Việt Nam nhập xăng dầu của Malaysia 13.000 đồng/lít, bán trong nước trên 31.000 đồng/lít: Do thuế phí hay doanh nghiệp lãi đậm?

An Linh Thứ sáu, ngày 03/06/2022 12:49 PM (GMT+7)
Thông tin, đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia hé lộ giá xăng tại Malaysia chỉ 13.000 đồng/ lít, Chính phủ Malaysia sẵn sàng bán cho Việt Nam, trợ giá để giảm căng thẳng đã gây sửng sốt dư luận.
Bình luận 0

Theo đó, ngày 2/6, tại hội thảo "Xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và các nước Hồi giáo" do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức, ông Trần Việt Thái, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia cho biết, Thương vụ Việt Nam tại Malaysia sẵn sàng hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp (DN) Việt nhập khẩu xăng dầu của Malaysia để ổn định thị trường trong nước.

Giá xăng nhập tại các nước rất rẻ

Theo ông Thái, giá xăng tại Việt Nam đã là 31.573 đồng/lít, trong khi xăng RON 95 tại Malaysia được chính phủ hỗ trợ giá cho người dân là 13.000 đồng/lít.

Vì sao Việt Nam nhập xăng dầu của Malaysia 13.000 đồng/lít, bán trong nước giá trên 31.000 đồng/lít? - Ảnh 1.

Xăng dầu Malaysia nhập về chỉ 13.300 đồng/lít (Ảnh minh hoạ).

Theo đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Trần Việt Thái: Sau chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia sang Việt Nam, hai chính phủ đang đàm phán để xuất sang Việt Nam 300.000 lít xăng RON 95, nhưng hiện nay vẫn chưa triển khai được nhiều.

Thực tế, giá nhập các loại mặt hàng xăng dầu của Malaysia trong nhiều năm trở lại đây luôn thấp. Malaysia là 1 trong 4 đối tác cung cấp xăng dầu thành phẩm lớn nhất cho Việt Nam.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập hơn 660.600 tấn xăng dầu thành phẩm các loại từ Malaysia, trị giá 568 triệu USD. Giá quy đổi là hơn 19 triệu đồng/tấn, quy đổi ra lít là khoảng 13.300 đồng/ lít.

Xăng dầu thành phẩm Hàn Quốc nhập vào Việt Nam 4 tháng qua cũng đạt trên 1,38 triệu tấn, kim ngạch 1,38 tỷ USD, tương đương 23 triệu đồng/tấn, quy đổi khoảng 16.100 đồng/ lít.

Các loại xăng dầu thành phẩm của Singapore, Thái Lan, Trung Quốc về Việt Nam 4 tháng qua cũng đạt từ 230.000 tấn đến 450.000 tấn, giá quy đổi trung bình vào khoảng 15.000 đồng đến 16.100 đồng/ lít.

So với 4 tháng năm 2021, giá xăng dầu 4 tháng nay tăng gấp đôi. Cụ thể, giá xăng dầu nhập từ Malaysia 4 tháng 2021 chỉ 8.500 đồng/ lít, Hàn Quốc là 9.200 đồng/ lít, xăng dầu của Thái Lan, Singapore là từ 8.200 đồng đến 8.400 đồng /lít.

Tuy nhiên, việc nhập khẩu xăng dầu ở một số thị trường hiện khó khăn, đơn cử như Malaysia, lượng dầu nhập 4 tháng qua chỉ còn 660.600 tấn, giảm hơn 340.000 tấn so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng nói là, dù giá xăng do các đối tác xuất khẩu cho Việt Nam khá rẻ nhưng về đến Việt Nam do chịu nhiều loại thuế hoặc do chi phí kinh doanh của doanh nghiệp, giá bán lẻ xăng dầu đã đội lên rất cao.

Bình quân các loại xăng dầu nhập khẩu 4 tháng qua từ các đối tác lớn như Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan, Singapore chỉ từ 19 triệu đồng đến 23 triệu đồng/tấn, quy đổi chỉ 13.000 đồng đến 16.100 đồng/ lít, nhưng giá bán lẻ luôn trên 30.000 đồng/ lít. 

Giá nhập xăng dầu chưa thuế phí của các đối tác như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc vào Việt Nam cũng khá rẻ. Năm 2021, giá nhập tính theo đơn vị tấn xăng dầu thành phẩm từ Malaysia là khoảng 12,9 triệu đồng/tấn, tương đương 9.000 đồng/ lít; Hàn Quốc là 14,2 triệu đồng/tấn, quy đổi 10.000 đồng/ lít; Singapore và Thái Lan cũng chỉ dao động từ 9 đến 10 triệu đồng/tấn, tương đương khoảng 9.500 đến gần 10.000 đồng/ lít.

Năm 2020, giá xăng dầu thành phẩm nhập từ các đối tác trên còn rẻ hơn. Cụ thể, xăng dầu nhập từ Malaysia chỉ 8,8 triệu đồng/tấn, tương đương 6.000 đồng/ lít; xăng dầu Hàn Quốc là 9,5 triệu đồng/tấn, tương đương 6.700 đồng/ lít; giá xăng dầu các nước Thái Lan, Singapore cũng chỉ khoảng từ 8,9 triệu đồng/tấn, tương đương hơn 6.300 đồng/ lít.

Xăng dầu gánh nhiều thuế phí hay doanh nghiệp ăn lãi đậm?

Hiện Việt Nam đã ký nhiều hiệp định tự do thương mại song và đa phương (FTAs) thế hệ mới với các đối tác lớn cung cấp xăng dầu. Hiện Mức thuế FTAs song phương Việt Nam và Hàn Quốc, Việt Nam và các đối tác ASEAN, xăng dầu thành phẩm chỉ chịu thuế suất 8%. Các đối tác khác vẫn chịu thuế suất thuế nhập khẩu diện tối huệ quốc (MFN) của WTO là 20% trong đó có Trung Quốc, EU.

Mới đây, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ điều chỉnh thuế suất MFN đối với mặt hàng xăng động cơ, không pha chì từ mức 20% hiện nay xuống mức 12% (chênh 4% so với thuế suất FTA từ Hàn Quốc và ASEAN) nhằm giúp các doanh nghiệp đầu mối đa dạng hoá nguồn cung, khách hàng. Tuy nhiên, phương án này vẫn chưa được phê duyệt, thông qua.

Ngoài khoản thuế suất thuế nhập khẩu, hiện xăng dầu nhập khẩu về tiêu thụ trong nước còn phải gánh 10% thuế tiêu thụ đặc biệt (đối với xăng khoáng RON95) và 8% (đối với xăng sinh học E5 RON 92); thuế giá trị gia tăng VAT (10%), thuế bảo vệ môi trường từ 1.900 -2.000 đồng/lít. Ngoài ra còn các khoản lợi nhuận định mức, chi phí định mức, chi phí vận chuyển... chiếm 5-8%.

Như vậy, nếu tính tổng thuế xăng dầu nhập khẩu từ các thị trường được hưởng thuế suất MFN từ WTO, chi phí thuế vào khoảng 45% đến 48%/giá các loại xăng dầu nhập khẩu. Đối với xăng dầu nhập từ các thị trường được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt từ FTAs như Hàn Quốc, ASEAN, chi phí thuế vào khoảng 33-36%/giá các loại xăng dầu nhập khẩu.

Nếu áp dụng đầy đủ các loại thuế, bảng thuế nêu trên, mỗi lít xăng dầu nhập khẩu từ Malaysia có giá khoảng 13.300 đồng/lít sẽ "cõng" phải thêm từ 4.300 đến 4.700 đồng, mức giá sau thuế có thể từ 17.700 đồng đến 18.000 đồng/lít.

Để người dân được dùng giá xăng rẻ, cần phải giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu MFN từ các đối tác trong WTO hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, hai sắc thuế lớn, đánh vào giá xăng dầu hiện nay. Bên cạnh đó, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp cần phải giảm để giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem