chăn nuôi bò thịt của Công ty TNHH MTV Chăn nuôi bò Trung Nguyên (Thaco) với tổng mức đầu tư 1.162 tỷ đồng, công suất nuôi 100.000 con/năm; trồng cây dược liệu kết hợp trồng cây ăn quả ứng dụng CNC, Công ty cổ phần nông nghiệp CNC Hưng Sơn quy mô 217 ha, vốn đầu tư 149 tỷ đồng...

Gia Lai cần chủ động chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp - Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: N.G

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, hội nghị xúc tiến đầu tư là cơ hội để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi, nhận diện rõ hơn những tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư vào Gia Lai.

"Tỉnh Gia Lai sẽ quyết tâm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh bình đẳng, thông thoáng, minh bạch và thực hiện tốt các chính sách ưu đãi, giải pháp hỗ trợ... để mời gọi, thu hút các nhà đầu tư có năng lực đến đầu tư tại địa phương", ông Thành nói.

Phát biểu tại hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Gia Lai có tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp trên 1,40 triệu ha, chiếm 90,3% diện tích tự nhiên, tỷ lệ độ che phủ rừng 40,2%; có gần 21.600 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản…

Gia Lai có tiềm năng và lợi thế lớn phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và thực tế đang phát triển nhiều nông sản với diện tích, sản lượng, chất lượng ngày càng tăng và đứng hàng đầu cả nước, như: cà phê, hồ tiêu, ca cao, mắc ca, trái cây...

"Gia Lai hội tụ đầy đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, hiện đại, bền vững", Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.

Gia Lai cần chủ động chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp - Ảnh 2.

Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội nghị. Ảnh: N.G

Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng đề nghị, Gia Lai cần chủ động chuyển đổi mạnh mẽ từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, tạo dựng hệ sinh thái nông nghiệp có các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân gắn kết, xây dựng chuỗi ngành hàng nông sản đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Gia Lai và các doanh nghiệp, nhà đầu tư tăng cường kết nối, đổi mới, năng động, sáng tạo, khai thác tiềm năng lợi thế về con người, đất đai, khí hậu, môi trường, vị trí kết nối hạ tầng giao thông, logistics. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, điều phối các hoạt động phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn mang tính liên vùng, liên tỉnh.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các quy trình sản xuất tốt và tương đương, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm; tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, có chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; khai thác lợi thế, tiềm năng; phát triển sản phẩm đặc sản kết nối với phát triển du lịch.

Cùng với đó là tranh thủ có hiệu quả sự hợp tác, hỗ trợ từ bên ngoài, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, khắc phục khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa Gia Lai trở thành tỉnh phát triển ở Tây Nguyên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem