Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 3/6/2022, theo giờ Việt Nam, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 7/2022 đứng ở mức 120,26 USD/thùng, tăng 3,39 USD/thùng trong phiên.
Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 8/2022 đứng ở mức 121,27 USD/thùng, tăng 3,66 USD/thùng trong phiên.
Giá dầu ngày 4/6 duy trì đà tăng mạnh trong bối cảnh nguồn cung dầu được dự báo sẽ bị thắt chặt hơn nữa trong thời gian tới.
EU đã đạt được thống nhất về việc áp lệnh cấm vận đối với 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga, tương đương với mức 2 triệu thùng/ngày. Nhiều chuyên gia cho rằng lệnh cấm vận dầu thô Nga của EU sẽ không tác động nhiều đến thị trường khi mà việc vận chuyển dầu thô Nga đến các quốc gia EU vốn đã vô cùng khó khăn do các lệnh trừng phạt trước đó. Nga cũng đã chủ động tìm cách dịch chuyển nguồn cung dầu sang các nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc. Tuy nhiên, có một thực tế là việc dịch chuyển này đang khiến giá dầu tăng cao hơn do chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển.
Hiện Nga cũng đã ngừng hoặc giảm lượng khí cung cấp cho một loạt quốc gia châu Âu. Điều này cũng buộc các nước EU phải tìm nguồn cung thay thế để đáp ứng các nhu cầu năng lượng trong nước, trong đó có cả dầu thô.
Giá dầu hôm nay tăng mạnh còn do Trung Quốc tiếp tục gỡ bỏ dần các lệnh phong toả tại nhiều thành phố, trung tâm thương mại, công nghiệp lớn, trong đó có Bắc Kinh, Thượng Hải...
Áp lực thiếu hụt nguồn cung cũng đang ngày một lớn hơn khi Mỹ đã có những động thái hạn chế xuất khẩu để giải quyết bài toán giá năng lượng và phục vụ các nhu cầu tiêu thụ trong nước.
Theo dữ liệu mới được công bố thì dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần trước đã giảm tới 5,1 triệu thùng, mức giảm lớn hơn nhiều so với con số dự báo 1,3 triệu thùng. Các nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ cũng tỏ ra không mặn mà với lời kêu gọi tăng sản lượng.
Nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu đang phục hồi mạnh tại hầu hết các nền kinh tế. Chính vì vậy, quyết định tăng sản lượng thêm 650.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8/2022 thay vì 432.000 thùng/ngày của OPEC+ được giới phân tích nhận định "chẳng đáng là bao" và điều này đã hỗ trợ giá dầu thô tăng mạnh. Thậm chí nhiều chuyên gia đã dự báo giá dầu thô có thể lên mức 175 USD/thùng trong thời gian tới khi EU cấm vận hoàn toàn 2/3 lượng dầu nhập khẩu từ Nga.
Trong nước, từ 15 giờ ngày 1/6, theo quyết định của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 đã tăng 600 đồng, RON 95 tăng 920 đồng và các mặt hàng dầu tăng 310 - 940 đồng/lít.
Sau điều chỉnh từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng RON 95 từ 15 giờ ngày 1/6 đã vượt 31.000 đồng/lít, ở mức 31.570 đồng; xăng E5 RON 92 cũng lên mức 30.230 đồng/lít. Đây là lần tăng thứ 5 liên tiếp của giá xăng. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã có 11 lần điều chỉnh tăng và 3 lần giảm.
Căn cứ vào diễn biến thị trường và các mục tiêu điều hành giá, liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng quyết định không trích lập Quỹ BOG (Quỹ Bình ổn giá) đối với các loại xăng, giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu diesel xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập ở mức 300 đồng/lít), giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu hỏa xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích lập là 300 đồng/lít) và giảm trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut xuống mức 300 đồng/kg (kỳ trước trích lập ở mức 400 đồng/kg); đồng thời, chi sử dụng Quỹ BOG xăng dầu đối với xăng E5 RON 92 ở mức 100 đồng/lít và xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít (kỳ trước chi 300 đồng/lít), các mặt hàng dầu không chi.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 4/6 cụ thể như sau: Xăng E5 RON 92 không quá 30.235 đồng/lít; xăng RON 95 không quá 31.578 đồng/lít; dầu diesel không quá 26.394 đồng/lít; dầu hỏa không quá 25.346 đồng/lít và dầu mazut không quá 20.901 đồng/kg.
Trước đó, trao đổi bên hành lang Quốc hội ngày 1/6 về thông tin xăng lại tiếp tục tăng giá, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định hiện nay giá xăng của Việt Nam còn thấp hơn giá thế giới.
Theo Bộ trưởng Diên, về nguyên tắc, tăng giá xăng dầu làm tăng giá vật tư đầu vào, từ đó làm tăng chi phí sản xuất, làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Diên chia sẻ với người dân về vấn đề này. Nhưng ở chiều ngược lại, theo Bộ trưởng Diên, nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao, cho nên hàng hóa của chúng ta làm ra chủ yếu xuất khẩu, nếu ép giá đầu vào thì giá thành sản phẩm không phản ánh đúng giá trị, vô hình trung là gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang là đối tác thương mại của rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ, nên nếu "ép giá đầu vào", các nước có thể kiện chúng ta về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí là thao túng tiền tệ. Chưa kể, hệ lụy của việc duy trì giá xăng dầu ở mức quá thấp là tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới. Do đó, cần phải cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng, chứ không nói một chiều.
Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho hay, một mặt vẫn phải cố gắng dùng các công cụ, kể cả thuế, cũng như kiểm soát thị trường để giảm giá.
Trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, cần tính toán đến các công cụ như chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế. Mục tiêu là để kiểm soát giá, đảm bảo hiệu quả quản lý cả trong nước và phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.